Bóng đá Argentina luôn chứa đựng mâu thuẫn. Một mặt vừa tôn sùng vẻ đẹp, tôn sùng số 10 cổ điển hơn bất kỳ nền bóng đá nào khác. Một mặt lại rất hiếu chiến, thô bạo, cục súc, nhiều thể lực, cảm tưởng có nhiều kẻ hủy diệt hơn là những người sáng tạo mà ta có thể thấy thường xuyên trong các trận đấu ở giải vô địch quốc gia của họ. Người Argentina coi trọng cả hai, sự hiếu chiến và tính nghệ thuật.
Rất ít đội dám dùng chiến thuật “gegenpressing”
Hiếu chiến không phải quá tệ, khi được thể hiện đúng cách và tích cực, nó là một giá trị quý báu trong bóng đá. Tại Qatar, nó được Argentina thể hiện đúng cách, khi họ có bóng lẫn khi không có bóng. Nhờ sự hiếu chiến, kiểu chơi của Argentina khá giống với chiến thuật “gegenpressing” mà HLV Jurgen Klopp áp dụng tại CLB Borussia Dortmund, sau đó là tại CLB Liverpool.
“Counter-attack” nghĩa là “phản công”. “Gegenpressing” tức là “counter-pressing” mang nghĩa “phản ép”. Bạn đang tấn công gây sức ép lên đối thủ, khi bạn mất bóng, bạn phải lùi về chống đối thủ lên bóng tấn công. Nhưng bạn không làm điều đó, bạn lập tức ập vào tranh bóng luôn trên phần sân đối thủ, đó gọi là “gegenpressing”.
Về mặt chiến thuật, bóng đá bình diện ĐTQG có xu hướng tụt hậu so với bóng đá cấp CLB. Vì các HLV ĐTQG không có nhiều thời gian trên sân tập với các cầu thủ như các đồng nghiệp làm việc ở CLB. Họ không thể đào sâu các khái niệm cho các cầu thủ của mình, trừ khi cầu thủ đã quen với chúng ở cấp CLB.
Trong khi đó, “gegenpressing” là một dạng chiến thuật rất khó thực hiện. Nó đòi hỏi các cầu thủ, các tuyến phải có sự gắn kết gần như hoàn hảo. Không nhiều CLB làm được điều Liverpool làm. Đôi khi chính Klopp cũng bất an và lối chơi này của Liverpool bị gãy vì một vài mắt xích không có thể trạng và tinh thần tốt. Nên việc Argentina thực hiện được chiến thuật này thì quả đáng khen ngợi.
“Gegenpressing” của Argentina có cường độ mãnh liệt
Chiến thuật này bây giờ dễ thực hiện hơn một chút vì mỗi đội có năm quyền thay người trong mỗi trận đấu. Khi trước, được thay có ba người, thể lực của các cầu thủ khó đảm bảo duy trì sức ép như vậy thường xuyên.
Argentina nhìn chung đã cẩn thận với những đường chuyền tấn công của họ. Tất nhiên có đường chuyền hỏng vì sự can thiệp tích cực của Ba Lan. Nhưng sau mỗi đường chuyền hỏng, nhiều cầu thủ Argentina lao vào để giành lại bóng một cách nhanh chóng. Ba Lan gần như không có bóng để thực hiện phản công. Robert Lewandowski bị cô lập ở phía trên, đói bóng một cách tồi tệ.
“Gegenpressing” của Argentina còn được đặc trưng bởi hai pha tắc bóng cực kỳ quyết liệt. Ví dụ pha Nicolas Otamendi lao vào Przemyslaw Frankowski xứng đáng ít nhất là một thẻ vàng. Rodrigo De Paul cũng thoát khỏi thẻ sau pha quăng cả hai chân vào Bartosz Bereszynski. Các trọng tài tại giải đấu này có vẻ “tiết kiệm” thẻ phạt, đặc biệt là thẻ đỏ, điều này chắc chắn có lợi cho Argentina trong các trận tới.
Trong trận gặp Saudi Arabia và Mexico, chiến thuật của Argentina chưa được vận hành hiệu quả lắm. Vì Saudi chủ động đưa phòng tuyến của họ dâng cao, Argentina mất bóng hay giành lại ngay thì bóng cũng chỉ quanh quẩn ở gần giữa sân, xa khung thành Saudi. Còn Mexico bám sát một bắt một với các cầu thủ Argentina nên họ không phối hợp với nhau được. Có giành lại bóng cũng khó tìm người để chuyền bóng.
