Trên sân Stade Yves Allainmat – Le Moustoir, Lorient và Nice bước vào cuộc đối đầu tại vòng 13 Ligue 1 với tình cảnh thật trái ngược.
Đội chủ nhà áo cam vốn là cái tên chỉ ‘’sống sót’’ trụ lại hạng đấu mùa trước , sau 12 vòng của mùa này đã là chú ngựa ô chễm chệ top 3. Trong khi đó, Nice – qua một mùa hè mua sắm bận rộn – thậm chí chưa lọt nổi vào top 10, thành tích hết sức đáng thất vọng cho HLV Lucien Favre và các học trò nổi tiếng.
Sau 90 phút tranh tài, các vị khách ra về với 3 điểm, nhưng người ta vẫn dễ dàng nhìn thấy những vấn đề trong cách đội bóng có biệt danh ‘’Đại bàng’’ thi đấu. Một trong những vấn đề lớn nhất mà chắc chắn Nice cần cải thiện chính là nâng cao tinh thần thi đấu, thể hiện một thái độ quyết liệt hơn trên sân.
Nhợt nhạt
Xuyên suốt trận đấu, tỷ lệ kiểm soát bóng của Nice (57%) luôn vượt trội so với Lorient (43%). Cảm giác là Nicolas Pepe và các đồng đội đã lấn lướt, dồn ép đối thủ hoàn toàn, nhưng thực tế lại là một câu chuyện khác.
Từ lúc bị dẫn trước, qua thời điểm gỡ hòa cho đến khi vươn lên, Nice đều lên bóng vô cùng chậm rãi, thậm chí… buồn ngủ. Họ nhẹ nhàng luân chuyển từ tuyến dưới tới vị trí tiền vệ trung tâm của Mario Lemina, trước khi cầu thủ người Gabon phối bóng ra hai cánh hoặc chuyền tới các đồng đội chơi cao hơn.
Đến lượt mình, những Billal Brahimi, Ross Barkley hay Nicolas Pepe cũng duy trì một nhịp chơi đều đều, thiếu đột biến, và dễ dàng bị chặn lại ở trước vòng cấm địa. Cầu thủ chạy cánh Youcef Atal là cái tên hiếm hoi chịu khó bứt tốc hay đột phá quyết tâm mỗi khi có bóng.
Quả thật tuyển thủ Algeria đã ghi bàn cân bằng tỷ số bằng một pha solo, nhưng thử tưởng tượng nếu Atal phải đối đầu với các hàng thủ ‘’khủng’’ nhất giải như của PSG, Marseille, Lyon, mọi chuyện chắc chắn không đơn giản như thế. Bàn thứ hai của Nice cũng chỉ là một cú sút may mắn đổi hướng đi vào lưới. Những tình huống phối hợp của Nice đơn giản là quá chậm chạp, và kết thúc trong vô hại.
Cách chơi của Nice hoàn toàn trái ngược so với những gì Lorient thể hiện. Các cầu thủ áo cam với hạt nhân là những chân chuyền nhanh nhẹn, linh hoạt như Theo Le Bris (cánh trái), Enzo le Fee (tiền vệ trung tâm) liên tục di chuyển tráo đổi vị trí, ban bật ngắn – nhỏ không ngừng nghỉ. Nhịp độ nhanh, hào sảng mà chủ nhà tạo ra thể hiện quyết tâm trong từng pha bóng, xứng đáng được ca ngợi là thứ bóng đá đẹp đáng thưởng thức bậc nhất Ligue 1 mùa này.
Không chỉ trong giai đoạn triển khai tấn công, Nice còn trưng ra một bộ mặt lờ đờ mỗi khi mất bóng. Họ ít khi quây ráp trên phần sân đối thủ, thường xuyên phản ứng chậm mỗi khi Lorient chuyển trạng thái hay đưa được bóng sang qua nửa sân. Hệ quả là những cơ hội ngon ăn liên tiếp đến với Lorient trong hiệp 1.
Phút 18, khi tiền đạo Dango Outtara đánh đầu mở tỷ số từ quả phạt góc, các cầu thủ Nice, đứng đầy đủ trong vòng cấm, chẳng ngăn nổi một mình số 11 của chủ nhà. Chỉ riêng tiền vệ cánh Stephane Diarra đã có đến 2 cơ hội phản công đối mặt với Kasper Schmeichel, khi các cầu thủ phòng ngự của Nice để bị vượt qua và không theo kịp. Chỉ tiếc là số 7 dứt điểm quá tệ nên không thể nới rộng cách biệt.
Còn có những tình huống nhỏ như ở phút 64, Billal Brahimi đi bóng hỏng, để hậu vệ phải Gedeon Kalulu của Lorient cướp bóng. Thay vì cố gắng gây áp lực lên đối thủ để giành lại bóng, cầu thủ của Nice lại kéo áo Kalulu, để trọng tài cắt còi như cho… xong chuyện. Cần nhắc rằng Billal Brahimi mới 22 tuổi, độ tuổi mà đáng ra cầu thủ phải luôn hừng hực máu lửa, không phải chơi theo cách của những ông già giữ sức.
Tất nhiên, cách chơi của một đội bóng còn phụ thuộc vào chỉ đạo, vào ý đồ chiến thuật của HLV. Song, việc các cầu thủ áo đỏ-đen duy trì cùng một nhịp chơi ‘’dưỡng sinh’’ suốt 90 phút thật khó giải thích theo bất kỳ cách nào khác, ngoài một vấn đề duy nhất: tinh thần.
Tiềm năng
Nice rõ ràng có thể đẩy nhanh nhịp chơi, thi đấu cống hiến và quyết liệt hơn. Đó có thể là lời giải cho chuỗi phong độ kém ấn tượng của họ từ đầu mùa.
