Trên con sông ở bang Kerala, Ấn Độ, mô hình các ngôi sao bóng đá hàng đầu được người hâm mộ dựng lên trước World Cup Qatar. Vùng đất này cũng có lịch sử hâm mộ môn thể thao vua.
Ashraf Bava (58 tuổi), sống ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ, là người hâm mộ cuồng nhiệt của đội tuyển bóng đá Brazil. Ông cũng cổ vũ cho ngôi sao người Argentina Lionel Messi tại FIFA World Cup năm nay.
Căn bệnh ung thư quái ác khiến Bava phải đối diện với cái chết trong vài năm qua. Nhưng ông vẫn cố gắng dõi theo những trận đấu và quên đi nỗi sợ hãi của mình.
Những gì còn lại là tình yêu dành cho thể thao, theo New Lines Magazine.
“Sẽ thật đáng tiếc nếu cầu thủ xuất sắc nhất của thế hệ này giải nghệ mà không vô địch World Cup. Là người coi bóng đá là mục đích sống duy nhất, tôi muốn thấy điều đó xảy ra”, ông nói, ý đề cập tới Messi.
Nhưng fan của “Selecao” như Bava trên khắp tiểu bang cũng mong chờ đội bóng yêu mến của họ một lần nữa nâng cao chiếc cúp.
Mô hình khổng lồ của Lionel Messi, Cristiano Ronaldo và Neymar (lần lượt cao 9, 10,5 và 15 m) được dựng lên trên sông Pullavoor ở quận Kozhikode.
Những người ủng hộ Argentina và Brazil xảy ra xô xát tại một nghĩa địa; 17 người bạn cuồng bóng đá mua chung căn nhà 2,3 triệu rupee (28.000 USD) chỉ để có thể cùng nhau xem World Cup; một bà mẹ 5 con một mình lái xe đến Qatar để tận mắt nhìn Messi bằng xương bằng thịt.
Nhìn từ bên ngoài vào, tất cả điều này dường như khó lý giải đối với một quốc gia chưa bao giờ góp mặt tại World Cup.
Về mặt địa lý, Qatar là quốc gia đăng cai World Cup gần Ấn Độ nhất trong lịch sử giải đấu. Một số lượng lớn fan đi từ Ấn Độ đến Qatar, cùng với số lượng lớn người nhập cư đang sống ở quốc gia này, đều chủ yếu xuất thân từ Kerala.
Các tình nguyện viên, fan bóng đá và nhân viên phục vụ ở World Cup cũng có sự hiện diện đáng kể của người Malayali (cư dân Kerala) đến mức bị nhầm là “người hâm mộ giả” do ban tổ chức thuê.
Tình yêu kỳ lạ
Nỗi ám ảnh của Kerala với bóng đá có thể bắt nguồn từ sự kết hợp của chủ nghĩa cộng sản, văn học Mỹ Latin, chủ nghĩa chống đế quốc và sự xuất hiện của những người hùng Nam Mỹ thuộc tầng lớp lao động của môn thể thao này.
Bóng đá được giới thiệu đến Ấn Độ bởi người Anh. Trong khi cricket được khẳng định là môn thể thao phổ biến nhất của đất nước ngày nay, bóng đá không yêu cầu thiết bị đặc biệt và có thể chơi trên sân cỏ hoặc bãi lầy, bất kể mùa, điều kiện.
Ở Kerala, những người điều hành các câu lạc bộ cổ động viên của Argentina và Brazil, thậm chí nhiều đứa trẻ 7 tuổi cũng biết về công nghệ VAR, cách các đội tuyển dàn quân và lịch thi đấu. Những người bán hàng rong cũng có thể trò chuyện với khách hàng về bóng đá. Tâm chấn của vũ trụ này nằm ở huyện Malappuram, phía bắc Kerala.
Người Kerala chủ yếu là fan của Argentina và Brazil, mặc dù Ronaldo và đội tuyển Bồ Đào Nha cũng có nhóm ủng hộ nhất định.
Lớn lên ở Kerala vào những năm 1950, nhà văn NS Madhavan là một trong số những người từng đến sân vận động để xem các trận đấu World Cup. Ở quê nhà, khi đọc bài bình luận và mô tả sống động trên đài phát thanh, nhiều người hâm mộ cũng thấy đủ để kích thích trí tưởng tượng của họ.
Từ cuối những năm 1940 đến những năm 1960, đội tuyển bóng đá Ấn Độ đã tham dự 4 kỳ Olympic và mang về 2 huy chương vàng Asian Games. Lần gần nhất quốc gia này tham dự World Cup là vào năm 1950. Trước vòng loại, Philippines, Indonesia và Miến Điện rút lui, trao cho Ấn Độ một vị trí từ châu Á như trên trời rơi xuống.
