Sáng 5-6, Sở VH-TT TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên lĩnh vực văn hóa và thể thao.
Đến dự có các đồng chí: Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Thế Thuận, Thành ủy viên, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM; Lê Văn Thu, Trưởng ban Tuyên giáo đối ngoại Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Trần Hải Yến, Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM;…
Hội nghị tập trung đánh giá thực tiễn qua 1 năm triển khai thực hiện xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên lĩnh vực Văn hóa và Thể thao; những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; từ đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, mô hình, giải pháp cụ thể để tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhằm “làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người thành phố mang tên Bác”.
Dịp này, để ghi nhận thành tích và kịp thời động viên các tập thể và cá nhân, Sở VH-TT TPHCM trao tặng biểu trưng cho các tập thể có tên đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đóng góp trong triển khai thực hiện xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên lĩnh vực văn hoá và thể thao.
Tại hội nghị, công tác tuyên truyền và giải pháp xây dựng hiệu quả Không gian Văn hoá Hồ Chí Minh cũng được các đại biểu quan tâm, trình bày ý kiến qua các tham luận.
Hiểu về định nghĩa Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã xác định: Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của đảng viên và nhân dân thành phố. Đây là một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức.
Theo ông Lê Văn Thu, Trưởng ban Tuyên giáo đối ngoại Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM chia sẻ: “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh có nội hàm rất sâu, rất rộng. Đòi hỏi mỗi chúng ta phải thay đổi từ trong tư duy, nhận thức để đi vào thực chất, vào cốt lõi của vấn đề, thực hành những hành động thiết thực, văn hóa và có giá trị. Thành phố xác định xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu, nền tảng xã hội cho thành phố phát triển nhanh và bền vững, điều đó đồng nghĩa với việc phát triển văn hóa – xã hội phải đồng bộ với phát triển kinh tế. Lan tỏa việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong cộng đồng dân cư với phương châm tất cả người dân thành phố là chủ thể xây dựng, sáng tạo và thụ hưởng thành quả Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đồng thời mỗi người dân là đại sứ thương hiệu của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.
Tham luận tại hội nghị, TS Lê Thị Ngọc Diệp (Trường Đại học KHXH-NV TPHCM) trình bày: “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một khu vực địa lý, dân cư cụ thể mà ở đó chứa đựng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là “không gian văn hóa mang đậm những đặc trưng tính cách, tình cảm, hồn cốt của con người Thành phố Hồ Chí Minh, mà ở đó văn hóa Hồ Chí Minh hiện hữu, để bất cứ ai khi đến thành phố sẽ cảm nhận được đây là thành phố vinh dự được mang tên Bác”. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nơi thể hiện các giá trị đặc trưng tiêu biểu về vật chất, tinh thần, tri thức và tình cảm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói cách khác, đây chính là không gian văn hóa mang dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các dấu ấn này thể hiện qua cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, phong cách, đạo đức của Người và được kết tinh thành những giá trị của dân tộc Việt Nam”.
Lan toả sâu rộng tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh
Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người thành phố mang tên Bác, là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thu hút được sự tham gia, quan tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị cũng như mọi tầng lớp nhân dân trên toàn thành phố.
Thời gian qua, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, quá trình xây dựng vẫn tồn tại một số hạn chế như: các công trình, thiết chế văn hóa gắn với Bác, tác phẩm văn học nghệ thuật còn ít, chưa tương xứng với cuộc đời và tầm vóc của Bác; việc chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan liên quan chưa được chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; việc phát huy giá trị Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở một số nơi còn nhiều bất cập, nhiều Không gian văn hóa Hồ Chí Minh còn mang tính “đồng phục”, thường là một góc đọc sách, phòng trưng bày.
Xét ở một góc độ nào đó, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh chính là một trong những động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo sự ổn định chính trị, xây dựng và phát triển con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố hôm nay và mai sau. Văn hóa nói chung, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nói riêng không nằm ngoài đời sống kinh tế – xã hội của các chủ thể mà các giá trị của không gian văn hóa đó luôn ẩn chứa trong kinh tế, là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.
Đặc biệt, trong bối cảnh TPHCM đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh càng cần phải thẩm thấu sâu hơn vào kinh tế. Phát triển kinh tế gắn với Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ trong xây dựng kinh tế – văn hóa – xã hội…
Theo Kim Loan – Tiểu Tân (sggp) – Ảnh: T.H