Có nhiều quan niệm nuôi dạy con sai lầm nhưng vẫn được cha mẹ áp dụng mà không hề hay biết. Nếu bạn cũng mắc phải những sai lầm này thì nên sửa ngay.
So sánh con mình với đứa trẻ khác
Rất nhiều cha mẹ mắc phải sai lầm này. So sánh con mình với người khác là không công bằng với trẻ. Hãy nhìn lại bản thân mình, bạn không hề giống với những phụ huynh khác vậy tại sao lại đi so sánh con mình với con người khác? Việc so sánh như vậy chỉ khiến trẻ tổn thương hơn mà thôi.
Có nhiều phụ huynh cũng so sánh con mình với nhau. Họ cho rằng so sánh khích bác sẽ giúp đứa trẻ yếu kém hơn sẽ trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, sự so sánh sẽ khiến ngọn lửa ghen tỵ bùng cháy, chúng thậm chí sẽ ghen ghét người anh, người chị hoặc người em của mình. Mối quan hệ của anh chị em trong nhà vì vậy trở nên căng thẳng hơn.
Vậy nên thay vì so sánh bạn hãy tập trung vào thế mạnh của con và giúp con hoàn thiện bản thân.
Sống đời mình thông qua đời con
Có nhiều phụ huynh nghĩ con cái giống như một “cơ hội thứ 2” của mình. Chẳng hạn, họ từng ước mơ trở thành một nghệ sĩ piano nổi tiếng nhưng không đạt được điều đó. Sau khi có con, họ áp đặt ước mơ ấy lên con của mình.
Sẽ thật tốt nếu con có chung ước mơ với cha mẹ. Nhưng nếu không, đừng ép con theo đuổi đam mê của bạn bởi mỗi đứa trẻ sẽ cuộc đời riêng của chúng.
Khen con quá đà
Có nhiều phụ huynh cho rằng con mình là đứa trẻ tài giỏi và họ muốn tất cả mọi người biết điều đó. Tuy nhiên, việc thường xuyên khen ngợi con quá đà khiến trẻ phát triển các xu hướng “tự yêu bản thân thái quá”.
Cha mẹ nên nhớ chỉ khen ngợi các nỗ lực của con thay vì khen ngợi những tài năng hoặc ngoại hình của con. Chẳng hạn, hãy nói “Mẹ rất vui vì con đã rất chăm chỉ để hoàn thành các việc nhà mẹ giao cho”, thay vì “Con thông minh quá!” hay “Con là cậu bé đẹp trai nhất trong đội bóng ấy”.
Làm hài lòng tất cả mọi người
Cha mẹ nên chấp nhận thực tế, dù chúng ta có cố gắng thế nào cũng không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Con cái cũng vậy, đừng dạy con làm sao để hài lòng tất cả.
Mỗi người chúng ta đều có giới hạn, hãy dạy con cách thiết lập giới hạn và chuẩn bị tâm lý để không quá thất vọng hay chán nản nếu mọi việc không như ý.
Bỏ qua những khoảnh khắc nhỏ
Có thể bạn quá bận rộn và không để ý, nhưng những khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống lại đóng góp khá nhiều trong việc cân bằng những áp lực và giúp tăng sự gắn kết giữa bạn và con.
Hãy cố gắng làm chậm lại nhịp sống của mình, cùng con cảm nhận và trân trọng những điều bé nhỏ: Một chiếc mầm cây vừa mới nhú, ngắm những tia nắng bình minh buổi sáng hắt qua khung cửa, chú cún nhỏ đang chơi đùa… Mặc dù đây đều chỉ là những khoảnh khắc bình thường, nhưng nếu bạn không cùng con ngắm nhìn, một khi chúng lớn lên và trở thành một cô bé, cậu bé tuổi teen bận rộn, rất có thể chúng sẽ không bao giờ lặp lại.