Theo nhiều nghiên cứu, người có thói quen ngủ khi sáng đèn dễ bị ảnh hưởng quá trình trao đổi chất, tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính…
Nhiều người Mỹ ngủ khi một số loại ánh sáng nhân tạo trong phòng vẫn bật, chẳng hạn như TV, thiết bị điện tử hoặc đèn đường bên ngoài nhà của họ. Một nghiên cứu mới cho thấy việc ngủ dưới cường độ ánh sáng vừa phải vào ban đêm có thể tác động xấu đến sức khỏe tim mạch và trao đổi chất.
Tiến sĩ Phyllis Zee, tác giả chính của nghiên cứu và giám đốc Trung tâm Nhịp sinh học và Thuốc ngủ tại Đại học Northwestern, Mỹ cho biết: “Điều làm tôi ngạc nhiên là ngay cả một lượng nhỏ ánh sáng đi vào não qua mí mắt cũng sẽ có tác động đáng kể”.
Tác dụng sinh lý của ánh sáng
Nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm có thể gây ra những tác hại cho cơ thể hoặc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Tiến sĩ Zee và nhóm của bà tại Đại học Northwestern đã thực hiện một nghiên cứu nhỏ trên 20 đối tượng để phân tích tác động của 100 lumen ánh sáng nhân tạo (lumen: là thước đo tổng lượng ánh sáng khả kiến phát ra từ đèn hoặc một nguồn sáng đến mắt người nhìn) trong khi ngủ đối với người trưởng thành khỏe mạnh.
Trong nghiên cứu này, tất cả đối tượng đều ngủ trong một căn phòng gần như tối hoàn toàn vào đêm đầu tiên. Vào đêm thứ hai, một nửa số đối tượng ngủ trong phòng sáng hơn với nguồn sáng ở phía trên đầu.
Trong khi các đối tượng ngủ, một số nhà nghiên cứu đã ghi lại sóng não và nhịp tim của họ, lấy máu vài giờ một lần và tiến hành các xét nghiệm. Sau khi thức dậy vào buổi sáng, cả hai nhóm đối tượng đều tiêu thụ một lượng lớn đường và nhóm quan sát cách cơ thể họ phản ứng với lượng đường tăng vọt. Kết quả cho thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa hai nhóm. Những đối tượng ngủ trong môi trường nhiều ánh sáng có nhịp tim cao hơn suốt đêm và khả năng kháng insulin cao hơn vào buổi sáng, nghĩa là họ khó kiểm soát lượng đường trong máu ở mức bình thường hơn.
Ánh sáng cản trở quá trình trao đổi chất
Tiến sĩ Zee chỉ ra ngủ trong môi trường có ánh sáng vào ban đêm có thể gây ra nhiều rối loạn trao đổi chất. Các nhà nghiên cứu đo mức độ melatonin ở các đối tượng. Hormon này giúp điều chỉnh nhịp sinh học và thúc đẩy giấc ngủ. Mức độ thường thấp vào ban ngày và cao vào ban đêm.
Nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có thể ức chế sự tiết melatonin. Các nhà khoa học cũng tìm thấy mối tương quan giữa sự can thiệp của melatonin và nhiều loại bệnh, chẳng hạn như ung thư, tiểu đường…
Tuy nhiên, nghiên cứu này không tìm thấy sự giảm nồng độ melatonin ở những đối tượng ngủ trong ánh sáng. Điều này có thể có nghĩa là ánh sáng đi vào mắt không đủ để ức chế sự tiết melatonin. Tuy nhiên, Tiến sĩ Zee và nhóm của ông tin rằng một lượng ánh sáng nhỏ như vậy cũng đủ để kích hoạt hệ thần kinh giao cảm của hệ thần kinh tự chủ.
Trong khi ngủ, hệ thống này được cho là sẽ “hạ nhiệt”, đồng thời nhịp tim và nhịp thở cũng giảm dần. Tuy nhiên, những thay đổi về chức năng tim mạch của đối tượng cho thấy một lượng nhỏ ánh sáng cũng đủ để chuyển hệ thần kinh sang trạng thái hoạt động và tỉnh táo hơn.
“Giống như bộ não và trái tim biết đèn đang sáng”, Tiến sĩ Chris Cowell, người nghiên cứu cơ chế sinh học tại Đại học California, Los Angeles, cho biết. Nghiên cứu cho thấy ngay cả ánh sáng tương đối yếu cũng có thể phá vỡ chu kỳ ngủ – thức của chúng ta. Ông cho rằng những phát hiện này có ý nghĩa vì hệ thống thần kinh tự chủ tuân theo nhịp sinh học ổn định.
Tác động của ánh sáng lên hệ thần kinh không mạnh mẽ như khi chúng ta thức, nhưng Tiến sĩ Cowell lưu ý rằng sự gián đoạn vẫn là một nguyên nhân đáng lo ngại. “Nếu bạn muốn có một giấc ngủ ngon thì hãy tránh tác động này nếu có thể”, vị Tiến sĩ nói.
Tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính
Sự gián đoạn của nhịp sinh học có thể ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu của cơ thể. Mặc dù những phát hiện tới từ nghiên cứu không thể dự đoán tác động lâu dài, Cowell nghi ngờ ảnh hưởng khi ngủ dưới đèn sáng sẽ tích lũy theo thời gian.
Sự can thiệp vào chu kỳ ngủ-thức ảnh hưởng đến khả năng tiết insulin bình thường, từ đó ảnh hưởng đến việc điều hòa lượng đường trong máu của cơ thể. Tiến sĩ Charles Zeisler, giáo sư tại Trường Y Harvard, cho biết: “Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, chẳng hạn như kháng insulin, tiểu đường và các vấn đề về tim mạch chuyển hóa khác”.
Bản thân Zeisler cũng đã tiến hành nghiên cứu xem xét tác động lâu dài của nhịp sinh học bị gián đoạn đối với quá trình trao đổi chất. Ông và các đồng nghiệp đã kết luận trong một nghiên cứu được công bố gần đây rằng những tác động tiêu cực đến quá trình trao đổi chất của các đối tượng trong thời gian nghiên cứu kéo dài ba tuần chủ yếu là do sự gián đoạn của nhịp sinh học và không nhất thiết liên quan đến tình trạng thiếu ngủ.
“Nếu không tăng mức độ ánh sáng nhân tạo vào ban đêm, chúng tôi không tìm thấy tác dụng phụ nào đối với quá trình chuyển hóa đường huyết do thiếu ngủ mãn tính”, ông nói. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là thiếu ngủ không gây hại cho sức khỏe nhưng nó làm nổi bật những ảnh hưởng lâu dài của việc tiếp xúc với ánh sáng khi ngủ vào ban đêm. “Mọi người có thể nghĩ rằng khi họ ngủ, ánh sáng sẽ không có tác dụng sinh lý nào. Nhưng thực tế không phải vậy”, ông nói.
Theo Hằng Trần (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H