Nằm trong chuỗi sự kiện Lễ Hội Sen Đồng Tháp lần thứ 1/2022, Diễn đàn kết nối du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long đã mở ra cho cho du lịch của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung những hoạt động phát triển mới. Trong đó, khu Di tích Đặc biệt Gò Tháp không chỉ đẩy mạnh du lịch mà còn hướng tới trở thành khu Di sản Văn hóa Thế giới.

Khu du lịch là một trong những địa điểm du lịch tâm linh thu hút người dân đến tham quan và bái lễ

Khu Di tích Đặc biệt Gò Tháp – Khu du lịch nông nghiệp sinh thái kết hợp văn hóa – lịch sử

Theo các nhà khoa học, Gò Tháp từng là trung tâm tôn giáo lớn thuộc nền văn hóa Óc Eo tồn tại cách đây hàng ngàn năm. Trong thời hiện đại, Gò Tháp là địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh, du lịch về nguồn hấp dẫn, gắn với công cuộc khai hoang, mở cõi, bảo vệ Tổ quốc và đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương với nhiều đền, chùa, lễ hội. Những năm qua, tiềm năng văn hóa tâm linh tại Khu di tích Gò Tháp đã được tỉnh Đồng Tháp khai thác để phục vụ du lịch.

Khu du lịch được nước ta công nhận là khu Di tích Quốc gia Đặc biệt

Hiện nay quần thể di tích Gò Tháp bao gồm 5 di tích tiêu biểu. Đó là Gò Tháp Mười; Tháp Cổ Tự; Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương và cụ Đốc Binh Kiều, mộ cụ Đốc Binh Kiều; gò Minh Sư và miếu Bà Chúa Xứ.

Đặc biệt, khu du tích mang đậm dấu ấn của nền văn hóa vương quốc Phù Nam và văn hóa Óc Eo. Trong số các bia đá mang nội dung phản ánh về vương quốc Phù Nam được tìm thấy ở khu di tích Gò Tháp, người ta thấy có 1 tấm bia ở niên đại thế kỷ V. Nội dung của bia đá này  mang tinh thần Hindu giáo. Được biết Hindu giáo là một tôn giáo phổ biến song hành cùng Phật Giáo trong văn hóa Óc Eo (một nền văn hóa cổ phát triển từ đầu Công nguyên đến TK VII).

Di chỉ những vết tích của Vương quốc Phù Nam, văn hóa Óc Éo tại khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Gò Tháp

Tấm bia còn cho biết đây cũng chính là đầm lầy được chinh phục bởi vua Phù Nam Jayavarman và trao lại cho con mình. Bên cạnh các tấm bia đá, tại đây người ta cũng phát hiện nhiều di vật như mảnh vỡ bình ấm có vòi, Yoni, khuôn đúc, đặc biệt có 2 tượng Visnu.

Các hoạt động lễ hội tâm linh là một trong những hoạt động thu hút và sôi nổi của khu Di tích Đặc biệt Gò Tháp

Hoạt động hấp dẫn của Gò Tháp chính là Lễ hội Gò Tháp diễn ra 2 lần mỗi năm, thường diễn ra vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch. Trong những năm qua, lễ hội được xem là một trong những sự kiện thu hút khách du lịch lớn của vùng Nam Bộ.

Cơ hội để Khu Di tích Đặc biệt Gò Tháp trở thành khu Di sản Văn hóa Thế giới

Với mục tiêu kết nối du lịch giữa 13 tỉnh thành Đồng Bằng Sông Cửu Long và Thành phố hồ Chí Minh, du lịch Đồng Tháp nói chung và du lịch Gò Tháp nói riêng sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Trong đó, Gò Tháp mang trên mình những đặc thù riêng biệt khi sở hữu những cảnh quan thiên nhiên bát ngát, những khu di tích tâm linh đền miếu, những di chỉ mang đậm nét văn hóa của nền văn minh lớn trong khu vực là Óc Eo, Phù Nam. Những đặc điểm này hội tụ tại Gò Tháp đem đến khu du lịch này những tiềm năng to lớn trong việc trở thu hút khách du lịch trong nước và cả khách du lịch quốc tế.

Ông Trần Chí Cường, Giám đốc khu Di tích Đặc biệt Gò Tháp chia sẻ về định hướng của khu di tích trong việc phát triển du lịch tại Diễn đàn kết nối du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Lê Kim Hưng

Ông Trần Chí Cường, Giám đốc Khu Di tích Đặc biệt Gò Tháp chia sẻ: “Diễn đàn kết nối là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và các khu điểm du lịch cùng ngồi lại để nhìn nhận về thực tế, về cách làm du lịch. Đồng thời đánh giá về tài nguyên, sản phẩm du lịch để cùng đưa ra những giải pháp phát triển du lịch cho cả vùng.

Trước đây UBND tỉnh có văn bản số 288/UBND-KGVX ngày 28/8/2018 gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xem xét, chấp thuận cho tỉnh Đồng Tháp tham gia lập hồ sơ Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp để đề cử Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới.

Với giá trị khảo cổ, Gò Tháp đang được đề cử trở thành Di sản Văn hóa Thế giới

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu trên, tỉnh cho rằng nếu bổ sung Khu di tích Gò Tháp vào hồ sơ đề cử cùng với Óc Eo – Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang) sẽ tăng thêm tính toàn vẹn và tính xác thực của Di sản văn hóa Óc Eo ở Nam bộ.

Đối với khu du tích Gò Tháp, đây là nơi hội tụ của nhiều giá trị văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng. Đặc biệt là giá trị về khảo cổ văn hóa Óc Eo, cùng lợi thế gần 300 ha đất tự nhiên. Chúng tôi tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý để xây dựng, hoàn thiện và phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp kết hợp với phát huy các giá trị truyền thống bản địa để thu hút khách du lịch đến với Gò Tháp nói riêng và Đồng Tháp nói chung.”

Với những ý kiến chia sẻ này, khu du lịch đặc biệt Gò Tháp khao khát vươn lên trở thành địa điểm thu hút du lịch đặc trưng khi kết hợp du lịch, nông nghiệp và các yếu tố văn hóa tâm linh – lịch sử. Hơn thế, việc sở hữu những di chỉ khảo cổ của văn hóa Óc Eo- một trong những nền văn hóa cổ lâu đời ở châu Á, cũng như được công nhận là di tích đặc biệt quốc gia, Gò Tháp muốn nâng tầm phát triển lên thành khu Di sản Văn hóa Thế giới để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu như vậy, Gò Tháp cần có những chiến lược đẩy mạnh hoạt động du lịch cũng như hình ảnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng được công chúng biết đến nhiều hơn trong thời gian tới để thể hiện giá trị của mình xứng tầm là một khu Di sản Văn hóa Thế giới.

Đinh Phúc – Ảnh: Tổng hợp