Một năm trước khi trở về MU từ Juventus, Ronaldo gọi mối lương duyên với “Quỷ đỏ” là “tình yêu không bao giờ kết thúc”. CR7 cũng nhấn mạnh việc trở lại MU là “giấc mơ trở thành sự thật” và nói cuộc tái ngộ này là “dành cho Sir Alex Ferguson”.
Giờ thì Ronaldo đang đòi ra đi. Anh từ chối tham gia chuyến du đấu châu Á của MU và gần như chắc chắn sẽ rời Old Trafford. Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu CR7 có lỗi với CĐV MU khi đòi ra đi vào lúc “Quỷ đỏ” đang cần anh nhất để tái thiết?
Lỗi nào là của Ronaldo?
Việc CĐV MU trách Ronaldo là điều dễ hiểu. Khi đội bóng gặp khó khăn, CĐV lẽ thường có xu hướng mong ngôi sao lớn nhất ở lại để gồng gánh tập thể qua gian khó.
Nhiều danh thủ đã đi vào lịch sử nhờ hành động kiểu này (Alessandro Del Piero, Pavel Nedved, Gianluigi Buffon, Gabriel Batistuta…) nhưng Ronaldo thì không. Anh sẵn sàng “nhảy khỏi con tàu đắm” MU như lời Jamie O’Hara bình luận trên Talksport.
Một bộ phận khác thì tin rằng Ronaldo có lỗi trong việc MU sa sút. Không Ronaldo, MU đứng nhì Premier League mùa trước nữa. Nhưng khi có CR7, “Quỷ đỏ” chỉ đứng thứ 6 và trải qua mùa giải thảm họa nhất kỷ nguyên Premier League.
Chọn cách nhìn vào kết quả để suy diễn ra quá trình là việc tương đối phiến diện. MU mang Ronaldo về để ghi bàn. Anh ghi 24 bàn cả mùa, là chân sút số một của CLB. MU đâu mang Ronaldo về dạy Harry Maguire cách phòng ngự, dạy Mason Greenwood không hành hung bạn gái dẫn đến biến mất khỏi sân cỏ hay dạy các hậu vệ cánh MU biết chơi bóng như đồng nghiệp bên phía Man City, Liverpool hay Chelsea.
Quá nhiều quan điểm tin Ronaldo mắc lỗi và phải chịu trách nhiệm cho sự sa sút của MU. Tuy nhiên, bóng đá đã, đang và sẽ luôn là môn thể thao tập thể. Johan Cruyff nói quả bóng không thể tự nó bay vào lưới. Ronaldo thì không thể làm việc của 10 người đồng đội còn lại trên sân.
Ronaldo không chịu pressing và điều này khiến MU gãy đổ về mặt chiến thuật, từ đó thảm bại? Điều này có thể đúng. Nhưng đấy là vấn đề của HLV điều chỉnh chiến thuật trên sân cỏ chứ không phải của siêu sao người Bồ Đào Nha.
Chuyện Ronaldo lười pressing là điều ai cũng biết. Tại Real Madrid, Ronaldo cũng hiếm khi lùi xuống áp sát đối phương nhưng vẫn giành đủ vinh quang. Nếu đã chấp nhận sử dụng Ronaldo, đừng mong siêu sao này sẽ làm điều ngược lại lối chơi bình thường của anh.
Đứng trên điểm nhìn của Ronaldo, mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn. Khi trở lại MU vào tháng 8/2021, CR7 đặt nguyện vọng cùng MU trở lại vinh quang. Nhưng đội MU mà Ronaldo trở lại tuyệt đối không phải đội MU Ronaldo từng yêu quý và cống hiến
Trong quá khứ, chưa cần nói tới những biểu tượng như Wayne Rooney, Paul Scholes, Rio Ferdinand, Nemanja Vidic…, MU còn có những cầu thủ chất lượng chỉ ở bậc trung như Park Ji-sung, Darren Fletcher, John O’Shea nhưng mỗi lần ra sân đều chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo.
