Với người mắc chứng misophonia, một số âm thanh như xì xụp, nhai, gõ có thể gợi ra cảm giác giận dữ hoặc hoảng sợ dữ dội.
Tiếng lạo xạo, nhai, chép môi hoặc những tiếng ồn khác của miệng thường được liệt vào danh sách các tác nhân gây khó chịu. Ảnh: Metro UK.
Theo New York Post, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí PLOS One chỉ ra cứ 5 người ở Anh thì có một người bị ảnh hưởng bởi chứng misophonia.
Các nhà nghiên cứu đã đưa 772 người một bảng câu hỏi để tìm hiểu cường độ và mức độ phức tạp của chứng misophonia. Những người tham gia đại diện cho dân số chung của Vương Quốc Anh theo độ tuổi, giới tính và sắc tộc.
Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Vương Quốc Anh đánh giá chứng misophonia trong dân số nói chung, bao gồm 37 nguyên nhân phổ biến và 25 phản ứng trong bảng câu hỏi.
Misophonia là gì?
Theo Cleveland Clinic, chứng misophonia được định nghĩa là “một hiện tượng gây ra những cảm xúc và phản ứng mạnh mẽ đối với một số âm thanh nhất định”.
“Trải nghiệm mắc chứng misophonia không chỉ đơn thuần là cảm thấy khó chịu bởi một âm thanh. Chứng này có thể gây ra cảm giác bất lực và bị mắc kẹt khi mọi người không thể thoát khỏi âm thanh khó chịu”, tiến sĩ Jane Gregory, tác giả nghiên cứu cấp cao, khoa tâm lý học thực nghiệm tại Đại học Oxford, cho biết.
Misophonia được đặc trưng bởi cảm xúc mãnh liệt như giận dữ hoặc sợ hãi khi phản ứng với những âm thanh rất cụ thể, đặc biệt là những âm thanh bình thường mà người khác tạo ra.
Đối với những người mắc hội chứng này, âm thanh của miệng là tác nhân phổ biến. Với một số người, hình ảnh ai đó đang nhai hoặc ngửi thấy mùi cụ thể hoặc thậm chí là vo ve, gõ hoặc bấm bút có thể gây ra phản ứng tiêu cực.
Tiếng kêu sột soạt khi sử dụng túi bóng hoặc những âm thanh khác được coi là tiếng ồn khiến người mắc chứng misophonia cảm thấy khó chịu. Ảnh: NPR.
Điều gì gây ra chứng misophonia?
Những âm thanh có thể gây ra cảm xúc mạnh mẽ ở những người mắc chứng misophonia bao gồm: tiếng nhai thức ăn ồn ào, tiếng tích tắc của đồng hồ, hơi thở nặng nề, gõ, bấm bút, nước nhỏ giọt, tiếng giấy hoặc nhựa sột soạt và tiếng nhai chóp chép.
Các phản ứng có thể theo dòng cảm xúc như đau khổ, tức giận hoặc hoảng sợ. Cơ thể người mắc chứng này cũng thay đổi như nhịp tim tăng lên hoặc hành động trừng mắt.
Thậm chí, theo nghiên cứu, nếu một người cảm thấy đau khổ khi nghe thấy tiếng thở bình thường, họ có thể mắc bệnh misophonia vì những âm thanh này thường không làm phiền phần lớn dân số.
Các chuyên gia nghi ngờ chứng misophonia có thể là sự kết hợp của một số yếu tố như sự khác biệt về cấu trúc não, tiền sử gia đình, di truyền hoặc các tình trạng khác, theo Cleveland Clinic.
Tiến sĩ Jane Gregory nói: “Những người mắc chứng misophonia cảm thấy tồi tệ về bản thân vì đã phản ứng theo cách họ làm, đặc biệt là khi họ phản ứng với âm thanh do những người thân yêu tạo ra”.
Tiếng lách cách của bút có thể gây ra cảm xúc mạnh mẽ ở những người mắc chứng misophonia. Ảnh: NPR.
Ai bị ảnh hưởng bởi misophonia?
Misophonia ảnh hưởng nghiêm trọng đến 18,4% số người tham gia nghiên cứu, tuy nhiên, chỉ 2,3% nghĩ họ mắc chứng này và 13,6% từng nghe nói về nó.
“Chúng tôi đã chỉ ra âm thanh hàng ngày do người khác tạo ra có tác động tiêu cực đến cuộc sống của gần 1/5 người ở Anh”, tiến sĩ Silia Vitoratou, tác giả chính của nghiên cứu, Đại học King’s College London, cho biết.
Nghiên cứu trên cũng cho thấy nhiều người có thể không nhận ra họ mắc chứng misophonia.
Người ta phát hiện misophonia phổ biến như nhau ở nam và nữ, độ tuổi trung bình của những người mắc chứng này là 43.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra những người không mắc misophonia cũng thường cảm thấy khó chịu trước một số tiếng ồn – nhưng không đến mức như người mắc chứng này.
Những người mắc chứng misophonia thường có phản ứng dữ dội hơn và có nhiều khả năng cảm thấy đau khổ, tức giận hoặc hoảng sợ.
Theo Nghi Phương (zing) – Ảnh: T.H