Hai mặt với Ronaldo
Cristiano Ronaldo là một biểu tượng ở Old Trafford, đồng thời bản thân anh cũng có những điều mơ hồ trong mùa giải trước và tạo ra hai luồng ý kiến khác nhau từ người hâm mộ.
Ronaldo vẫn đầy khát vọng và có khả năng mang về những bàn thắng muộn cho đội nhà.
Các cổ động viên không quên những khoảnh khắc Ronaldo ghi bàn vào lưới Atalanta, Norwich hay Tottenham trong các thời điểm đội nhà rơi vào trạng thái tồi tệ.
Trong cả mùa trước, Ronaldo ghi 24 bàn trên mọi mặt trận. 18 bàn trong số này được thực hiện trên đấu trường Premier League.
Tuy vậy, có một thực tế không thể phủ nhận: anh chậm hơn so với trước và ít tham gia vào trận đấu hơn. Ronaldo nằm trong số các tiền đạo gây áp lực trực tiếp lên hàng thủ đối phương ít nhất, trong số 5 giải đấu hàng đầu châu Âu.
Với một đội bóng sa sút suốt gần cả thập kỷ, sau rất nhiều vụ đầu tư thất bại, việc MU mua lại Ronaldo giống như cuộc mạo hiểm khi họ không còn giải pháp nào khác.
Theo cách này, sự trở lại của Ronaldo với mức phí chuyển nhượng 20 triệu bảng và lương 500.000 bảng một tuần – cao nhất lịch sử Premier League – là một thất bại.
Mùa trước, cả Ole Gunnar Solskjaer lẫn Ralf Rangnick đều tiến thoái lưỡng man trong việc dùng hay không dùng CR7. Cầu thủ người Bồ Đào Nha xuất hiện trong đội hình ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch và chiến thuật của họ.
Năm 2009, Ronaldo rời MU để lại nước mắt và sự tiếc nuối. Lần này, khi anh thông báo muốn ra đi, rất nhiều CĐV xem đó là tín hiệu tích cực với CLB.
Điều tích cực cho Ten Hag
Erik ten Hag chính thức bắt đầu công việc mới từ thứ Hai tuần trước. Ông nói rằng bản thân muốn làm việc với Ronaldo, nhưng có thể hiểu đó chỉ là hình thức xã giao.
Về mặt bóng đá, Ten Hag là mẫu HLV theo trường phái Ajax cổ điển, xây dựng lối chơi pressing cường độ cao. Trong hệ thống của ông, các cầu thủ đều phải làm việc và di chuyển tối đa để tạo áp lực lên từng mét vuông mặt cỏ.
Phong cách này rõ ràng không phù hợp với Ronaldo, một cầu thủ mà các đồng đội phải hoạt động để cung cấp bóng cho anh dứt điểm.
Khi Ralf Rangnick đến Old Trafford, ông muốn áp dụng bóng đá gegenpressing của mình cho MU. Đây là phương pháp chiến thuật có ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ HLV người Đức hiện nay như Thomas Tuchel (Chelsea), Jurgen Klopp (Liverpool), Julian Nagelsmann (Bayern Munich).
Rangnick thất bại ngay lập tức vì đội hình MU, đặc biệt là Ronaldo, không tương thích với yêu cầu của ông. Cựu HLV RB Leipzig buộc phải chuyển sang phòng ngự phản công để phục vụ cho khả năng dứt điểm của cầu thủ người Bồ Đào Nha.
Lối đá pressing của Ten Hag cũng có những điểm tương tự gegenpressing của Rangnick. Vì thế, nếu Ronaldo thực sự rời đi, nhà cầm quân người Hà Lan sẽ rất nhẹ nhõm trong cuộc cách mạng của mình.
Không Ronaldo, ngân sách của MU được giải phóng trong mùa giải mà thu nhập từ tiền thưởng giảm rất nhiều vì không dự Champions League.
Ở những nơi Ronaldo dừng chân, giá trị của anh luôn đặt cao hơn lợi ích tập thể. Đội bóng thăng hoa theo cảm xúc của anh. Chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid quyết định loại bỏ CR7 sau chức vô địch Champions League 2017-18 vì anh không chịu hạ cái tôi của mình xuống.
Ten Hag đã nghiên cứu kỹ về Ronaldo, cả những phản ứng khiến cho người tiền nhiệm Rangnick lúng túng (khi nghỉ trận derby Manchester, anh về Bồ Đào Nha thay vì ở lại với đội để tham gia bữa ăn mang tính truyền thống).
Kế hoạch của Ten Hag là xây dựng một MU hoàn toàn mới, bắt đầu từ nền móng. Ông không muốn tập thể mới trở thành “FC Ronaldo”, người đã 37 tuổi, độ tuổi mà hầu hết các tiền đạo không còn quyết định được Premier League.
Khi Ronaldo trở lại, tài khoản Instagram chính thức của MU từ mốc 30.000 người theo dõi mới mỗi ngày tăng lên 800.000 lượt theo dõi mới chỉ trong một giờ đồng hồ. Trong 4 ngay sau khi anh ký hợp đồng, 8% lượng truy cập là do hiệu ứng Cristiano.
Ten Hag không xây dựng bóng đá bằng Instagram hay mạng xã hội nào khác, cũng không phụ thuộc vào hiệu ứng thương mại của các ngôi sao. Đối với thuyền trưởng 52 tuổi này, bóng đá là chiến thắng trên sân cỏ, để từ đó gặt hái thành công về tài chính. Ngoài 3 danh hiệu vô địch Hà Lan trong hơn 4 năm, chính sách của ông từng giúp Ajax tăng gấp 3 lần doanh thu và nằm trong số các CLB kiếm tiền giỏi nhất châu Âu.