Tuy nhiên, “Hổ xanh dương” không bao giờ xuất hiện ở Brazil. Một tin đồn thất thiệt cho rằng đội đã bị FIFA loại khỏi giải đấu vì các cầu thủ không muốn đi giày vẫn tồn tại trong nhiều ảnh chế ngớ ngẩn trên WhatsApp.
Thực tế, nguyên nhân khiến Ấn Độ vụt mất cơ hội được cho là do Liên đoàn bóng đá Ấn Độ (AIFF) thờ ơ và thiếu tầm nhìn xa. Bị quản lý yếu kém trong một thời gian dài với quá nhiều can thiệp chính trị, AIFF đã bị FIFA đình chỉ một thời gian ngắn vào tháng 8 vừa qua.
Những năm 1950 cũng là thời điểm Brazil nổi lên với thương hiệu bóng đá tốc độ và như khiêu vũ. Trái ngược với phong cách có tổ chức và chiến thuật của châu Âu, lối chơi của “Selecao” không nhất thiết được coi là hiệu quả nhất.
“Ngay từ đầu, ngay cả những người dân Brazil cũng muốn đội bóng của họ chơi như người châu Âu. Rồi Pele đến và thay đổi cục diện bóng đá”, Madhavan nói.
Từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, Brazil giành chức vô địch World Cup 1958 trước Thụy Điển, đánh dấu bước ngoặt trong thế giới bị chia rẽ bởi Chiến tranh Lạnh.
“Những làn sóng chống thực dân mà nó phát ra được cảm nhận ở khắp mọi nơi. Ở Kerala cũng vậy”, Madhavan cho biết.
Hai thập kỷ sau, Argentina đi vào ý thức của người Malayali với chức vô địch World Cup 1978. Đó là khoảng 8 năm trước khi huyền thoại bóng đá Diego Maradona chiếm được trái tim và khối óc. Các bàn thắng của ông vào lưới Anh trong trận tứ kết năm 1986 được coi là tuyên bố chính trị.
Bên cạnh sự ngưỡng mộ đối với lối chơi xuất sắc của Maradona, người đã vươn lên từ khu ổ chuột đầy bụi bẩn ở Buenos Aires, ý thức cánh tả nói chung của Kerala là lý do khác dẫn đến tình yêu với ngôi sao này. Điều tương tự cũng xảy ra với bang Tây Bengal.
Khi Maradona qua đời vào tháng 11/2020, chính quyền địa phương Kerala tuyên bố để tang 2 ngày. Chủ khách sạn Blue Nile ở Kannur biến căn phòng 309, nơi ngôi sao người Argentina đã ở 2 ngày trong chuyến đi năm 2012, thành bảo tàng. Những món đồ mà huyền thoại bóng đá này từng chạm vào, sử dụng hoặc để lại, như mẩu xì gà, ga trải giường, khăn tắm, tách trà, đĩa, thìa và khay đựng xà phòng, được đóng khung và treo trên tường một cách gọn gàng. Căn phòng được đổi tên thành “The Maradona Suite”.
Khách sạn thậm chí đặt bức tượng điêu khắc theo kích thước thật của Maradona trên mặt tiền ngay trước thềm World Cup.
Bóng đá 7 người
Vào thời kỳ trước khi Ấn Độ giành độc lập, bóng đá là trò tiêu khiển ưa thích của binh lính Anh đóng quân trong các doanh trại quân đội ở vùng Malabar. Người dân địa phương đã xem họ chơi và nhanh chóng chế tạo những quả bóng từ những vật liệu có thể thu thập được.
Văn hóa dân gian kể rằng những người bản địa đi chân trần ở Malabar thậm chí đánh bại binh lính Anh trong trò chơi. Có rất ít sân dành cho họ nên người da đỏ chơi ở những không gian nhỏ hơn.
Đó là cách bóng đá 7 người, hay còn gọi là “Sevens”, ở Kerala được hình thành. Đúng như tên gọi, trò chơi với 7 người chơi ở mỗi bên thay vì 11 người. Khu vực chơi thường là sân đất nhỏ, các trận ngắn hơn, trọng tài bắt qua loa và sự thô bạo, lộn xộn là bản chất của các giải đấu. Những khán đài bằng gỗ là nơi dành cho cổ động viên với tiếng cổ vũ, quở trách và la hét hòa vào cơn sóng thần ồn ào.