Chỉ đến khi Mexico đuối sức vì lối chơi này, lùi lại dần về khung thành của mình, Argentina mới có điều kiện thực hiện “gegenpressing” và giành được thành quả. Trận cuối, Ba Lan dựng chiếc xe buýt trước khung thành của họ là điều kiện lý tưởng để Argentina triển khai “gegenpressing”.
Argentina kiểm soát bóng 74% thời gian trận đấu, chơi gần như trên nửa sân của Ba Lan, khiến đội bóng châu Âu này không có mảy may ý định lao lên kiếm bàn gỡ hòa, chỉ cố sao không thua thêm bàn, chờ đợi may mắn lọt vào vòng sau qua việc ít hơn Mexico về số thẻ phạt.
La Albiceleste năng động, tươi mới với bộ ba cầu thủ trẻ
Thay đổi nhân sự cũng là yếu tố khiến Argentina thực hành “gegenpressing” hiệu quả hơn vì lối chơi này cần thể lực tốt. Các cầu thủ trẻ Julian Alvarez, Enzo Fernandez, Alexis Mac Allister sung mãn hơn những người họ thay thế như Leandro Paredes, Papu Gomez.
Bộ ba trẻ nói trên là những người mới, không có trong đội hình dự Copa America năm ngoái, không mang nhãn là nhà vô địch Nam Mỹ, nên sự kỳ vọng và sức ép lên họ ít, tâm lý họ thoải mái hơn. Họ mang đến sự năng động và tươi mới cho đội bóng. Họ đều đã ghi bàn cho đội tuyển Argentina. Mỗi người một bàn, và hai bàn còn lại của Lionel Messi.
Hai trận đầu, Argentina vào trận với hệ thống 4-4-1-1, với Lautaro Martinez đá trung phong, phía sau là Messi đóng vai trò số 10. Vào trận gặp Ba Lan, Martinez ngồi ngoài, Alvarez thế chỗ, Argentina chơi với hệ thống 4-3-3, Messi đóng vai trò số 9 ảo, Angel Di Maria và Alvarez ở hai cánh. Alvarez đa năng hơn Martinez vì vừa đá tốt ở cánh, vừa đá tốt vị trí trung phong. Lúc Alvarez ghi bàn thứ hai cho Argentina ở phút 67, anh đang chơi số 9 đích thực khi HLV Lionel Scaloni xoay sang dùng hệ thống 4-4-1-1.
Khi còn sung sức ở Barca, Messi có thể cùng lúc đóng hai vai trò số 9 và số 10. Giờ anh không còn sự bùng nổ như vậy, anh phải lựa chọn một trong hai vai. Nhưng dù là vai nào thì Messi cũng là thiên tài, anh lừa bóng solo, anh chuyền bóng, anh dứt điểm. Có vẻ như ở vai số 10 anh bị cô lập nhiều hơn so với vai số 9 ảo.
Ở hai trận đầu, De Paul được bố trí ở giữa sân trong vai của “người chia bài”, trận này anh được đẩy lên cao chếch về phía phải. Sự máu lửa trong phong cách thi đấu của anh hợp với chiến thuật “gegenpressing”, mất bóng là cố gắng giành lại bóng ngay. Thế chỗ cho De Paul ở vai trò tiền vệ lùi sâu là Enzo Fernandez cũng chơi một trận hay.
Fernandez có sự điềm tĩnh và tốc độ đáng nể. Anh được giao canh chừng Lewandowski. Mỗi lúc bóng hướng đến Lewandowski là Fernandez xuất hiện, đánh cắp trái bóng ngay trước mũi trung phong chủ công Ba Lan. Khi Paredes vào sân, Fernandez được đẩy cao lên phía trái, lập tức tận dụng sự tự do mới có của mình, dắt bóng về phía trước, chuyền cho Alvarez ấn định tỉ số 2-0.
Đối thủ sắp tới của Argentina là Úc, và tiếp theo là Hà Lan hoặc Mỹ là những đối thủ không mạnh, có không ít điểm yếu. Argentina có thêm cơ hội để mài dũa lối chơi “gegenpressing” trước khi gặp các đối thủ lớn hơn.