Chứng chân không yên nếu không được điều trị tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc. Bệnh nhân bị mất ngủ, ban ngày có thể ngủ gà gật, trầm cảm, mệt mỏi.

Bệnh thông thường biểu hiện ở chân nhưng cũng có thể ở tay hoặc thân mình, cử động giúp cho bệnh nhân tạm thời cảm thấy dễ chịu. Ảnh: Shelteredingrace.

BSCKI Nguyễn Hữu Khánh, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TP.HCM, cho biết cảm giác bồn chồn buộc phải cử động một phần cơ thể, nhu cầu này không thể cưỡng lại được, để yên sẽ có cảm giác nhức mỏi, buồn bực, kiến bò, châm chích sâu trong cơ bắp rất khó chịu là những dấu hiệu của hội chứng chân không yên.

Bệnh thông thường biểu hiện ở chân nhưng cũng có thể ở tay hoặc thân mình, cử động giúp cho bệnh nhân tạm thời cảm thấy dễ chịu.

Nguyên nhân

Hai nhóm nguyên nhân là nguyên phát và thứ phát. Nguyên phát sẽ có tính chất di truyền hoặc vô căn. Thứ phát thường gặp nhất là do thiếu sắt. Thiếu sắt có thể liên quan hoặc không liên quan thiếu máu. Phụ nữ có thai và bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cũng dễ bị mắc chứng bệnh này.

Nguyên nhân ít gặp hơn là bệnh suy thận tăng ure huyết, viêm dạ dày, đái tháo đường, bệnh lý khớp.

Một số bệnh có liên quan chặt chẽ với chứng chân không yên là: Parkinson, tổn thương tủy, xơ cứng rải rác, đang điều trị thuốc chống lo âu/trầm cảm….

Chẩn đoán

Theo bác sĩ Khánh, để chẩn đoán bệnh, chuyên gia sẽ dựa vào các tiêu chuẩn:

  • Có cảm giác bất thường ở bên trong bắp thịt của chân (đôi khi cả tay), làm cho bệnh nhân cảm thấy phải cử động chân hoặc tay mới chịu được.
  • Cảm giác bất thường nặng lên khi nghỉ ngơi.
  • Giảm đỡ khi cử động hoặc đi lại.
  • Biểu hiện nặng lên về chiều tối hoặc đêm.

Cảm giác bất thường là cảm giác khó chịu chung chung, có khi như kiến bò, giun bò, châm chích ở bên trong bắp thịt của chân tay, làm cho bệnh nhân phải co duỗi chân tay, gồng bắp thịt, xoa bóp hoặc đập đập vào bắp thịt.

Do cảm giác khó chịu đó, bệnh nhân phải thường xuyên cử động chân hoặc cả tay khi nằm ngủ. Chúng tạo nên một hiện tượng gọi là cử động chân theo chu kỳ trong khi ngủ (Periodic leg movements of sleep – PLMS). Người ta có thể dùng máy để ghi các cử động khi ngủ của người bệnh, giúp cho chẩn đoán chính xác hơn.

chung chan khong yen anh 1

Chứng chân không yên nếu không được điều trị tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc. Ảnh: Freepik.

Điều trị

Chứng chân không yên nếu không được điều trị tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc. Bệnh nhân bị mất ngủ, ban ngày có thể ngủ gà gật, trầm cảm, mệt mỏi, mất tập trung chú ý.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hữu Công, Bệnh viện Quân Y 7A, TP.HCM, chứng chân không yên là một bệnh rất hay gặp, lại điều trị được. Cách điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh.

Nếu bệnh ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp sau đây mà không cần dùng thuốc:

– Đi bộ, đi bơi hoặc làm động tác căng kéo bắp thịt; tắm nước nóng hoặc nước lạnh, tập thuyền hoặc yoga, massage vùng chân hoặc tay bị bệnh.

– Đi ngủ đều đặn theo một giờ nhất định, khi đi ngủ đừng đọc sách báo, xem điện thoại hoặc làm việc trên giường. Trước khi đi ngủ, bạn nên tránh tranh thủ chợp mắt trước đó, tỉnh dậy một lúc rồi mới đi vào giấc ngủ chính; tránh uống trà, cà phê hoặc rượu trước ngủ.

– Không dùng thuốc lợi tiểu trước khi đi ngủ.

Một số thuốc có thể làm cho bệnh nặng lên: Thuốc chống trầm cảm (đặc biệt là amytriptyline liều cao), thuốc hạ huyết áp loại ức chế canxi, các thuốc chữa chóng mặt nôn ói, phenytoin.

Nếu bệnh đã ở mức trung bình hoặc nặng, bạn phải dùng thuốc để điều trị. Sau đây là một số thuốc được các bác sĩ hay dùng:

– Levodopa có tác dụng rất tốt nhưng do tác dụng phụ lâu dài của nó nên các bác sĩ hạn chế dùng.

– Các thuốc đồng vận dopamine là những thuốc hàng đầu để điều trị. Những thuốc được cho phép sử dụng tại Mỹ là: Pramipexole, ropinirole, rotigotine. Tại Việt nam, hiện mới có pramipexole được phép lưu hành.

– Các thuốc khác: Thuốc chống động kinh (gabapentin, carbamazepine), thuốc an thần loại benzodiazepines (clonazepam, nitrazepam), nhóm thuốc á phiện (oxycodone, propoxyphene, methadone). Một số nhóm thuốc khác như clonidine, propranolol.

– Bổ sung sắt nếu nồng độ ferritin trong máu bị thấp.

Theo Phương Anh (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link