Từ đầu giải, tuyển Pháp chơi thuyết phục nhất. Kể cả khi Brazil, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh chưa bị loại, “Les Bleus” vẫn được xem đội đáng gờm nhất cho danh hiệu vô địch. Thậm chí, những phút loạng choạng trước Australia, Đan Mạch, Ba Lan, Anh cũng khiến Pháp chưa lúc nào bị người hâm mộ đánh giá thấp.
Thứ bóng đá đàn anh
Nếu các đội khác chơi chỉ với một màu sắc đặc trưng, Pháp biết đủ mọi kiểu: ồ ạt tấn công, dâng cao gây sức ép, rình rập, lùi lại đợi cơ hội phản công, nhử cho đối thủ mắc bẫy, chuyển đổi trạng thái rất tuyệt.
Thứ bóng đá của Pháp kết hợp giữa không gian và thời gian hoàn hảo. Nếu quá chú trọng vào không gian, bạn sẽ khó tìm ra điểm tới hạn để thực hiện cú đánh quyết định hạ gục đối thủ.
Nếu chú trọng vào thời điểm, bạn sẽ thấy bối rối trong việc tìm ra không gian, tức là cách thức để thực hiện cú đánh quyết định đó. Kết hợp tốt giữa không gian và thời gian biến Pháp trở thành ông chủ của trận đấu, dẫn dắt nhịp độ trận đấu theo ý họ muốn. Đó là thứ bóng đá đàn anh.
Nhiều người cho rằng nếu có Karim Benzema, N’Golo Kante, Paul Pogba, cả một vài cầu thủ khác như Lucas Hernandez, Presnel Kimpembe, Christopher Nkunku, Lucas Digne trong đội hình, sức mạnh của Pháp còn khủng khiếp hơn nhiều. Việc trở thành đội đầu tiên sau 60 năm bảo vệ danh hiệu vô địch thành công là trong tầm tay.
Nhận định trên là đúng trên lý thuyết. Nếu không dính chấn thương, Benzema, Kante, Pogba, Lucas, Kimpembe sẽ được ông Didier Deschamps dùng trong đội hình chính. Nhưng chưa chắc việc đúng trên lý thuyết đảm bảo đúng trên thực tế.
Vì thành công còn dựa vào nhiều yếu tố khác, như sự hòa thuận trong đội tuyển, con đường đi trong giải thuận lợi hay khó khăn… Nếu chỉ nhìn vào đội hình thì Pháp đã vô địch Euro 2020 năm ngoái. Chỉ vì 10 phút cuối trong thời gian thi đấu chính thức bị “tuột xích” mà Pháp bị Thụy Sĩ loại, ôm hận rời giải.
“Kẻ săn trộm” vĩ đại
So với Oliver Giroud, Benzema rõ ràng hơn, như chiếc xe F1 với xe go-karting, mà Benzema có lần so sánh. Benzema không chỉ giỏi hơn Giroud, mà giỏi hơn tất cả cầu thủ trên hành tinh vào năm nay khi giành giải thưởng cá nhân Quả bóng vàng. Và Benzema giỏi một cách đều đặn trong 15 năm nay, chỉ có một số ít giỏi đều trong một khoảng thời gian lớn như vậy: Lionel Messi, Cristiano Ronaldo, Luka Modric.
Giroud lớn hơn Benzema một tuổi. Benzema giống như ngựa đua, còn Giroud như ngựa kéo xe. Khi Benzema là thần đồng trong đội hình Lyon 7 lần liền vô địch nước Pháp, Giroud đang chơi cho các CLB ở Ligue 2.
Khi Benzema được HLV Raymond Domenech gọi vào ĐTQG năm 2007, Giroud thậm chí bị đưa sang cho đội hạng ba ở Pháp là Istres theo diện cho mượn. Giroud chưa bao giờ được gọi vào đá các cấp độ trẻ ĐTQG. Năm 2011, khi 25 tuổi, lần đầu tiên Giroud được HLV Laurent Blanc gọi vào ĐTQG, bởi thành tích bất ngờ của CLB Montpellier ở giải VĐQG Pháp.
Nhưng Giroud là người “biết mình biết người”. Anh tận dụng thời gian 6 năm, từ 2015 đến 2021, khi Benzema vì bất hòa với Deschamps mà không được gọi là ĐTQG, để chiếm lòng tin của Deschamps, xây dựng sự hòa hợp với Antoine Griezmann, Paul Pogba, Kylian Mbappe, theo đó tích lũy các bàn thắng.
Giroud vượt qua Michel Platini, Thierry Henry, lập kỷ lục ghi 53 bàn cho ĐTQG. Trong đó có 28 bàn ghi được trong các trận giao hữu. Nhiều bàn khác ghi vào lưới các đội yếu như Luxembourg, Moldova, Albania.
