Cây sen được trồng ở Đồng Tháp đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3,4 lần so với trồng lúa đối với người dân nơi đây. Chính vì thế, các ngành nghề có liên quan đến  Sen đã không ngừng được nghiên cứu cải tiến và phát triển, từ đó trở thành nhân tố quan trọng để tạo lập và định vị thương hiệu của Đồng Tháp.

Trong khuôn khổ Lễ Hội Sen, ngày 21.05 tại Đồng Tháp đã diễn ra hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm từ sen Đồng Tháp.

Sen, nhân tố quan trọng tạo nên thương hiệu Đồng Tháp

Tại Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ Sen Đồng Tháp ngày 21.05 vừa qua nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Sen Đồng Tháp năm 2022 lần thứ 1, để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng Sen trong thời gian tới, lãnh đạo ban ngành tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục kết nối nông dân, doanh nghiệp để tạo ra vùng nguyên liệu lớn nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn để phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.

Phát biểu định hướng sản xuất Sen tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ông Lê Minh Hoan cho rằng, không riêng gì cây sen mà nhiều ngành sản xuất khác cũng đang trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tự phát là chính. Trong khi đó điều cần phải thực hiện là gắn kết chuỗi giá trị của tất cả các thành tố lại để tạo thành hệ sinh thái ngành hàng Sen, tích hợp đa giá trị và sự phân phối lợi nhuận công bằng và hài hòa bảo đảm lợi ích cho các bên khi tham gia chuỗi hệ sinh thái.

Ông Lê Minh Hoan cũng nói: “Trong một thị trường cạnh tranh toàn cầu như hiện nay, chúng ta còn phải hướng đến bán cả ‘phần hữu hình” của sản phẩm và ‘phần hồn’ giá trị thương hiệu của sản phẩm”.

Sen có thể được xem là nhân tố quan trọng nhất để tạo lập và định vị hình ảnh Đồng Tháp, sự nhận diện về sen, thương hiệu Sen tại đây tương đối đặc trưng và có nền tảng vững vàng hơn so với nơi khác. Điều này càng thôi thúc Đồng Tháp  phải càng đẩy mạnh đưa Sen trở thành thế mạnh của tỉnh như cách mà cách địa phương khác đã xây dựng thương hiệu như Làng Hoa Sa Đéc, xoài Cao Lãnh, quýt Lai Vung….

Không gian triễn lãm sản phẩm OCOP – sản phẩm từ Sen và đặc sản đặc trưng tỉnh Đồng Tháp

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, từ mô hình sen Đồng Tháp, các địa phương khác cũng có thể thiết lập những ngành hàng tuỳ theo đặc sản địa phương của mình, “Có như thế chúng ta mới có được quy mô chuỗi ngành hàng đáp ứng cho thị trường lớn hơn, chiếm thị phần cao hơn và giá trị thu về cũng lớn hơn”, Bộ trưởng Nông nghiệp nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp tính đến 30.4.2022, toàn tỉnh Đồng Tháp có tổng diện tích vùng trồng sen thực tế là 331.17ha và tổng diện tích quy hoạch vùng trồng sen được phê duyệt là 461ha. Sen được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tân Hồng và Lấp Vò.

Ngoài việc sử dụng Sen để trưng bày, Sen còn được sử dụng rất nhiều trong văn hoá ẩm thực. Điều đó được chứng minh rõ ràng qua sự kiện xác lập kỷ lục thế giới 200 món ăn chế biến từ Sen cũng thuộc khuôn khổ Lễ Hội Sen thu hút hàng nghìn người tham gia. Bên cạnh đó, Sen còn góp phần lớn vào việc xây dựng hình ảnh phát triển ngành du lịch của tỉnh Đồng Tháp.

Hiện Đồng Tháp có nhiều sản phẩm sen và sản phẩm từ sen được các doanh nghiệp, cơ sở chú trọng sản xuất, trong đó nổi bật là các sản phẩm có chất lượng được phân hạng là sản phẩm OCOP đạt 3,4 sao (hơn 30 sản phẩm của 11 chủ thể).

