UEFA sẽ bỏ Luật công bằng tài chính (FFP) và áp dụng một giải pháp mới cho bóng đá châu Âu kể từ năm 2024. FFP được cho là lỗi thời và không thể đem lại công bằng cho bóng đá châu Âu sau chiến thắng của Man City trong vụ kiện chống lại Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) năm 2020.
Doanh thu là chìa khóa
Các quy định tài chính mới của UEFA sẽ ràng buộc chi tiêu chuyển nhượng với doanh thu của một đội bóng. Một CLB sẽ không thể chi tiêu quá 70% doanh thu họ kiếm được. Tuy nhiên, ràng buộc mới của UEFA được dự báo không thể làm khó Paris Saint-Germain hay Man City.
Thậm chí, hai đội bóng sống nhờ nguồn tiền dầu mỏ có thể mạnh hơn với quy định mới từ UEFA. Với quy định mới này, các đội bóng muốn chi tiêu nhiều hơn cần cải thiện khả năng kiếm tiền.
Chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin, luôn bày tỏ quan điểm muốn các CLB của lục địa già phát triển bền vững hơn trong tương lai. Ông Ceferin cũng sẽ tăng cường các biện pháp giám sát quỹ lương, phí chuyển nhượng và hoa hồng cho người đại diện của các đội bóng.
UEFA cũng nới lỏng mức lỗ trong 3 năm liên tiếp của một CLB, từ 30 triệu euro như hiện tại lên mức 60 triệu euro, với điều kiện những khoản lỗ đó phải được chủ sở hữu đội bóng chi trả. Điều này vô tình giúp Man City và PSG, những đội bóng mà hai ông chủ không ngại bỏ tiền túi ra để đầu tư, hưởng lợi.
Doanh thu của cả PSG lẫn Man City tăng vọt kể từ thời điểm các ông chủ Trung Đông mua lại hai CLB này. Đầu tuần này, Man City lần đầu tiên trở thành CLB có doanh thu cao nhất thế giới, qua mặt Real Madrid, Bayern Munich, Barcelona và Man United.
Mùa giải 2020/21, Man City có doanh thu lên tới 644,9 triệu euro (theo thống kê từ Deloitte). Bất chấp những lời chỉ trích rằng doanh thu của Man City tăng một cách “không tự nhiên”, khi dựa nhiều vào những bản hợp đồng tài trợ sân sau từ Hoàng thân UAE, việc CLB này soán ngôi của Real Madrid là lời khẳng định rõ ràng nhất cho vị thế mới của họ.
Một khi UEFA áp dụng quy định mới về quản lý tài chính, Man City hoàn toàn có thể rũ sạch các khoản nợ (do chủ sở hữu chi trả – PV) và từ đây, họ có một “vỏ bọc” mới hoàn hảo trong việc vận hành CLB.
Newcastle United sẽ gặp thách thức
Với PSG, mọi chuyện cũng trở nên sáng sủa hơn nếu UEFA áp dụng điều chỉnh mới. Đội bóng nước Pháp thậm chí chưa bao giờ bị phạt nặng như Man City. Trong danh sách các CLB bóng đá kiếm tiền giỏi nhất châu Âu mùa trước, PSG đứng thứ 6. Họ xếp trên cả Liverpool, Chelsea hay Juventus.
Theo New York Times, kế hoạch của UEFA là ban đầu cho phép các đội có thể tiêu tới 90% số tiền trong doanh thu, sau đó điều chỉnh dần xuống còn 70% qua từng năm. Điều này tạo điều kiện cho các đội bóng như PSG hay Man City dễ dàng hơn trong việc mua sắm, bởi các ông chủ của họ có thể bơm tiền gián tiếp thông qua những bản hợp đồng tài trợ.
Dự thảo mới của UEFA có thể không gây khó cho Man City hay PSG, những đội đang đạt vị thế nhất định về mặt doanh thu ở bóng đá châu Âu. Tuy nhiên, các CLB mới nổi đang có tham vọng vươn tầm như Newcastle United sẽ gặp nhiều thách thức.
“Chích chòe” được Quỹ Đầu tư công Saudi Arabia (PIF) mua lại với giá 300 triệu bảng vào năm ngoái. Tham vọng của các ông chủ Saudi Arabia là biến đội bóng vùng Tyneside trở thành thế lực cạnh tranh sòng phẳng với Man City hay Liverpool.
Tiềm lực của PIF cũng không kém các ông chủ Man City hay PSG, nếu không muốn nói là hơn. Dẫu vậy, doanh thu hiện tại của Newcastle có khoảng cách khá xa nếu so sánh với Liverpool, Manchester City hay các đội bóng hàng đầu khác.
Đội chủ sân St.James’ Park chỉ kiếm về 153 triệu bảng tiền doanh thu ở mùa giải 2019/20, kém Man City hơn 3,5 lần.
Sẽ không dễ để các ông chủ Saudi Arabia “lột xác” Newcastle United trong thời gian ngắn chỉ bằng việc vung tiền trên thị trường chuyển nhượng. Họ có thể phải mất nhiều thời gian và kiên nhẫn hơn nếu muốn đưa “Chích chòe” vươn tầm.