Một số thực khách chia sẻ vì thèm ngọt, họ dễ bị rơi vào bẫy do các tiệm bánh giảm cân “giả” giăng ra.
Bánh ngọt được làm theo công thức Keto nhận được sự quan tâm của nhiều thực khách. Ảnh: Keto-Mojo.
Mới đây, một cửa hàng bán bánh giảm cân bị tố cáo nâng giá cao cho một chiếc bánh Keto “giả” với những lời quảng cáo và hình ảnh được đầu tư. Một chiếc bánh ngọt Keto bên này bán giá lên đến 300.000 đồng, đắt gấp 2-3 lần giá bánh có đường thông thường.
Sự việc này tạo ra làn sóng phẫn nộ cho người tiêu dùng khi sức khỏe của họ bị coi thường bởi đặt niềm tin sai chỗ.
Sản phẩm tốt cho sức khỏe được quan tâm
Theo Harvard Health Publishing, việc tiêu thụ nhiều đường gây ra bệnh tiểu đường, tăng cân, tăng nguy cơ mắc bệnh tim và gan nhiễm mỡ. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng nếu ăn nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và một số bệnh ung thư.
Better Health nhận định một chai nước ngọt 600 ml có thể chứa lượng đường tương đương 16 thìa cà phê, nhiều hơn 12% lượng calo cần thiết cho một thiếu nữ 14 tuổi.
Các thực phẩm được phép sử dụng theo chế độ Keto khá nghiêm ngặt. Ảnh: Whole Foods.
Chính vì những lý do trên, ngày càng nhiều người chọn theo đuổi thói quen ăn uống lành mạnh hoặc một số chế độ ăn đặc biệt. Một trong số đó có thể kể đến Keto (Ketogenic Diet).
Đây là chế độ ăn giàu chất béo, đủ protein và rất ít carb (carbohydrate, nhóm chất bột đường). Khi ăn Keto, lượng carb giảm mạnh, glucose dần cạn kiệt, chất béo trong cơ thể buộc phải chuyển thành ketone để cung cấp năng lượng thay thế.
Theo nghiên cứu của khoa Khoa học Tâm thần và Hành vi (Trung tâm Y tế Đại học Duke, Mỹ), chế độ Keto có thể kiểm soát sự thèm ăn khi cơ thể đang đốt chất béo liên tục.
Một nghiên cứu khác tại Trung tâm Y tế Đại học Leiden (Hà Lan) cũng chỉ ra khi ăn uống theo chế độ Keto, cơ thể sẽ giảm lượng đường trong máu đáng kể.
Từ hai nghiên cứu này, có thể thấy chế độ ăn Keto có thể giúp giảm cân, giữ gìn vóc dáng và an toàn cho người có bệnh tiểu đường. Chính vì những lợi ích kể trên, nhiều người đã chọn theo đuổi Keto Diet với mong muốn bảo vệ sức khỏe.
Cũng từ đây, một số đơn vị kinh doanh đã sản xuất những chiếc bánh ngọt Keto với hứa hẹn tốt cho sức khỏe. Các loại bánh giảm cân là ý tưởng tốt, giúp thực khách thoả mãn cơn thèm bánh nhưng vẫn đảm bảo chế độ ăn healthy.
Bẫy tiêu dùng
Đánh vào tâm lý muốn giảm cân nhưng vẫn ăn ngon của thực khách, các cửa hàng bánh ngọt gắn mác “Keto” hay “healthy” mọc lên như nấm.
Thực khách Thùy Linh (Hà Nội) cho biết chị thường xuyên mua hàng của cửa hàng bán bánh Keto giả trong thời gian mang bầu vì vừa muốn đảm bảo sức khỏe, vừa muốn ăn đồ ngọt.
Tiệm bánh bị tố cáo (bên phải) sử dụng hình ảnh xưởng bánh của đơn vị khác ở Hàn Quốc nhưng tự nhận là của mình. Ảnh: Phương Nguyễn.
