Bạn nên sửa tư thế ngồi, ít cúi đầu chơi điện thoại, tập thể dục như bơi, chọn gối tốt khi ngủ… để có cột sống cổ khỏe mạnh.
Đặng Kim Phong, giáo sư chỉnh hình tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc tỉnh Quảng Đông, thường nói: “Muốn giữ gìn sức khỏe, trước tiên phải dưỡng xương, muốn dưỡng xương thì phải dưỡng cổ”. Nói cách khác, muốn khỏe mạnh, xương cốt phải chắc khỏe, nhất là cột sống cổ phải thẳng và dễ dàng cử động. Dưới đây là ba cách giúp bạn có cột sống cổ khỏe mạnh, nâng cao sức khỏe.
1. Sửa tư thế xấu, đừng ít vận động và tránh cúi đầu
Các tư thế xấu như ngồi làm việc lâu trên bàn giấy, cúi đầu nghịch điện thoại, nhìn thẳng vào máy tính… sẽ khiến các cơ quanh cổ luôn trong tình trạng bị kéo căng, lâu dài khiến bạn bị cứng cổ. Cột sống cổ cũng sẽ thay đổi theo, độ cong sinh lý dần biến mất, thẳng ra và bị đảo ngược độ cong tự nhiên.
Điều này sẽ ảnh hưởng tới sự cân bằng của toàn bộ cột sống, gây thoái hóa đĩa đệm và chèn ép dây thần kinh. Ngoài ra, việc cúi đầu cũng gây ra áp lực lên cột sống cổ. Nếu chèn ép cột sống cổ trong thời gian dài sẽ gây mỏi cơ, đau lưng, tạo thành bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
Lưu ý:
Khi ngồi, không được cúi lưng hoặc chúi cổ về phía trước.
Cứ sau nửa giờ làm việc hoặc học tập, bạn nên đứng dậy đi lại ít nhất 5 phút.
Điều chỉnh màn hình máy tính ngang tầm mắt, điều chỉnh độ cao của bàn và ghế sao cho vai chùng xuống tự nhiên, khuỷu tay gập một góc 90 độ, mắt hướng thẳng về phía trước khi nhìn vào máy tính.
Khi nhìn vào điện thoại di động, hãy áp dụng tư thế tiêu chuẩn, tức là dùng tay trái nâng điện thoại di động lên ngang tầm nhìn và dùng tay phải đỡ khuỷu tay trái.
2. Tập thể dục vừa phải
Sau mỗi ngày làm việc và học tập, nên vận động hợp lý, tốt cho cột sống cổ. Bơi lội, cầu lông, chạy bộ, yoga… đều là những bài tập có lợi cho sức khỏe cột sống cổ, trong đó bơi lội và cầu lông được đặc biệt khuyến khích.
Khi bơi, cột sống cổ được thư giãn và kéo dài, có thể duy trì tốt độ cong sinh lý bình thường. Đồng thời, vận động dưới nước giúp giảm tác động lên cột sống cổ khi vận động trên mặt đất.
Khi mọi người chơi cầu lông, đầu nên thỉnh thoảng quay và di chuyển theo hướng của quả bóng, và cổ nên di chuyển nhiều hơn. Môn thể thao này hiệu quả cho cơ cổ và lưng, tăng sức căng cơ và đạt được mục đích duy trì sự ổn định của cột sống cổ. Tuy nhiên, môn cầu lông vận động nhiều nên phải thực hiện các bài khởi động trước khi tập để tránh những chấn thương khi chơi thể thao không đáng có.
Lưu ý: Các bài tập cho bệnh nhân thoái hóa đốt sống cổ khi chơi thể thao cần thực hiện dưới sự hướng dẫn của người có chuyên môn.
3. Chọn gối phù hợp
Chọn một chiếc gối có khả năng nâng đỡ tốt hơn, có lợi cho việc nâng đỡ cột sống cổ mọi lúc và duy trì độ cong của cột sống cổ trong khi ngủ.
Ba tiêu chí cho một chiếc gối tốt:
– Chiều cao gối: Bằng chiều cao nắm tay của chính bạn ở chiều thẳng đứng.
– Kích thước gối: Chiều dài lớn hơn chiều rộng vai của bạn khoảng 15 cm và chiều rộng lớn hơn 30 cm.
– Gối: Có độ cứng vừa phải, độ thoáng khí tốt.
Lưu ý: Bệnh nhân thoái hóa đốt sống cổ nên điều chỉnh gối bất cứ lúc nào tùy theo tình trạng bệnh dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Khi dùng điều hòa và quạt vào mùa hè, cần lưu ý không để cột sống cổ bị lạnh, nếu không sẽ dễ dẫn đến khí huyết tại chỗ kém lưu thông, từ đó dẫn đến căng cơ và co thắt vùng cổ.
Ngoài ra, không phải bệnh thoái hóa đốt sống cổ nào cũng thích hợp để xoa bóp và nếu thực hiện không đúng dễ gây ra hội chứng đau cân cơ.
Theo Hằng Trần (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H