Sau khi Pau FC hòa Dijon 0-0 ở vòng 2 Ligue 1, tờ Sud Ouest không ngần ngại chấm Quang Hải điểm 4 cùng nhận định “thường xuyên chuyền bóng thiếu chính xác, không thể gây khó khăn cho hàng thủ đối phương”.
Có nhiều lý do kéo theo màn trình diễn không tốt này của Quang Hải, cả chủ quan lẫn khách quan.
Thông số của Quang Hải ở trận gặp Dijon có thể xem là đáng báo động. Trong 68 phút góp mặt trên sân, tiền vệ tuyển Việt Nam chỉ chạm bóng vỏn vẹn 22 lần, tức trung bình hơn 3 phút Hải mới được chạm bóng. 22 lượt chạm này kéo theo 13 đường chuyền, nhưng chỉ 6 trong số này đi trúng đích. Tỷ lệ chuyền chính xác của Hải chỉ là 46%. Ở trận đầu tiên, con số là 100%.
Sự thay đổi này có nghĩa gì?
Trên lý thuyết, rất khó đòi hỏi vị trí hộ công chuyền bóng chính xác như tiền vệ kiến thiết lùi sâu. Xuất sắc cỡ nào thì Kevin De Bruyne (82.5% tại Premier League 2021/22) chắc chắn không thể sở hữu thống kê chuyền bóng chính xác như Toni Kroos (94.9% tại La Liga 2021/22). Khoảng không là khái niệm rất xa xỉ với các tiền vệ công.
Tuy nhiên, việc tỷ lệ chuyền chính xác chỉ ở mức 46% như Quang Hải thì là chuyện đáng báo động. Hải sút một lần trong trận (cú volley phút 13). Điều này đồng nghĩa 13 đường chuyền được tạo ra từ 21 lần chạm bóng. Nếu Hải sử dụng 2 chạm để tạo ra 1 đường chuyền, số chạm sẽ là 26.
Việc chuyền 13 lần chỉ sau 21 chạm cho thấy Hải chuyền bóng cực nhanh. Nhiều pha chuyền chỉ đến sau đúng một chạm. Thực tế cho thấy đồng đội không thường theo được nhịp độ này. Đường chuyền vì thế không đi đến đâu. Thống kê của Hải vì thế rất xấu.
Ở trận thua Guigamp 0-4, Hải vào sân khi thế trận đã an bài. Đối thủ của Hải không còn nhu cầu dâng cao áp sát đá rát để giành bóng. Khoảng không có nhiều hơn, Hải vì thế đạt tỷ lệ chuyền chính xác ấn tượng, dù thực tế con số cũng chỉ là 7 đường chuyền.
Ở trận đấu với Dijon, Hải đá từ đầu, và đối mặt với khả năng áp sát mạnh nhất có thể của đối thủ. Đây là một lý do khiến Hải phải chuyền nhanh nhất có thể.
Không gian chơi bóng ở vị trí hộ công vốn được xem là tử địa của bóng đá hiện đại. Sơ đồ 4-2-3-1 với hai tiền vệ phòng ngự án ngữ trước mặt trung vệ khiến không gian để xoay trở của cầu thủ đá hộ công bị bóp nghẹt. Chưa kể nhiều cầu thủ cao to với thể hình lớn sẵn sàng “lấy thịt đè người” Hải.
Tuy nhiên, lấy lý do này để biện minh cho việc Quang Hải chơi không tốt thì không công bằng. Một lý do khác của việc Hải chuyền bóng rất nhanh thực tế nằm ở việc tiền vệ tuyển Việt Nam không đủ tự tin để giữ và lừa bóng qua đối thủ.
Nếu Hải đủ bình tĩnh để giữ bóng, quan sát và lừa bóng qua đối thủ, thế trận tấn công của Pau sẽ không đơn điệu. Bóng đá Tây Ban Nha có thuật ngữ nổi tiếng “la pausa” được dùng để nói về nhịp dừng bóng để kiểm soát nhịp độ của những tiền vệ và chờ đợi khoảnh khắc quyết định để đưa ra phương án xử lý hoàn hảo nhất. Chậm lại để cả đội nhanh hơn.
David Silva, Andres Iniesta của quá khứ, hay Pedri của hiện tại là những bậc thầy của “la pausa”. Đặt Quang Hải cạnh những cái tên này thì khiên cưỡng, nhưng việc Hải hiếm khi lừa bóng qua người, và luôn vội vã ở những pha xử lý quyết định tại Pau, rõ ràng là hạn chế của cầu thủ hay nhất Việt Nam lúc này.
Nếu nhìn lại sự nghiệp lên cao theo chiều thẳng đứng của Hải trong suốt 4 năm qua, pha lập công đáng nhớ bậc nhất đến chính từ một tình huống lừa bóng trong không gian cực hẹp, một “la pausa” ở đẳng cấp châu Âu: cú đá gỡ hòa 2-2 tại bán kết VCK U23 châu Á trước Qatar.
Hải đã lừa bóng qua đối thủ tới 2 lần chỉ trong khoảng nửa giây, trước khi tung ra cú sút ghi bàn. Đó là những pha xử lý bóng đá châu Âu lúc này cần thấy ở Hải. Hải phải dám chơi bóng, thay vì cố gắng chuyền nhanh nhất có thể tới các đồng đội.
Việc Hải chỉ nhận điểm 4 từ báo địa phương ở Pháp đến từ thực tế này. Pau FC có thể không phải CLB với những cầu thủ giỏi, nhưng Hải cũng cho thấy bản thân chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn tại đây, ít nhất là sau trận đầu tiên được đá chính.