“Tôi chọn tiệm bánh này vì tin lời quảng cáo ‘bánh an toàn cho người bị tiểu đường’. Dù đã kiêng khem kỹ, trong thời gian sử dụng bánh ‘giảm cân’ của tiệm tôi vẫn tăng 15 kg”, Thùy Linh bày tỏ.
Sau khi câu chuyện về tiệm bánh trên bị phanh phui, nữ thực khách rất bức xúc bởi hành vi kinh doanh trên sức khỏe người tiêu dùng. Chị Linh cho biết chị đặt niềm tin lớn vào đơn vị này bởi những thông tin họ xây dựng hình ảnh thương hiệu rất uy tín như chủ tiệm là du học sinh Anh, học làm bánh ở nước ngoài và nguyên liệu cũng là hàng nhập khẩu.
Tương tự, Phương Anh (Hà Nội) cũng là một trong những khách hàng quen của tiệm bánh này. Cô cho biết mình đang trong quá trình giảm cân nên muốn tìm những món ăn vặt lành mạnh hơn.
Phương Anh chia sẻ ngoài tiệm bánh trên, cô đã thử bánh Keto ở nhiều cửa tiệm khác. Bánh ngọt làm theo phương pháp này sẽ sử dụng chất tạo ngọt stevia thay vì đường kính nên mùi vị cũng khác biệt.
“Hương vị không giống bánh ngọt thông thường nhưng khá dễ ăn. Mỗi lần ăn xong tôi cũng cảm thấy bớt thèm ngọt và không thấy có lỗi với bản thân”, Phương Anh nói.
Thấy tiệm bánh có nhiều lượt đánh giá, cộng thêm một số loại bánh muốn mua phải đặt lịch nên cô quyết định chọn đơn vị này. Khi sự việc vỡ lở, nữ thực khách cũng bất ngờ và bức xúc.
Cẩn thận khi lựa chọn
Theo chia sẻ, Hằng Dâu (Influencer về mảng dinh dưỡng và sức khỏe) cho biết Keto là chế độ ăn uống khá đặc biệt và khó để có một bữa cheat meal (bữa ăn gian lận, có thể sử dụng chất béo, đồ ngọt để cân bằng dinh dưỡng).
Người theo đuổi chế độ ăn này phải lựa chọn thực phẩm khá gắt gao. Chính vì vậy, để làm ra một chiếc bánh “chuẩn” Keto không hề đơn giản và cần chi phí cao. Đơn vị kinh doanh bánh lừa đảo đã đánh vào yếu tố này để hét giá sản phẩm và đánh lừa người tiêu dùng.
Thực khách vẫn có thể tự tay làm những loại bánh ngọt theo chế độ Keto tại nhà. Ảnh: @ketowithbum.
Nữ influencer cho biết hành vi của đơn vị bán bánh đáng lên án. Theo VTV24, tiệm bánh bị phát hiện sử dụng giấy xét nghiệm không rõ ràng, lấy hình ảnh và phản hồi của những đơn vị kinh doanh khác để tạo lòng tin với khách hàng.
Theo thông tin từ VTV24, bánh của đơn vị này được nhập từ các cửa hàng bánh ngọt thông thường. “Người nhập bánh không hề rõ về những thành phần trong bánh nhưng vẫn ngang nhiên chào bán kèm những lời quảng cáo không tưởng, ví dụ như thành phần trong chiếc bánh, hoặc lượng calo”, Hằng Dâu bày tỏ.
Theo các con số được công bố bởi tiệm bánh, sản phẩm của họ an toàn và có mức calo, lượng đường khá thấp. Trên thực tế, một số mẫu bánh khi đem đi kiểm nghiệm còn có lượng đường cao hơn các sản phẩm không đường.
Nếu có thời gian, thực khách hoàn toàn có thể tự làm được những chiếc bánh “healthy” tại nhà khi thay đổi một số nguyên liệu như chất tạo ngọt stevia thay đường, bột hạnh nhân thay bột mì, konjac thay thạch…
Theo Vân Khanh – Lương Đặng (zing) – Ảnh: T.H