World Cup 2014, anh ghi được 1 bàn. Tại World Cup 2018, cựu sao Arsenal không có pha lập công nào. Euro 2016, mũi nhọn này ghi được 3 bàn. Thành tích tại Euro 2020 của Giroud cũng giống World Cup 2018. Nhưng kỷ lục vẫn cứ là kỷ lục. Và Giroud vẫn cứ được Deschamps tin dùng.
World Cup 2018, Giroud được dùng như trung phong chim mồi, thu hút các trung vệ đối phương, làm xộc xệch các hàng thủ để Mbappe và Griezmann có khoảng trống đột phá. Hai người kia, mỗi người có 4 bàn. Còn Giroud thì không có bàn thắng nào. Dù có ca ngợi Giroud tận tụy, hy sinh thế nào, một trung phong mà không ghi bàn được thì đó là một thất bại.
Benzema trở lại, rõ ràng Giroud không có cửa cạnh tranh. Benzema làm mọi việc trên sân, ghi bàn, kiến tạo, phòng thủ, lùi xuống để liên kết các tuyến theo bề ngang lẫn bề dọc sân, vừa mới tham gia phòng thủ ở đầu khung thành mình giây trước, giây sau đã bứt tốc theo pha bóng phản công. Một đội Pháp trở nên cơ động hơn nhiều với tài chuyền bóng của Benzema. Nhưng bất hạnh cho Deschamps là anh dính chấn thương.
Deschamps buộc phải trở lại phương án Giroud. Nhưng ông cho Giroud một cách chơi mới: không cần tham gia nhiều vào phòng thủ và xây dựng lối chơi, hiện diện chủ yếu trong vòng cấm đối thủ và đóng vai “kẻ săn trộm”. Giroud ghi 4 bàn tại World Cup này, số bàn nhiều nhất của anh trong một giải đấu lớn, mà mỗi trận anh chỉ chạm bóng chưa quá 20 lần.
Cách Giroud ghi bàn trước khung thành đối thủ cũng y như cách anh “săn trộm” trong sự nghiệp bóng đá của mình, không cần quá tài năng để có một tầm vóc lớn trong lịch sử bóng đá Pháp. Đúng là “kẻ săn trộm” vĩ đại.
Những lựa chọn hợp lý
Sự vá chỗ thứ hai đạt đến độ tuyệt vời của Pháp là cậu em Theo vào thay người anh Lucas Hernandez. Đây không hoàn toàn là “công” của Deschamps. Có hai người đá cánh trái, người này chấn thương, tự khắc người kia có cơ hội.
Deschamps bắt đầu chiến dịch Qatar với hai hậu vệ cánh Lucas và Benjamin Pavard, như tại Nga bốn năm trước. Cả hai cầu thủ này đều phòng thủ tốt, nhiều lần được bố trí chơi trung vệ tại CLB của họ, Bayern Munich.
Nhưng khi “gãy” Lucas thì Theo vào sân tạo thành một thế mới. So với Lucas thì Theo là một hậu vệ cánh phiêu lưu hơn. Và chính điều này tạo ra sự khác biệt cho đội tuyển Pháp.
Theo Hernandez bám biên, hỗ trợ đắc lực cho Mbappe, đẩy Mbappe thuận chân phải vào phía trong nhiều lúc hoạt động giống như một số 10, tham gia vào kiến tạo lối chơi với cả đội. Việc Theo thường trực dâng cao cho phép Pháp có luôn có đến năm cầu thủ ở 1/3 phần cuối sân: Theo, Mbappe, Giroud, Antoine Griezmann và Ousmane Dembele, hơn người so với hàng thủ của đối phương, đảm bảo xé nát các hàng thủ cứng đầu.
Hướng tấn công của Pháp trong các trận qua chủ yếu được tập trung sang trái nhờ sự ăn ý giữa Theo và Mbappe, nhờ sự phiêu lưu của Theo, và sự bùng nổ của Mbappe. Trong khi phòng tuyến của họ luôn đủ người với việc Pavard hoặc Jules Kounde luôn ở lại sân nhà, bó vào giữa tạo thành trung vệ thứ ba, hoặc Aurelien Tchouameni lấp các khoảng trống phía sau cho Theo.
Vậy giữa các cặp Kante – Pogba và Tchouameni – Adrien Rabiot thì sao? Kante “dọn dẹp” tốt hơn Tchouameni, còn Pogba ngẫu hứng hơn Rabiot. Pháp phải nhận hai quả phạt đền trước Anh do lỗi của Theo và Tchouameni, họ cũng suýt phải nhận quả phạt đền nữa do lỗi của Dayot Upamecano có lỗi không nhỏ của việc tuyến giữa chưa che chắn thích hợp cho hàng thủ.