Theo PGS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, việc trồng sen không cần phải đầu tư quá nhiều chi phí vào việc mua giống cho mỗi vụ mới. “Ở Đồng Tháp không chỉ người dân yêu sen mà lãnh đạo tỉnh cũng rất yêu sen, quý sen, trân trọng cây sen”. Cụ thể, theo PGS. Đặng Văn Đông, từ năm 2007, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố biểu tượng của tỉnh có biểu tượng theo hình tròn cách điệu của bông hoa sen. Đồng Tháp cũng chọn hình ảnh ‘Bé Sen’ vui, khoẻ, xinh tươi làm biểu tượng nhận diện thương hiệu du lịch Đất Sen hồng. Bắt đầu từ năm 2015, UBND tỉnh Đồng Tháp thường xuyên tổ chức các hoạt động, lễ hội văn hóa để tôn vinh giá trị của sen đồng thời quảng bá, xây dựng hình ảnh Đồng Tháp là “quê Sen”, “Thủ phủ Sen” hay “đất Sen hồng”.

Xây dựng giá trị Sen gắn với du lịch và các sản phẩm Sen đặc trưng mang thương hiệu Đồng Tháp

Hiện nay, Sen được trồng nhiều nơi trong tỉnh Đồng Tháp với diện tích lúc cao nhất lên đến hàng ngàn ha, thực tế đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân nơi đây. Tuy nhiên tại hội thảo các đại biểu tham gia cũng chấp nhận một sự thật đó là Sen tại Đồng Tháp vẫn chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có mà thiên nhiên đã ban tặng, lợi ích kinh tế và giá trị văn hoá mang lại từ cây Sen vẫn chưa được như mong muốn, bởi có nhiều nguyên nhân. Trong đó có yếu tố phát triển sản xuất Sen vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, mang tính thủ công, sản phẩm chưa chú trọng về thương hiệu, chất lượng, mẫu mã. Các ngành dịch vụ du lịch gắn với Sen còn rời rạc, thiếu điểm nhấn đặc biệt là vào mùa Sen không nở rộ…

Gian hàng tại không gian triễn lãm sản phẩm OCOP

Trong tương lai gần Đồng Tháp kỳ vọng thu nhập người trồng Sen sẽ tăng 120%. Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp sẽ mở rộng diện tích trồng Sen lên 1.500 ha (tăng 300 ha so với 2020). Trong đó, Sen cao sản lấy hạt khoảng 60-70% diện tích, năng suất bình quân 3,0-3,5 tấn/ha, sản lượng ước đạt khoảng 3.000 – 3.500 tấn hạt/năm, còn các loại Sen lấy hoa, lấy lá, lấy củ, lấy ngó… chiếm 30-40% diện tích, giá trị sản lượng của các sản phẩm từ cây Sen, quy tiền đạt 400 – 500 tỷ đồng/năm, thu nhập người trồng Sen tăng 120% so với năm 2021. Đến năm 2030 diện tích tăng 200%, sản lượng tăng 250% so với năm 2025.

Đồng Tháp đã xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cây Sen, nhiều sản phẩm OCOP được phát triển từ ngành hàng Sen theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng Sen Đồng Tháp trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục kết nối nông dân, doanh nghiệp để tạo ra vùng nguyên liệu lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn để phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ Sen gắn với phát triển du lịch của Đồng Tháp.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ Sen là rất phong phú và đa dạng. Nhưng, điểm mấu chốt cần “gỡ” của Sen Đồng Tháp nói riêng và của Việt Nam nói chung đó là chưa giành được thị phần, một phần là do việc chuẩn hóa vùng trồng đạt chuẩn xuất khẩu chưa được quan tâm.

