BBC quay lưng với lễ khai mạc World Cup - Bóng Đá

 BBC phớt lờ lễ khai mạc World Cup 2022 để phát sóng chương trình lên án cách Qatar đối xử với lao động nhập cư và người đồng tính. Ảnh: Guardian.

Khi chính phủ Qatar quyết định chi hàng triệu USD cho lễ khai mạc World Cup với sự góp mặt của Morgan Freeman, Jungkook (BTS) và hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn, có lẽ họ hy vọng đây sẽ là thời điểm truyền thông toàn cầu tập trung vào bóng đá hơn là vấn đề nhân quyền.

Điều họ không ngờ tới là BBC đã bỏ qua toàn bộ sự kiện, theo Guardian.

Kỳ World Cup gây tranh cãi nhất

Thay vào đó, nhà đài phát sóng một chương trình chỉ trích cách đối xử với lao động nhập cư, người đồng tính ở Qatar và nêu bật nạn tham nhũng tại FIFA. Và đó chỉ là trong hai phút đầu tiên.

“Đây là kỳ World Cup gây tranh cãi nhất trong lịch sử dù chưa một quả bóng nào lăn”, người dẫn chương trình Gary Lineker của BBC nói hôm 20/11.

“Kể từ khi FIFA chọn Qatar vào năm 2010, quốc gia này đã phải đối mặt với một số câu hỏi lớn – từ cáo buộc tham nhũng trong quá trình đấu thầu đến việc đối xử với những công nhân nhập cư đã xây dựng các sân vận động. Đồng tính luyến ái là bất hợp pháp ở đây”, ông Lineker nói.

“Trong bối cảnh đó, một giải đấu sẽ được tổ chức. Một giải đấu sẽ được xem và thưởng thức trên toàn thế giới. Như FIFA nói, hãy tập trung vào bóng đá. Chúng ta sẽ làm điều đó trong ít nhất vài phút”, ông nói thêm.

Theo sau đó là những dữ liệu bóc tách các thủ đoạn chính trị và tham nhũng để đưa những cầu thủ giỏi nhất thế giới tề tựu về Doha giữa mùa đông châu Âu.

Trong chương trình của BBC, ngay cả những cựu cầu thủ đến phân tích trận đấu cũng đã phá vỡ định kiến rằng chính trị và bóng đá nên tách biệt.

Chẳng hạn, cựu tuyển thủ Anh Alex Scott đã chế nhạo người đứng đầu FIFA Gianni Infantino, vì ông Infantino nói rằng bản thân đồng cảm với những người lao động nhập cư và chi phí tham dự World Cup.

“Ông sẽ không bao giờ biết trở thành một công nhân nhập cư là như thế nào. Đừng tiếp tục nói bóng đá dành cho tất cả. Không phải như vậy”, Scott chia sẻ.

BBC quay lưng với lễ khai mạc World Cup - Bóng Đá

 Các công nhân làm việc ở sân vận động Lusai của Qatar. Ảnh: Reuters.

Cựu đội trưởng tuyển Anh Alan Shearer còn đi xa hơn. “Nếu ông ấy đồng cảm với các lao động nhập cư và gia đình họ, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã yêu cầu FIFA bồi thường chỉ hơn 400 triệu USD nhưng tại sao FIFA không đồng ý?”, Shearer hỏi.

BBC từ chối giải thích lý do họ chuyển việc đưa tin về lễ khai mạc – theo truyền thống là cơ hội để các nước chủ nhà thể hiện quyền lực mềm trên toàn thế giới – sang chương trình phát sóng riêng như vậy.

Bức tranh trái ngược

BBC đã tạo ra một bức tranh trái ngược vào đêm khai mạc World Cup. Tại các quốc gia khác, khán giả nhìn thấy Jung Kook – một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất thế giới – biểu diễn ca khúc mới với ca từ đầy cảm hứng: “Hãy nhìn xem chúng ta là ai, chúng ta là những người mơ mộng. Chúng ta sẽ biến (mọi thứ) thành hiện thực vì chúng ta tin vào điều đó”.

Cùng lúc đó, khán giả của BBC One đang xem người dẫn chương trình Ros Atkins giới thiệu cuộc phỏng vấn với Tổ chức Ân xá Quốc tế và tuyên bố: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy một kỳ World Cup nào có lượng khí thải carbon như thế này trước đây”.

BBC quay lưng với lễ khai mạc World Cup - Bóng Đá

 Các công nhân làm việc tại sân vận động Lusail, nơi tổ chức trận chung kết World Cup 2022. Ảnh: Reuters.

Cùng khung giờ phát sóng với chương trình của BBC, Al Jazeera – kênh tin tức tổng hợp bằng tiếng Anh do chính phủ Qatar tài trợ – cũng có một chương trình điểm lại quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup 2022. Trong đó, kênh tin tức này thừa nhận một số lời chỉ trích với Qatar, song họ tập trung nhiều hơn vào “những tiến bộ đáng kinh ngạc trong cơ sở hạ tầng” ở Doha.

Al Jazeera phát sóng hình ảnh các nhân viên xây dựng đang gặp đội tuyển Anh, với lời dẫn: “Nếu không nhờ thể thao, hai nhóm người này – với ngôn ngữ và nguồn gốc khác nhau – có thể chưa bao giờ gặp mặt. Nhưng bóng đá đã khiến họ xích lại gần nhau”.

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link