“Squid Game: The Challenge” hứng chỉ trích từ lúc mới ghi hình đến khi lên sóng. Người chơi tố bị ban tổ chức đối xử vô nhân đạo, khiến tinh thần và thể chất tổn thương.

Squid Game: The Challenge do Anh sản xuất, dựa theo format phim truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc, thu hút 456 thí sinh cạnh tranh để giành 4,56 triệu USD – giải thưởng tiền mặt lớn nhất trong lịch sử truyền hình thực tế của Netflix. Cuộc thi không phản ánh mức độ sinh tử và các đối thủ rất nghiêm túc về cách tiếp cận trò chơi.

Thông qua game, người chơi “bị đẩy đến giới hạn cùng cực và buộc phải tự hỏi bản thân xem họ sẽ giành chiến thắng đến đâu giữa các liên minh cơ hội, chiến lược tàn khốc và sự phản bội xấu xa theo sau”.

Mặc dù chương trình đứng đầu các bảng xếp hạng, nó đã bị giám sát chặt chẽ sau khi các thí sinh lên tiếng phàn nàn về điều kiện ghi hình, cáo buộc ban tổ chức gian lận đối với một số người chơi.

Người chơi tố bị tổn thương, hạ thân nhiệt

Theo NBC News, hai người chơi ẩn danh dọa kiện nhà sản xuất khi cho rằng mình bị hạ thân nhiệt và tổn thương thần kinh sau trò bắn súng. Express Solicitors – công ty luật đại diện hai người này – được cho là đã gửi thư cảnh cáo đến Studio Lambert, đồng sản xuất chương trình.

Trong bài đăng trên web, Express Solicitors xác nhận các thí sinh yêu cầu Daniel Slade, Giám đốc điều hành (pháp lý) của công ty, “giúp họ đòi bồi thường những tổn thương mà người chơi phải chịu trong quá trình quay hình vào tháng 1”.

Slade nói trong tuyên bố: “Họ đã vượt khỏi ranh giới an toàn dưới danh nghĩa giải trí. Công ty sản xuất cần đảm bảo các tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn trong chương trình của họ không khiến người chơi gặp nguy cơ bị tổn hại”.

Hiện, Express Solicitors và Studio Lambert không trả lời vấn đề này. Song, đơn vị phát sóng show là Netflix đã trần trình trên Deadline: “Không có bất kỳ thí sinh nào của Squid Game đệ đơn kiện. Chúng tôi cực kỳ coi trọng quyền lợi thí sinh”.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Hollywood Reporter, Tim Harcourt – một trong những nhà sản xuất chương trình – cũng quyết liệt bảo vệ Squid Game: The Challenge.

“Chương trình là sự phê phán việc tính cạnh tranh cực độ đã ăn sâu trong tiềm thức chúng ta khi tham gia những trò chơi này từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, show bàn đến cách mọi người cư xử, đối mặt với áp lực – đó là điều khiến các chương trình truyền hình thực tế trở nên thú vị”, Harcourt nhấn mạnh.

Giới truyền thông cho biết, những người đứng sau Squid Game lường trước rủi ro bị soi mói đến từng chân tơ kẽ tóc nên đã ra sức bênh vực “đứa con” của mình ngay từ đầu.

Trở lại tháng 1, Variety đưa tin 3 người chơi được chăm sóc y tế sau trò mở đầu “Đèn xanh, đèn đỏ”. Quá trình ghi hình diễn ra trong thời tiết âm độ C ở Anh, khiến nhiều người bị sốc nhiệt và ngất xỉu. Việc thí sinh bị bỏ mặc lạnh cóng ra sao trong nhà chứa máy bay ở Bedford sau trò chơi giữ tư thế giống bức tượng trong gần 30 phút, cũng được nhắc đến.

Một thí sinh giấu tên bức xúc tố “các điều kiện hoàn toàn vô nhân đạo”. Một người khác chia sẻ: “Chúng tôi đều tổn thương sau trải nghiệm kinh hoàng đó”.

Tình hình thay đổi sau 4 tập phát sóng

Sau khi lên sóng vào tháng 11, hình ảnh của Squid Game: The Challenge thay đổi theo hướng tích cực hơn. Không chỉ nhận được nhiều bình luận khen ngợi từ khán giả và người chơi, show thậm chí được so sánh với các chương trình cạnh tranh nổi tiếng khác, chẳng hạn Survivor của CBS.

“Gây nghiện”, “Khá thú vị cho người xem”… là phản ứng NBC News ghi nhận từ khán giả. Trên các diễn đàn bắt đầu bàn luận sôi nổi về người chơi giỏi, có tiềm năng tiến sâu hoặc người chơi tệ.

Bryton Constantin (23 tuổi, người chơi số 432), người đã bỏ học học kỳ cuối đại học ở Clemson, cho biết: “Tôi không đến đó ngồi một góc và hy vọng giành được 4 triệu USD. Tôi muốn chơi vui vẻ và tận hưởng trải nghiệm trọn vẹn”.

Squid Game: The Challenge có sự đầu tư hoành tráng về hình ảnh, bối cảnh. Ảnh: Netflix.

Squid Game: The Challenge tái tạo các yếu tố của bản gốc một cách gần gũi nhất có thể, từ búp bê robot khổng lồ, đến dãy cầu thang uốn lượn màu hồng phấn. 456 người chơi đến từ khắp nơi trên thế giới, tất cả đều nói tiếng Anh. Điểm khác biệt lớn nhất là người chơi không phải đối mặt với cái chết như trong phim. Netflix đã lưu ý ngay từ đầu khi công bố chương trình rằng: “Thắng hay thua, tất cả người chơi sẽ bình yên vô sự. Nhưng nếu bạn thắng, bạn sẽ thắng lớn”. Trong chương trình, một vệt mực được bắn vào người chơi thay cho dấu hiệu bị loại.

Bence Nanay, giáo sư triết học tại Đại học Antwerp ở Bỉ, lý giải nguyên nhân show bị mang tiếng hạ nhục người khác lại thu hút đến vậy. Nanay nói: “Hiểu đơn giản họ hâm mộ cuồng nhiệt loại game sống còn này. Họ không đến vì tiền, và thậm chí tự bỏ tiền túi để trải nghiệm cảm giác hồi hộp”. Chia sẻ với NBC News, người chơi Dani Templet cho biết chủ đề cạnh tranh tư bản tàn nhẫn được nêu bật trong Squid Game gốc giống hệt với trải nghiệm của chính cô trong trò chơi.

“Biết rằng tiền thưởng 4,56 triệu USD chắc chắn tạo động lực cho tôi cố gắng chơi tốt hơn. Tuy nhiên, khi tham gia game, tôi lại chú trọng vào cảm giác chân thực, vào trải nghiệm mà mình có được hơn cả”. Templet nói thêm, cô thực sự muốn ra ngoài, đi du lịch, gặp gỡ bạn bè mới. Nhờ vậy, cuộc sống trở nên thú vị hơn.

“Tôi cảm thấy như mình đang trải qua những chuyển động khác của cuộc sống và tôi xem đây là cơ hội tuyệt vời để tích lũy thêm kinh nghiệm”, cô bày tỏ. Đến lúc này, Squid Game: The Challenge đã tung ra 4 tập. Khen có, chê có, song không thể phủ nhận sự bàn tán đã giúp show gây chú ý. Chương trình bao gồm 5 tập và người chiến thắng sẽ lộ diện vào ngày 6/12.

Theo Quốc Minh (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link