Chất lượng món ăn đi đôi với giá tiền. Nhưng trong dịp World Cup, đừng kỳ vọng đồ ăn đa dạng hay lạ mắt. Còn giá cả thì vẫn tăng chóng mặt. Giải đấu cấp ĐTQG lớn nhất hành tinh thật sự không dành cho những người hâm mộ có kinh phí eo hẹp.
Giá 5 sao, chất lượng bình dân
Doha là điểm đến đắt đỏ. Trong dịp World Cup, chi phí ăn ở bị đẩy cao ngất ngưởng. Tại khu vực dành cho truyền thông làm việc của sân Educatio, nơi diễn ra trận đấu giữa Hàn Quốc và Uruguay hôm 24/11, chiếc hamburger với lát thịt bò mỏng có giá gần 20 USD. Đáng nói, hương vị của nó không có gì độc đáo.
Trong khi đó, phần ăn gồm sandwich thịt có giá bán hơn 13 USD gồm hai lát bánh, một ít thịt gà, phô mai, salad và cà chua. Mức giá này thật sự rất cao. Suất ăn rẻ nhất ở đây cũng được bán với giá 12 USD gồm bánh ngọt và trà nóng.
Còn ở trung tâm báo chí, giá cho buffet là 14 USD/người, đồ ăn đa dạng hơn nhưng không thể so sánh với các suất tương tự tại Việt Nam. Nhân viên phục vụ tại đây cho biết mức giá này cao hơn 50% so với trước World Cup dù trung tâm báo chí đã là khu vực được “trợ giá” cho truyền thông.
“Hôm nay, anh có thể đãi tôi bữa trưa” hoặc “ước gì tìm được voucher giảm giá”… là câu nói đùa thường nghe của cánh báo chí. Họ cho rằng mức phí hiện tại quá cao. Để tiết kiệm chi phí, nhiều người lựa chọn mang theo đồ ăn nấu sẵn.
Những bình luận về World Cup 2022 đắt đỏ là có thật. Tuần rồi, mạng xã hội chia sẻ tấm hình chụp hộp giấy đựng bữa sáng cho du khách tại làng CĐV với sandwich, táo, bánh muffin và donut… Đáng nói, chi phí ăn ở tại đây lên tới 250 USD/đêm.
Nếu so sánh mức giá trên với những khách sạn khác ở các quốc gia lân cận, du khách hoàn toàn có thể được phục vụ ăn ngủ nghỉ hoàn hảo. Song, biết làm sao được khi nước chủ nhà được quyền làm mọi thứ mà không vấp phải sự phản đối nào.
Chi phí nghỉ tại Qatar cũng không hề dễ chịu. Nhiều du khách có lẽ “vỡ tan” giấc mộng World Cup với trải nghiệm thực tế ở đây. Mọi thứ không hề “đẹp như mơ” hay đúng với lời chào mời của ban tổ chức.
Tới nay, làng CĐV Rawdat Al Jahhaniya không hề có dấu hiệu cho thấy sẽ xây dựng sân tennis, rạp chiếu phim… dù rằng trước đó, ban tổ chức tuyên bố sẽ có đầy đủ tiện nghi để đáp ứng cho du khách. Nhiều người phải “bỏ chạy” chỉ sau vài ngày ở đây.
“Phòng có đủ những thứ cơ bản. Chúng tôi ở phòng hai giường nhưng diện tích quá nhỏ. Tuy nhiên, vì những chỗ ở khác khá đắt đỏ nên việc ở đây là đủ với những CĐV chỉ muốn tận hưởng các trận đấu”, anh Suleiman đến từ Mỹ thốt lên sau khi chi hơn 200 USD/đêm cho chi phí chỗ ở.
“Không, tôi sẽ chọn một nơi tốt hơn. Tất nhiên, mọi thứ còn phụ thuộc vào giá thuê phòng. Nếu chỗ này có giá 100 USD mỗi đêm, tôi chắc chắn sẽ ở tiếp. Nhưng nếu nó có giá 500 USD một đêm, tôi sẽ chọn chỗ khác”, CĐV này chia sẻ tiếp.
Tiếng Anh “bồi” ở World Cup
Đang tác nghiệp tại World Cup 2022, nhiều phóng viên tâm sự rằng họ “than trời” khi phải giao tiếp với các nhân viên hỗ trợ World Cup. Họ không thể nghe nổi tiếng Anh của người dân tại đây, đa phần là tầng lớp nhập cư.
“Ban đầu, tôi hỏi ‘Muốn tìm chiếc xe bus để chở phóng viên’. Nhưng chẳng ai hiểu. Sau đó, tôi bảo ngắn gọn ‘Media shuttle’ (phương tiện đưa đón truyền thông). Họ cũng chẳng biết”, một nhà báo đến từ Argentina thốt lên, “Đừng dùng tiếng Anh phức tạp, hãy nói từ đơn giản nhất như ‘bus’, ‘metro’…”.
Từ nhân viên tình nguyện đến cảnh sát, tất cả chỉ giao tiếp được vài từ đơn giản. Điều này tạo ra sự khó chịu cho du khách, khiến họ mất nhiều thời gian và gặp rắc rối. Ngoài ra, không có sự kết nối tốt giữa ban tổ chức và tình nguyện viên hay cảnh sát tại World Cup 2022. Nhiều người được thuê chỉ để làm đúng nhiệm vụ chỉ đường, phân luồng giao thông hoặc cầm biển báo hướng dẫn du khách, truyền thông.
Sân 974 của World Cup 2022 không quá rộng. Tuy nhiên, nhân viên làm việc tại đây lại luôn tỏ ra “mù tịt” với thông tin. Điển hình nhất, họ không hề biết vị trí phương tiện đưa đón truyền thông dù rằng đó là thứ cơ bản nhất.
Viễn cảnh đi lạc ngay trong chính sân vận động vì thế thường xuyên xảy ra. Zing News từng chứng kiến cảnh tượng nhiều phóng viên quốc tế loay hoay gần một giờ, hỏi từ nhân viên tình nguyện đến cảnh sát chỉ để tìm nơi đỗ của chiếc xe buýt đưa họ trở lại trung tâm báo chí. Rào cản ngôn ngữ góp một phần không nhỏ gây ra sự việc trên.
Du khách vẫn đang kéo đến Qatar để tận hưởng không khí cuồng nhiệt của World Cup. Và đó cũng là lúc nước chủ nhà đối mặt sức ép lớn hơn trong việc đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt, giải trí, thông tin. Tuy nhiên với thứ tiếng Anh “bồi” của tình nguyện viên và cảnh sát, nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” sẽ còn xuất hiện.