Nhưng đây là giải lớn đầu tiên Tchouameni và Rabiot được đá chính, ông Deschamps chưa có nhiều thời gian chuẩn bị cho họ. Tchouameni và Rabiot chơi được như vậy là vượt quá sự mong đợi. Điềm tĩnh, can thiệp đúng lúc, che chắn hàng thủ kín, điều phối trận đấu nhịp nhàng, Tchouameni cho thế giới biết vì sao Real Madrid bỏ ra 100 triệu euro để đưa anh từ CLB Monaco đầu mùa hè này.
Rabiot là một nhân cách khá phức tạp. Trước World Cup 2018, anh chỉ được Deschamps đưa vào danh sách dự phòng khi cầu thủ nào bị chấn thương trước giải thì sẽ có cơ hội được thế chân vào phút cuối. Nhưng cầu thủ này từ chối.
Sau khi bị loại ở vòng 16 đội Euro 2020, mẹ Rabiot xung đột với cha mẹ của Pogba và Mbappe, tưởng rằng cánh cửa đội tuyển sẽ đóng chặt lại với Rabiot. Nhưng giải này, anh chơi tốt, an toàn hơn Pogba nhiều. Không có những pha bóng bất cẩn làm sụp đổ đội bóng như khi Pogba đưa bóng để Thụy Sĩ gỡ bàn năm ngoái.
Tất cả là nhờ có Griezmann
Nếu so sánh ba đội Pháp tại World Cup 2018, Euro 2020 và World Cup 2022, đội Pháp của Euro 2020 mạnh nhất, nhưng lại kém thành công nhất. Nhưng để giữ đội Pháp không chìm sau các thất bại, kể cả Euro năm ngoái, lẫn chuỗi trận không thắng rất tiêu cực trong năm nay, đó là nhờ sự tài giỏi của Deschamps. Ông biết biến đổi các hệ thống chiến thuật phù hợp với con người ông có trong tay, phát huy điểm mạnh của các cầu thủ, và phong độ của họ trong các thời điểm khác nhau.
Nhưng nếu không có một nhân tố này, Deschamps sẽ khó thành công. Đó là ai? Griezmann, người đã thi đấu 72 trận liên tiếp cho Pháp trong năm năm rưỡi qua, kể từ năm 2017.
Cựu sao Barca xuất phát tất cả trận, dù là vòng loại gặp Luxembourg hay trận giao hữu với Bolivia. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Pháp cũng đều có Griezmann, dù phong độ ở CLB của anh có tốt hay dở. Một sự bền bỉ của cả Griezmann lẫn Deschamps.
Nhờ Griezmann đa nhiệm mà Deschamps mới có được sự linh hoạt trong chiến thuật. Tại World Cup 2014, Griezmann đá số 10 trong sơ đồ 4-3-1-2. Ở Euro 2016, anh là vua phá lưới khi đóng vai tiền đạo thứ hai trong sơ đồ 4-4-1-1. Đến World Cup 2018, Griezmann đá tiền đạo phải trong hệ thống 4-3-3. Euro 2020, anh lại sắm vai số 10 phía sau Benzema và Mbappe trong sơ đồ 3-4-1-2.
World Cup 2022, Deschamps dùng 4-3-3, Griezmann được kéo xuống tuyến giữa. Không có Pogba ở hàng tiền vệ, Jordan Veretout và Eduardo Camavinga không thuyết phục được Deschamps cho vị trí này. Ông yêu cầu Griezmann lùi sâu hơn, đá vào vị trí của Pogba để làm động lực sáng tạo ở tuyến giữa.
Griezmann có hai pha kiến tạo trong trận thắng Anh 2-1. Anh cũng là sự khác biệt lớn nhất giữa Pháp và Anh. Griezmann giúp liên kết các tuyến theo chiều ngang và chiều dọc sân.
Trong khi Anh không có một người như vậy, khi họ phát triển bóng bên phải thì Phil Foden hầu như không tham gia. Lúc “Tam sư” phát triển bóng bên trái, Bukayo Saka vắng mặt. Đội Anh có một cầu thủ biết làm mọi việc như Griezmann, là Jude Bellingham. Đội Anh sẽ tốt hơn trong tương lai nếu biết dùng Bellingham để liên kết các tuyến như Griezmann.
Griezmann phòng thủ tốt hơn người khác, tắc bóng nhiều nhất đội, xuất hiện ở giữa tuyến hậu vệ và tuyến giữa nhiều nhất để đưa bóng lên, và là người có nhiều đường chuyền kiến tạo bàn thắng nhất cho đội Pháp ở giải này, cũng như trong toàn bộ lịch sử ĐTQG.
Đội Pháp dưới triều đại Deschamps không phải của Pogba, Benzema, Mbappe, mà đây là “đội Pháp của Deschamps và Griezmann”.