Đội bóng miền Đông Nam nước Pháp không thiếu nhân sự chất lượng ở cả 3 tuyến để mà phải dè dặt ở Ligue 1. Aaron Ramsey, Ross Barkley, Mario Lemina, Nicolas Pepe, Kasper Schmeichel đều là những hảo thủ từng để lại dấu ấn ở giải Ngoại hạng Anh, các trung vệ Dante, Jean-Clair Todibo từng khoác áo Bayern Munich, Barcelona. Chừng đó đủ là mơ ước với bất cứ đội bóng nào ở Pháp không mang tên Paris Saint-Germain.
Vấn đề dường như đang nằm ở HLV Lucien Favre. Ông thầy người Thụy Sĩ chưa tìm được cách thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết nơi các cầu thủ trên sân, khiến những ngôi sao thay vì tận hiến với thái độ khẳng định bản thân, lại chơi nhợt nhạt như đã đạt đỉnh, không còn ham muốn tranh đấu.
Đây có thể nói là một điều đáng tiếc hoặc khá lạ lùng đối với nhà cầm quân 64 tuổi, bởi với sự nghiệp đã kinh qua đủ mọi thăng trầm, ông không hề thiếu kinh nghiệm truyền lửa cho những đội bóng ở lúc cần tinh thần cao nhất.
Ngày 14/02/2011, đúng vào ngày lễ Tình yêu Valentine, Lucien Favre được bổ nhiệm làm HLV trưởng CLB Borussia Monchengladbach, thay thế Michael Frontzeck. Không có hoa hồng và chocolate: Favre lập tức phải bắt tay vào công cuộc cứu vớt đội bóng đang đứng thứ 18 – bét bảng, chỉ có vỏn vẹn 16 điểm sau 22 trận.
Favre đã làm được. Ông đã thổi bùng lên ngọn lửa chiến đấu trong Marco Reus và các đồng đội khi ấy, để họ thắng 4, hòa 1 trong 6 vòng đấu cuối (trong đó có chiến thắng 1-0 trước nhà vô địch Borussia Dortmund). Thành tích ấy đủ để đưa Monchengladbach lên vị trí thứ 16, được đá trận playoff, nơi mà ‘’Những chú ngựa non’’ thắng Bochum với tổng tỷ số 2-1 để ở lại Bundesliga.
Chính nhờ được Lucien Favre cứu sống ở mùa 2010/11, cùng với thành tích top 4, đoạt vé đi UEFA Champions League ở ngay mùa liền sau, Monchengladbach mới gây dựng được một vị thế vững chắc ở Bundesliga như lúc này.
Ligue 1 mùa 2016/17, sự chú ý đổ dồn vào AS Monaco bất ngờ vô địch Ligue 1 với dàn sao Kylian Mbappe, Bernardo Silva, Fabinho,… nhưng Lucien Favre cũng mới làm nên lịch sử trong lần đầu dẫn dắt Nice. Mùa ấy, ‘’Đại bàng’’ đã về đích thứ 3 (sau Monaco và PSG), vị trí tốt nhất của họ sau hàng thập kỷ.
Công thức thành công? Không gì khác ngoài khơi dậy tinh thần tập thể, kể cả với một cầu thủ ích kỷ như Mario Balotelli chơi trung phong! Lối đá đam mê mãnh liệt, bất chấp lực lượng không vượt trội lại được Lucien Favre thể hiện và thu về thành công.
Tiếp đó, ở Borussia Dortmund, Favre cũng để lại không ít ấn tượng trong những cuộc chạy đua với Bayern Munich. Dù đội bóng Vùng Ruhr không giành được đĩa bạc, giai đoạn bay cao đầu mùa 2018/19 với đỉnh cao là chiến thắng 3-2 trước Bayern Munich chắc chắn vẫn khắc sâu trong ký ức của các cổ động viên tại ‘’Bức tường Vàng’’ của khán đài phía Nam, sân Signal Iduna Park.
Điểm lại quá khứ một chút, để thấy Lucien Favre không hề kém tài trong việc truyền nhuệ khí tới học trò. Nếu nghĩ theo một cách lạc quan, chưa biết chừng Nice hiện tại của Favre cần thời gian, và chính giai đoạn tiền World Cup này lại đang là lúc họ ‘’nóng máy’’ dần.
4 trận gần nhất tại Ligue 1, dù luôn chật vật nhưng Nice đã không thua (2 thắng, 2 hòa). Ở UEFA Conference League, Nice cũng mới có chiến thắng 2-1 trước Partizan giữa tuần trước, mở ra cơ hội đi tiếp khi họ đang xếp đầu bảng D.
Nice của Favre vẫn đang chơi thứ bóng đá chưa phải là máu lửa nhất như chính đội bóng này mùa 2016/17, nhưng có thể đội chủ sân Alianz Riviera đang sắp lấy lại được bản ngã ấy. 1 tháng vừa qua, những tin đồn về việc bổ nhiệm Mauricio Pochettino đã chìm xuống, và biết đâu khi kiên nhẫn hơn với Lucien Favre, Nice lại nhận trái ngọt?
Trên đây chỉ là một phỏng đoán, còn kết cục thực tế ra sao, hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân Favre và những học trò của ông. Quyết tâm thực sự của họ cần được thể hiện ngay giữa tuần này: Nice cần không thua trước FC Koln để đảm bảo suất vào vòng knockout UEFA Conference League.
Nếu thay đổi để chơi quyết liệt hơn, hoàn thành nhiệm vụ tới đây tại ‘’chảo lửa’’ RheinEnergieStadion, Nice cùng Lucien Favre có quyền bắt đầu mơ xa hơn nữa.