MU ở lần trở lại này của Ronaldo có những ông sao nhận lương khủng nhưng thi đấu hời hợt (Paul Pogba), không tự thúc đẩy bản thân tiến bộ (Marcus Rashford, Harry Maguire), thiếu trình độ (Fred, Wan-Bissaka) và thậm chí tuồn tin cho báo chí (Jesse Lingard).
Ai là người mắc lỗi lớn nhất trong toàn bộ quá trình này? Câu trả lời dĩ nhiên là ban lãnh đạo MU. Những sai lầm liên tục của “Quỷ đỏ” trong việc quản lý nhân sự đã sụp đổ vào mùa giải họ đặt nhiều niềm tin nhất trong quá trình trở lại.
Ronaldo có thể không nên xuất hiện ở một đội bóng đã có sự ổn định vào mùa trước và thực hiện những phi vụ khôn ngoan như Raphael Varane, Jadon Sancho. Nhưng BLĐ “Quỷ đỏ” đã mang CR7 trở lại với sự tập trung và tốc độ khó tin khi Man City tiếp cận với siêu sao người Bồ Đào Nha. Nếu coi Ronaldo là bước ngoặt khiến MU thất bại, thì ban lãnh đạo nửa đỏ thành Manchester phải tự trách chính mình.
Sai lầm tư duy quy trách nhiệm
HLV huyền thoại Cesar Menotti nói bóng đá là ánh xạ cuộc sống. Quan điểm này đến giờ vẫn chưa bao giờ lỗi thời. CĐV bóng đá nói riêng hay con người nói chung luôn có xu hướng tìm ra những biểu tượng để không chỉ yêu quý mà còn cả thù ghét, để tôn vinh khi chiến thắng và cả quy trách nhiệm khi thất bại.
Tuy nhiên, tư duy chọn lựa anh hùng kiểu này thường không trọn vẹn khi bỏ quên giá trị của những người khác trong tập thể. Đằng sau những ngôi sao biểu tượng trong một đội bóng chiến thắng trên hết phải là những đồng đội cũng ở đẳng cấp cao nhất.
Ronaldo từng là ngôi sao số một tại tập thể Real Madrid giành 4 Champions League nhưng bên cạnh CR7 là những cá nhân kiệt xuất khác như Karim Benzema, Sergio Ramos, Toni Kroos, Luka Modric…
Lionel Messi giành 7 Quả bóng vàng trong màu áo Barca nhưng đằng sau “El Pulga” cũng là những biểu tượng khác của bóng đá thế giới như Xavi, Iniesta, Gerard Pique, Luis Suarez…
Và đằng sau thất bại luôn là những sai lầm của nhiều cá nhân thay vì người nổi bật nhất.
Ronaldo giành 5 Quả bóng vàng, là chân sút thuộc dạng vĩ đại nhất lịch sử bóng đá thế giới. Khi CR7 trở lại Old Trafford vào mùa giải trước, nghiễm nhiên giới mộ điệu sẽ nhìn nhận Ronaldo phải chịu trách nhiệm cho mọi kết quả tại MU dù thực tế những đồng đội chơi cạnh CR7 tồn tại nhiều vấn đề.
Khi MU thất bại, Ronaldo vẫn là người chịu nhiều chỉ trích hơn cả, dù thực tế anh là người chơi tốt bậc nhất đội hình.
Ronaldo có lỗi với CĐV MU khi đòi ra đi? Câu trả lời là không. Ngược lại, nếu không ra đi, Ronaldo sẽ có lỗi với chính mình. Anh chưa từng chơi bóng tại Europa League trong suốt sự nghiệp lẫy lừng. Ở tuổi 37, Ronaldo vẫn duy trì nền tảng thể lực tuyệt vời cùng chế độ tập luyện mẫu mực.
Một biểu tượng như thế cần sân chơi như Champions League. MU lúc này không còn xứng đáng với Ronaldo. CĐV “Quỷ đỏ” nên nhận thức điều này.