Người hâm mộ Chelsea chia nửa buồn vui khi nghe thông báo khẳng định bán CLB của tỷ phú Roman Abramovich hồi đầu tháng 3. Đến cuối cùng, người đàn ông 55 tuổi vẫn bày tỏ tình yêu với Chelsea và sẵn sàng xóa khoản nợ 1,6 tỷ bảng của đội bóng.
“Tôi sẽ không yêu cầu hoàn trả bất cứ khoản nợ của CLB (đối với tôi – PV)”, Chelsea dẫn lời ông Abramovich. “Đối với tôi, việc sở hữu Chelsea chưa bao giờ là hoạt động kinh doanh. Tình yêu của tôi dành cho Chelsea là niềm đam mê thuần túy với môn thể thao vua”.
Tuy nhiên, theo The Times, lệnh trừng phạt của chính phủ Anh không cho phép ông làm vậy. Thế nên, Abramovich có ý định đòi lại số nợ 1,6 tỷ bảng từ Chelsea. Động thái của Abramovich có thể đẩy đội chủ sân Stamford Bridge vào cuộc khủng hoảng mới.
Đe dọa sự tồn vong
Sky Sports cho hay việc làm của Abramovich có thể ảnh hưởng tới sự tồn vong của Chelsea sau khi mùa giải này khép lại. Quá trình đàm phán mua lại Chelsea chắc chắn không còn diễn ra suôn sẻ.
Daily Mail khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Anh sẽ gia hạn thêm thời gian chuyển giao đội bóng. Như vậy, “The Blues” phải hoàn tất việc đổi chủ trước hạn chót ngày 31/5.
Nếu quá trình không hoàn tất trong khoảng thời gian này, hay nói cách khác Chelsea chưa có chủ mới, họ sẽ phải nhận đòn trừng phạt từ chính phủ Anh. Khi không tìm ra được đối tác mua lại Chelsea, đội bóng của Abramovich có thể nhận một số án phạt như bị trừ điểm, cấm tham dự đấu trường châu Âu, hoặc thậm chí không đủ tư cách góp mặt ở Premier League mùa tới.
Gần 2 thập niên trôi qua kể từ ngày ông Abramovich mua lại Chelsea với giá 140 triệu bảng, số tiền đầu tư của doanh nhân người Nga cho Chelsea tăng dần theo năm. “Khoản nợ không cần hoàn trả” mà ông Abramovich nói trong thông điệp chính là khoản tiền nợ 1,6 tỷ bảng của Chelsea với Fordstam Ltd, công ty mẹ của Chelsea.
Fordstam Ltd thuộc sở hữu của ông Abramovich và cho “The Blues” vay tiền hoạt động từ trước đến nay. Theo thống kê từ KPMG, số tiền tỷ phú người Nga đầu tư cho “The Blues” cán mốc 2 tỷ bảng bao gồm tiền mua cầu thủ, trả lương và các hoạt động khác. 19 năm qua cũng là thời gian Chelsea đạt nhiều thành công nhất trong lịch sử.
Nhưng tình hình đang trở nên khó khăn hơn dành cho Chelsea khi chủ sở hữu người Nga đang quay lưng với lời hứa xóa khoản nợ 1,6 tỷ bảng. Rõ ràng, những sự chậm trễ trong việc chuyển đổi chủ sở hữu có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho tương lai của Chelsea.
Thời gian không chờ đợi
Nhiều nhà đầu tư chắc chắn có sự hoang mang trước động thái của Abramovich. Giờ thì khả năng họ phải lãnh luôn số nợ 1,6 tỷ bảng trong trường hợp mua lại Chelsea. Một con số lớn và có thể khiến không ít đối tác phải suy nghĩ lại.
Không chỉ phải gánh thêm khoản nợ lên đến 1,6 tỷ bảng, mà chủ sở hữu mới còn gặp khó khăn trong công cuộc tái đầu tư đội bóng vì Luật công bằng tài chính. “The Blues” đang hoạt động nhờ “giấy phép đặc biệt” của chính phủ Anh có thời hạn đến ngày 31/5.
Tuy nhiên, Abramovich có tình yêu mãnh liệt với Chelsea và ông không muốn chứng kiến đội bóng rơi vào cảnh này. Sky Sports tiết lộ phía Chelsea sẽ cố gắng gia hạn thời gian chuyển giao đội bóng với chính phủ Anh.
Điều này giúp Abramovich có thời gian giải quyết số nợ 1,6 tỷ bảng. Hiện tại có thông tin cho rằng việc bàn giao CLB giữa lãnh đạo Chelsea với Todd Boehly, doanh nhân người Mỹ, đang tiến triển tốt đẹp với giá 3,5 tỷ bảng.
Trong khi đó, Sir Jim Ratcliffe đang nỗ lực vớt vát hy vọng khi sẵn sàng mua lại Chelsea với giá vào khoảng 4,2 tỷ bảng. Ngoài ra, lời đề nghị từ Sir Martin Broughton và Steve Pagliuca cũng được cân nhắc trong trường hợp các cuộc đàm phán kể trên thất bại.
Abramovich có tiếng nói quyết định trong việc ai sẽ chủ sở hữu mới của đội bóng. Chelsea rõ ràng vẫn thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Nhưng quá trình này cần được thúc đẩy nhanh hơn. Thời gian càng trôi đi, Chelsea càng rơi vào vòng xoáy nguy hiểm. Khi ấy, các bên liên quan phải có giải pháp tốt hơn.
Vấn đề là chính phủ vẫn quyết tâm loại trừ mọi kịch bản và không cho phép Abramovich kiếm được một xu nào từ quá trình chuyển giao đội bóng. Điều này trở thành nút thắt khiến Chelsea gặp nhiều hệ lụy.
Mùa này, Chelsea thi đấu sa sút khi bị loại khỏi Champions League và thành tích tại Premier League cũng ngày càng đi xuống. Khi tình hình ở thượng tầng chưa ổn định, Chelsea khó có thể yên tâm cạnh tranh với các đội bóng lớn.
Trong trường hợp mọi chuyện diễn ra theo kế hoạch, Chelsea cũng khó có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi mùa giải mới khởi tranh. Chelsea từ đội bóng trung bình khá đã vươn lên trở thành thế lực của bóng đá Anh và châu lục. Sẽ là thảm họa lớn nếu Chelsea bị cấm thi đấu.
Bầu không khí u ám đang bao trùm lấy sân Stamford Bridge trong những ngày này.