Liệu có một ngôi trường sẽ tiên phong mở lối các chính sách và cơ chế tuyển sinh, đào tạo cho những Vận động viên nói chung và võ sĩ võ thuật nói riêng để chính những con người này an tâm về tương lai, nhưng cũng được trang bị kiến thức cùng một nơi làm việc theo đúng ngành nghề mình đã theo đuổi.
Hướng đi nào phù hợp cho các Vận động viên thể thao trong lúc còn đi học và sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu luôn là bài toán mà xã hội cùng nhau tìm lời giải, bảo đảm vẫn duy trì phát triển thành tích thể thao một cách ổn định trong suốt khoảng thời gian học đại học, đồng thời định hướng nghề nghiệp, trang bị kiến thức và bảo chứng công ăn việc làm trong tương lai. Có lẽ bài toán ấy sẽ sớm có lời giải bởi sự xuất hiện của một ngôi trường, nơi mà các chính sách và cơ chế mở “khai phóng” đặc biệt dành riêng cho các bạn “Vận động viên” sinh viên.
Nhắc đến nghề nghiệp cho Vận động viên sau thời kỳ đỉnh cao thi đấu, chúng ta thường phân tích như một “lối thoát”. Thế nhưng, cũng như bất cứ nhân sự nào ở lĩnh vực nào, người làm thể thao cũng cần thời gian được đầu tư đào tạo chuyên môn, bài bản, có hệ thống kỹ năng và kiến thức hiện đại, thực tế. Con đường phát triển sự nghiệp của một Vận động viên là hành trình liền mạch giữa tuổi trẻ cống hiến thi đấu và một tương lai công việc được đảm bảo vững chắc, một lộ trình hẳn hoi chứ không phải những pha “tạt cánh” nhảy nghề nhảy việc.
Việt Nam đang đối mặt với một con sóng phát triển to lớn của thể thao – hướng đi chung của thành tựu hội nhập. Chúng ta đang có hơn 600 trung tâm Fitness trên toàn quốc với quy mô thi trường khoảng 113 triệu USD – con số vượt qua Thái Lan, Indonesia, Singapore và Hongkong, cộng thêm tốc độ phát triển đến 20%/năm. Con số ấy vẫn còn chưa tính đến các bộ môn thể thao khác, hay các loại hình kinh doanh như du lịch và sự kiện thể thao giải trí. Việt Nam sẽ khó nắm bắt cơ hội này nếu chúng ta không thể tối ưu hóa nguồn nhân lực được đầu tư nhiều nhất, có tố chất tốt nhất nhưng cũng hẹp cửa tương lai nhất: Vận động viên.
Để sự nghiệp của Vận động viên có một lộ trình thực sự chứ không phải một “lối thoát”, cần rất nhiều yếu tố và chính sách để cân đối khả năng học tập của một sinh viên và nhiệm vụ tập luyện – thi đấu của một Vận động viên. Bài toán khó đó đã có lời giải tại một trường Đại học với bộ chính sách được “đo ni đóng giày” cho tương lai phát triển của thể thao Việt, cụ thể:
- Tuyển thẳng Vận động viên có thành tích thể thao cấp độ Quốc tế.
- Trao học bổng năm đầu tiên trị giá 100 triệu đồng cho VĐV có thành tích thi đấu cấp Quốc gia.
- Thưởng nóng bằng Tiền mặt cho thành tích thể thao tương ứng các cấp độ từ Tỉnh thành – Quốc gia – Quốc tế. Sinh viên toàn quyền sử dụng phần thưởng để tái đầu tư vào việc học.
- Được học Ngành Quản lý thể thao về thể thao Chuyên môn, bảo chứng 100% về viêc làm sau tốt nghiệp, đúng chuyên môn, đúng ngành nghề.
- Môi trường học tập Quốc tế, chuẩn đầu ra Tiếng Anh quốc tế cho tất cả Vận động viên học tại trường.
- Hệ thống cơ chế đãi ngộ sinh viên, tạo điều kiện để đảm bảo sinh viên có thể vừa học tập vừa thi đấu một cách hợp lý, thuận tiện.
Với hệ thống chính sách trên, trường Đại học này đào tạo đến 3 chuyên ngành trong Ngành Quản lý Thể dục Thể thao phù hợp với xu hướng phát triển thể thao tại Việt Nam cũng như quốc tế, bao gồm:
- Quản lý thể thao và Fitness
- Quản lý thể thao và sự kiện
- Quản lý và kinh doanh thể thao
Và nhìn ra thế giới, chúng ta hãy tự tin với bài toán Vận động viên + Sinh viên Đại học. Đối với nhiều quốc gia như Mỹ, Đại hội thể thao Thế giới Olympic lại như “Giải thể thao Đại học mở rộng”. Tại Olympic Rio 2016, Mỹ đem đến một đội hình với 80% Vận động viên xuất thân từ các CLB thể thao Đại học, và trên chuyến bay của họ hầu hết là những câu chuyện tái ngộ của các gương mặt tiêu biểu của hệ thống Giải thể thao Đại học NCAA. Để Vận động viên có chỗ đứng giữa một trường Đại học cũng là cách để nền thể thao chuyên nghiệp – hiện đại – có hiệu quả kinh doanh có chỗ đứng giữa một xã hội phát triển.
Các Vận động viên tài năng xứng đáng có một chỗ đứng trong nền thể thao mà chính họ đã dành cả tuổi trẻ của mình để cống hiến, xây dựng, cổ vũ và truyền cảm hứng. Con đường trở thành những nhà quản lý thể thao và sự kiện chuyên nghiệp chính là chìa khóa để họ sở hữu chỗ đứng đó một cách chính đáng, hợp lý và hiệu quả.
Hồ Võ – Số liệu: Jane Nguyễn