1. Finalissima bắt đầu từ 1985
Finalissima hay còn được gọi là “Artemio Franchi Cup” – được đặt theo tên của Artemio Francho, cố chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), người đã qua đời trong một vụ tai nạn đường bộ vào năm 1983. Finalissima là trận đấu giữa nhà vô địch Nam Mỹ và châu Âu bắt nguồn từ năm 1985. Ở trận đấu đầu tiên trong lịch sử tại Công viên các Hoàng tử, ĐT Pháp đã đánh bại Uruguay với tỷ số 2-0 và trở thành đội bóng đầu tiên vô địch.
2. Argentina là đương kim vô địch
Trước trận đụng độ giửa Argentina và Italia tại Wembley rạng sáng mai (02/06), đã có 2 trận Finalissima. Trận đầu tiên đã được đề cập ở trên và trận thứ 2 diễn ra vào năm 1993. Đó là một cuộc chạm trán tại Estadio José María Minella (Argentina) và đội chủ nhà đã giành chiến thắng 5-4 sau loạt sút luân lưu (hai đội hòa 1-1 trong thời gian 120 phút). Như vậy, Lionel Messi và các đồng đội sẽ kế thừa những bậc đàn anh với tư cách là nhà đương kim vô địch.
3. Không hiệp phụ
Khác với trận đấu diễn ra cách đây 29 năm, trận Finalissima thứ 3 sẽ không thi đấu hiệp phụ. Cả 2 đội nếu sau 90 phút thi đấu chính thức không ghi được bàn sẽ phải giải quyết thắng thua bằng loạt sút luân lưu cân não. Italia có lẽ sẽ có được một chút lợi thế khi họ từng đánh bại cả Tây Ban Nha và Anh cũng tại Wembley trong hành trình xưng vương ở EURO 2020.
4. Tạm biệt Chiellini
Trận Finalissima sẽ là trận đấu cuối cùng của Giorgio Chiellini trong màu áo Thiên Thanh. Anh cũng đã có trận đấu cuối cùng trong màu áo Juventus vào cuối tháng 5 vừa qua. Sự nghiệp quốc tế của người cận vệ già của bóng đá Italia có được điểm nhấn với chiếc cúp vô địch EURO 2020, Á quân EURO 2012, 2 lần về thứ 3 ở Cúp Liên lục địa và Nations League. Rất có thể anh sẽ được tung ra sân ở trận gặp Argentina và nhận sự tri ân từ các đồng đội cũng như NHM.
5. Bắt nguồn của Cúp Liên lục địa
Từ ý tưởng của trận Finalissima diễn ra vào năm 1985, Cúp Liên lục địa mới bắt đầu được ra đời. Ban đầu giải đấu mang tên King Fahd Cup với sự góp mặt của đội chủ nhà Saudi Arabia và nhà vô địch của các châu lục. Sau 2 lần tổ chức (1992 và 1995) đến năm 1997, giải đấu được chính thức đổi tên thành FIFA Confederations Cup (Cúp Liên lục địa) với sự tham gia của các nhà vô địch châu lục.
Tính đến thời điểm hiện tại, ĐT Brazil là đội vô địch Cúp Liên lục địa nhiều nhất (4 lần), tiếp theo là Pháp 2 lần, các đội tuyển Argentina, Đức, Mexico và Đan Mạch có 1 lần đăng quang.