Hiện tại các hộ trồng Sen vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của hóa chất trong canh tác dẫn đến vấn đề Sen bị thối ngó, chết cây hay về lâu dài việc trồng Sen không cho năng xuất cao nữa, đồng thời phải đối diện với các vấn đề dịch bệnh…

Đồng Tháp cần tập trung đẩy mạnh vào việc phát triển sản phẩm Sen theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển du lịch, kinh tế, xã hội của địa phương theo hướng chuyên canh, gắn kết sản xuất với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ; hình thành các vùng sản xuất Sen tập trung, ứng dụng công nghệ cao…. Bên cạnh xây dựng và hình thành chỉ dẫn địa lý sản phẩm Sen Đồng Tháp.

Lễ hội Sen Đồng Tháp năm 2022 lần thứ 1, không gian triễn lãm sản phẩm OCOP – sản phẩm từ Sen và đặc sản đặc trưng tỉnh Đồng Tháp và Hội ngành hàng Sen Đồng Tháp

Nhiều người tới tham gia tại Lễ hội Sen

Đến với Lễ hội Sen chắc chắn phải được thưởng nghiệm các sản phẩm về Sen đặc trưng cả Tỉnh Đồng Tháp vì vậy không gian trưng bày triễn lãm sản phẩm OCOP sản phẩm từ Sen là điều không thể thiếu vắng tại Lễ Hội. Đồng thời kết hợp với Không gian giao lưu Văn hoá, Du lịch của 13 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long và TP.HCM.

Có gần 60 đơn vị đăng ký tham gia tại không gian triễn lãm sản phẩm OCOP lần này, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp, đơn vị chuyên sản xuất Sen xuất hiện tại đây thật sự chưa nhiều và chưa để lại những ấn tượng mạnh mẽ về ngành nghề Sen cũng như hình ảnh về Sen. Điều này càng cho thấy việc định hướng để nâng tầm, giải quyết nút thắt đưa các doanh nghiệp về thương hiệu Sen tại Đồng Tháp nâng tầm thương hiệu Sen Đồng Tháp cao hơn nữa là điều tiên quyết cần tập trung nếu muốn đưa Sen thành một nhân tố quan trọng nhất để tạo lập và định vị hình ảnh Đồng Tháp.

Tại hội thảo Đồng Tháp cũng đã ra mắt Hội ngành hàng Sen Đồng Tháp và tôn vinh những người trồng Sen giỏi những người sản xuất, chế biến sản phẩm từ Sen trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng BCH Hội ngành hàng sen Đồng Tháp

Trước khi diễn ra Lễ Hội Sen vào ngày 19/5, tại Đồng Tháp đã diễn ra Đại hội đại biểu thành lập Hội ngành hàng Sen Đồng Tháp lần I, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Tại hội thảo Đồng Tháp cũng đã ra mắt Hội ngành hàng Sen Đồng Tháp và tôn vinh những người trồng Sen giỏi những người sản xuất, chế biến sản phẩm từ Sen trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đây được xem là một tín hiệu tích cực nhằm thúc đẩy ngành nghề Sen. Hội ngành hàng Sen Đồng Tháp là tổ chức xã hội nghề nghiệp của những cá nhân, tổ chức trồng, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, hoạt động nghệ thuật… từ Sen tự nguyện thành lập. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội ngành hàng Sen Đồng Tháp, nhiệm kỳ 2022 – 2027 với 11 uỷ viên. Ông Ngô Chí Công – Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ Khởi Minh Thành Công làm Chủ tịch.

Hội ngành hàng Sen Đồng Tháp được kỳ vọng sẽ là cầu nối để kết nối nguồn lực, giúp người nông dân đổi mới phương thức canh tác, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ Sen, tăng cường xúc tiến thương mại, đồng thời quảng bá, khai thác hình ảnh, giá trị vô hình từ Sen.

Ảnh: Lê Kim Hưng
Sài Gòn Thể Thao – Thể Thao Văn Hoá