Công chúng có xu hướng tin Selena Gomez là nạn nhân, còn Hailey Bieber và Kylie Jenner là kẻ thích bắt nạt, dẫu cho người trong cuộc đã lên tiếng phủ nhận.
“Đồ chết tiệt, Hailey”.
Một người hét lên, kéo theo những câu văng tục rõ to của đám đông ngay khi Justin Bieber kết thúc màn trình diễn trên sân khấu Rolling Loud (bang California, Mỹ), vào cuối tuần trước.
Đoạn video ghi lại khoảnh khắc chẳng mấy đẹp đẽ lan truyền với tốc độ chóng mặt. Người dùng Twitter thắc mắc tại sao Justin không phản ứng, nhưng nhiều người khác cho rằng trước sự chế nhạo mang tính quấy rối và bắt nạt đó, nam ca sĩ nên im lặng.
Những lời thô lỗ nhắm vào vợ Justin tại thời điểm drama giữa cô, Kylie Jenner và Selena Gomez bùng nổ trên mạng. Trong đó, Selena được coi là “nạn nhân”.
Hailey, Kylie bị nghi bắt nạt Selena
Theo Cosmopolitan, cuối tháng 2, khoảnh khắc Hailey giễu cợt Taylor Swift trong chương trình Drop the Mic cách nay nhiều năm bỗng dưng bị đào lại, đăng lên TikTok. Bất ngờ hơn, Selena đã lên tiếng phản pháo Hailey và bênh vực bạn mình.
Cô trực tiếp bình luận dưới bài đăng: “Xin lỗi nhé, bạn thân nhất của tôi đã và đang tiếp tục là một trong những người giỏi nhất cuộc chơi này”.
Thế là, cộng đồng fan Selena có thêm lý do để tràn vào tài khoản của Hailey để chửi bới. Chỉ vài ngày trước đó, người mẫu 27 tuổi khiến người hâm mộ hậm hực vì được cho là hùa với Kylie Jenner giễu cợt Selena.
Cụ thể, khi Selena chia sẻ việc lạm dụng kỹ thuật brow lamination (chải lông mày ngược) gây ra hiệu ứng kém xinh cho đôi lông mày, Kylie đã chia sẻ ảnh chụp màn hình cuộc gọi video khoe đôi lông mày với Hailey, kèm phát ngôn bị cho là đả kích giọng ca Lose You To Love Me.
Pia Mia, Jordyn Woods đã lập tức lên tiếng ủng hộ Selena. Mạng xã hội nhanh chóng chia làm nhiều luồng quan điểm, song phần đông chỉ trích Kylie và Hailey xấu tính. Nhận về vô vàn phản ứng tiêu cực, bà mẹ 2 con phải đính chính: “Tôi không móc mỉa Sel. Tôi chưa nhìn thấy video lông mày của chị ấy”.
Selena hưởng ứng bài đăng của Kylie, khẳng định không có mâu thuẫn nào tồn tại giữa cả hai. Cô còn nhấn mạnh mình là fan của người đẹp nước Mỹ.
Để tránh đẩy sự việc đi xa hơn, cựu ngôi sao Disney gần như cầu xin người hâm mộ dành thời gian cho việc khác thay vì cứ thi nhau tấn công các cô gái. Selena bày tỏ: “Làm ơn, hãy đối xử tử tế và quan tâm đến tinh thần của người khác. Trái tim tôi nặng trĩu khi chứng kiến những chuyện không hay. Tôi chỉ muốn điều tốt cho mọi người. Gửi tình yêu này đến các bạn”.
Người trong cuộc đã giải thích nhưng có vẻ cư dân mạng chưa thực sự hài lòng khi có tới hơn 1 triệu người nhấn hủy theo dõi Hailey trên Instagram. Vì vẫn xuất hiện hàng loạt ý kiến không hay, cô buộc phải hạn chế phần bình luận.
Kylie chịu chung số phận với vợ Justin, khiến cô vuột mất ngôi vị “Nữ hoàng Instagram” về tay Selena.
Tính đến hiện tại, với 396 triệu followers, cựu diễn viên Disney là người phụ nữ được theo dõi nhiều nhất trên nền tảng này.
“Không ai là nạn nhân hay thủ phạm”
Không giống mối thù mà công chúng từng bàn tán về Kim Cattrall – Sarah Jessica Parker, Taylor Swift – Katy Perry hay Kylie Jenner – Jordyn Woods, lùm xùm giữa 3 người đẹp khởi nguồn từ các đoạn clip trên TikTok, nền tảng cho phép người dùng tự do sáng tạo nội dung bằng hình ảnh hoặc clip không theo ngữ cảnh, nhằm xây dựng câu chuyện đúng mục đích của họ.
Tiến sĩ Louie Dean Valencia, Phó giáo sư về Lịch sử Kỹ thuật số tại bang Texas, chỉ ra rằng những nội dung này cực kỳ hấp dẫn, ngay cả khi chúng ta không phải là thành viên Fanclub của Selena, Hailey hay Kylie.
“Họ có thể gây thù chuốc oán vì cảm thấy hứng thú khi ‘ngồi lê đôi mách’, thích bàn tán về thông tin sốt dẻo”, ông phát biểu.
Louie nhấn mạnh yếu tố “schadenfreude” (cười trên nỗi đau của người khác) hiện diện trong việc công chúng chứng kiến sự trả thù của người nổi tiếng. Theo ông, thành viên mạng rất hả hê khi biết ngôi sao cũng nhỏ mọn, dễ tổn thương và tức giận.
Với drama đang diễn ra, vợ Justin và em gái Kendall bị gắn mác phản diện, còn Selena được cho là người bị hại (hoặc nhân vật chính diện). Tiến sĩ Louie ví lùm xùm chẳng khác nào “bộ phim truyền hình dài tập”.
Trong cuốn sách Unlikeable Female Characters, nhà phê bình phim Anna Bogutskaya dành một chương khám phá ý nghĩa ẩn dụ của cụm từ “cô gái xấu tính” trong văn hóa đại chúng.
Sử dụng vai diễn Regina George của Rachel McAdams làm tham chiếu, Anna lập luận nhân vật kiểu này được tạo ra một cách có chủ đích để biến câu chuyện thành một chiều, và họ thường không có đời sống nội tâm sâu sắc hoặc phải gánh chịu bất kỳ sự tổn thương nào.
“Con người rất ghét nhân vật ‘cô gái xấu tính’ bởi họ đưa chúng ta trở lại thế giới của những bất an tuổi thiếu niên. Điều này giải thích một phần lý do Hailey, Kylie bị phản ứng gay gắt, còn Selena được bênh vực. Mặc dù thực tế không ai là chính diện hay bị hại trong câu chuyện này (người trong cuộc đã lên tiếng xác nhận)”, Anna phân tích.
Tuy nhiên, như Kelcey Kintner – Phó chủ tịch công ty truyền thông cao cấp Red Banyan PR – đã nói, ở thời đại rất nhiều nguồn tin và mạng xã hội khác nhau, thật khó để biết điều gì đáng tin và điều gì không. Do đó, khán giả có xu hướng tin những gì họ muốn tin.
“Nếu chúng ta nhìn nhận chính mình và đồng cảm với sự tổn thương, bất an mà người nổi tiếng trong ‘những bộ phim truyền hình dài tập’ (trường hợp này là Selena, Hailey và Kylie) phải gánh chịu, chúng ta sẽ nghĩ khác, cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Tôi nghĩ chúng ta sẽ hạnh phúc hơn”, một chuyên gia nêu quan điểm trên Cosmopolitan.
Theo Quốc Minh (zing) – Ảnh: T.H