Mùa thi đấu thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5 để tránh gió mùa và mưa. Hàng năm, người chơi từ các quốc gia châu Phi, chủ yếu là Nigeria và Bờ Biển Ngà, bay đến Ấn Độ để chơi Sevens. Sau khi xem trên YouTube, những người quản lý câu lạc bộ thường tìm kiếm các cầu thủ giỏi nhất – những người đạt được sự cân bằng giữa kỹ năng và khả năng chi trả.
Được gọi chung là “Sudani”, những cầu thủ châu Phi xếp hạng cao với các nhà quản lý Sevens.
Bava nói: “Các cầu thủ Nigeria đặc biệt khéo léo và khả năng dứt điểm của họ tốt hơn rất nhiều so với người của chúng tôi. Họ có thể chuyển hóa dù chỉ một nửa cơ hội thành những bàn thắng đẹp”.
Sự thú vị của Sevens nằm ở sự thay đổi đột ngột và mục tiêu nhanh chóng. Thông thường, trong khi khán giả đứng dậy ăn mừng bàn thắng, bóng đã lại đi qua sân và làm tung lưới đối phương.
Khi Covid-19 bùng phát, các trận đấu Sevens bị tạm dừng và một số người chơi châu Phi mắc kẹt ở Kerala. Để minh chứng cho tình yêu của người dân địa phương đối với mọi thứ liên quan đến bóng đá, các câu lạc bộ và fan đã nhanh chóng quyên góp tiền để tài trợ cho những chuyến bay hồi hương của hơn 20 cầu thủ châu Phi. Năm nay là mùa giải đầu tiên của giải đấu kể từ khi đại dịch đến.
Ở Malappuram, nếu không phải là World Cup hay Sevens, luôn có giải vô địch Euro và Copa America nổi tiếng không kém. Các màn hình được những câu lạc bộ thể thao dựng ngoài trời và mọi người cùng nhau thức để xem bóng.
Tập quán cùng xem các trận đấu bóng đá có lẽ bắt đầu từ sự xuất hiện của TV màu ở Ấn Độ vào những năm 1980. Vào thời điểm đó, không nhiều hộ gia đình có khả năng mua được chúng. Vì vậy, toàn bộ khu phố sẽ tập trung tại ngôi nhà có TV. World Cup Mexico 1986 mà Argentina vô địch là giải đầu tiên được phát sóng toàn bộ ở Ấn Độ bằng màu sắc.
“Khi đó, tôi 9 tuổi và nhớ mình đã rất ngạc nhiên trước những gì trông thấy. Trong số 40 ngôi nhà trong khu phố của chúng tôi, chỉ có một chiếc TV màu. Vì vậy, đó là nơi chúng tôi ‘đóng đô’ suốt World Cup. Lúc đó, không có TV phát lại nên mỗi người chỉ cần tìm một vị trí tốt trong đám đông và cố gắng xem mà không chớp mắt quá nhiều”, Shaukat Upoodan, người gắn kết Diễn đàn những người yêu bóng đá Malappuram, kể.
Năm 2010, khi Brazil và Argentina lần lượt bị loại khỏi World Cup, cờ của các đội bị đốt cháy và fan đội đối thủ kéo đến nhà của nhau để chế nhạo hoặc ăn mừng.
Kể từ năm 2014, diễn đàn của Upoodan đã tổ chức trận chung kết giả giữa Argentina và Brazil ngay trước mỗi kỳ World Cup. Đó là giấc mơ cuối cùng mà người hâm mộ Kerala mơ ước nhưng vẫn chưa diễn ra.
Các cầu thủ, mang màu cờ sắc áo của cả 2 quốc gia, được bốc thăm từ cấp tiểu bang và trường đại học, sau đó được chia thành 2 đội ngang sức. Ở giải đấu năm nay, Brazil đã thắng 4-2, trong khi lần trước trận đấu được tuyên bố hòa để tránh bạo lực.
Cá cược phổ biến ở phía bắc Kerala. Một số người thậm chí mang xe hơi đắt tiền và những đồ đạc khác đi đánh cược. Đối với nhiều người khác, cá cược thường được giải quyết bằng đĩa thức ăn ngon.
Sự cuồng nhiệt và tôn thờ dành cho Argentina ăn sâu hơn nhiều ở bang này, nhưng thậm chí những người hâm mộ trung thành nhất cũng có chút hoài nghi rằng giấc mơ của họ sẽ thành hiện thực.
“Ở đâu đó, có thể là tất cả yếu tố khiến Argentina hấp dẫn người dân Kerala – lịch sử, chính trị, các biểu tượng – đã hợp nhất để tạo ra bản sắc mà giờ đây có thể tồn tại hoặc không thực sự tồn tại. Có lẽ nó chỉ sống trong trí tưởng tượng của người hâm mộ Malayali”, Madhavan nói.
Theo Thiên Nhi (zing) – Ảnh: T.H