Tối 5/12 (giờ Hà Nội), Nhật Bản đối đầu Croatia, nhà đương kim Á quân, trước khi Hàn Quốc có nhiệm vụ khó khăn ngăn cản ứng cử viên vô địch Brazil ở vòng 16 đội. Trong lịch sử 92 năm của World Cup, chỉ hai lần các đội châu Á vượt qua vòng đấu này.
Năm 1966, giải đấu chỉ có 16 đội tham dự, Triều Tiên dừng bước trong top 8 đội mạnh nhất sau trận thua 3-5 trước Bồ Đào Nha của huyền thoại Eusebio. Năm 2002, Hàn Quốc có mặt ở bán kết và chỉ chịu khuất phục trước Đức với tỷ số 0-1 trên sân nhà. “Các chiến binh “Taegeuk về thứ 4, thành tích tốt nhất của một đại diện châu Á ở Cúp thế giới.
Mọi so sánh chiến thuật hay con người đều khập khiễng. Ở đó, người ta không đánh giá cao hai đại diện châu Á. Nhưng niềm tin, tinh thần và sự kiên cường là điều Nhật Bản và Hàn Quốc không thua kém bất kỳ đội tuyển nào.
Kỳ tích chờ Hàn Quốc, Nhật Bản
Lịch sử đã vẫy gọi ở Qatar. Lần đầu tiên trong lịch sử, ba đội từ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cùng vượt qua vòng bảng một kỳ World Cup. Sau khi Australia bị loại với trận thua 1-2 trước Argentina, hy vọng bây giờ đặt cả lên vai hai đội tuyển đến từ Đông Á.
Thành tích tốt nhất của Nhật Bản tại các kỳ World Cup là 3 lần vào vòng 16 đội. Tại World Cup 2022, Nhật Bản nhận được nhiều tình cảm sau những màn thể hiện kiên cường trước các nhà cựu vô địch Tây Ban Nha và Đức. “Samurai xanh” bị dẫn trước nhưng đều lội ngược dòng để giành chiến thắng 2-1.
Trong khi đó, tuyển Hàn Quốc khiến một trong những cầu thủ vĩ đại nhất Cristiano Ronaldo có ngày thi đấu nhạt nhòa. Họ cũng ngược dòng và ấn định chiến thắng 2-1 kịch tính ở phút bù giờ để giành quyền vào vòng 16 đội. Sự tự tin do đó tăng lên đáng kể.
Hai đội châu Á có thể thua thiệt về mặt con người, nhưng sự quả cảm họ có thừa. Nhật Bản và Hàn Quốc chạy điên cuồng với nền tảng thể lực sung mãn. Nhật Bản thổi bay Tây Ban Nha và Đức bằng cách tăng cường nhịp độ thi đấu sau giờ nghỉ.
Tiền đạo Daizen Maeda đóng một vai trò như một chiến binh thầm lặng trong hai chiến thắng. Cầu thủ 25 tuổi một mình đuổi theo bóng và hoạt động không ngừng nghỉ. Cách chơi này một lần nữa có thể gây ra khó khăn cho Croatia.
Nếu thầy trò HLV Hajime Moriyasu còn cảm thấy mệt mỏi sau những trận chiến kiệt sức ở vòng bảng, thì ít nhất họ có thể an tâm phần nào bởi thực tế Croatia cũng trải qua 90 phút khốc liệt với tuyển Bỉ ở lượt cuối. Đội bóng châu Âu gần như gục ngã sau khi tiếng còi mãn cuộc vang lên.
Cơ hội cho Hàn Quốc, Nhật Bản
Đối với Hàn Quốc, vòng bảng thật sự khiến họ kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần. Ngay sau khi đánh bại Bồ Đào Nha, toàn đội trải qua khoảng thời gian 10 phút cân não khi nán lại trên sân chờ đợi. Hàn Quốc vỡ òa cảm xúc khi biết rằng trận đấu giữa Uruguay và Ghana kết thúc theo hướng có lợi cho họ.
Khi hay tin Uruguay không thể thắng Ghana cách biệt 3 bàn, cầu thủ ngôi sao Son Heung-min bật khóc. Lần thứ hai trong 4 ngày, đội trưởng của Hàn Quốc rơi nước mắt. Trái ngược với thất bại 2-3 trước Ghana, Son cảm thấy hạnh phúc khi đội nhà đi tiếp.
World Cup 2022 là một giải đấu khó khăn cho cầu thủ hay nhất châu Á. Do thường xuyên bị các hậu vệ đối phương khóa chặt, anh chỉ mới một lần đóng góp vào bàn thắng trực tiếp. Đó là pha kiến tạo cho Hwang Hee-chan ghi bàn bằng một đường chuyền hoàn hảo đến từng centimet để mang về chiến thắng ở phút 91 cho Hàn Quốc.
Đối đầu Brazil, Hwang có thể lại trở thành quân bài hữu dụng của Hàn Quốc khi họ tìm cách chọc thủng hàng phòng ngự chắc chắn của đối thủ. Sự mạnh mẽ của Cho Gue-sung cũng cần thiết.
Paulo Bento, huấn luyện viên người Bồ Đào Nha của Hàn Quốc, có thể học hỏi từ lối chơi của Nhật Bản và sử dụng Cho như một mũi nhọn để phá vỡ tuyến phòng thủ do bộ đôi trung vệ giàu kinh nghiệm của Brazil Thiago Silva và Marquinhos án ngữ, qua đó tạo khoảng trống cho Hwang khai thác.
Với Nhật Bản, Kaoru Mitoma là một thứ vũ khí lợi hại. Cầu thủ chạy cánh này tỏa sáng mỗi khi được tung vào sân từ băng ghế dự bị, nhất là pha lập công quyết định dù gây tranh cãi vào lưới Tây Ban Nha. Cầu thủ thuộc biên chế Brighton có thể tiếp tục được giao vai trò tương tự trong trận đấu với Croatia.
Trước trận, hậu vệ dày dạn kinh nghiệm với 141 trận khoác áo “Samurai xanh” Yuto Nagatomo đăng trên trang cá nhân dòng trạng thái “bức tường 16 đội mạnh nhất” và nói rằng nó “đã cản trở rất nhiều đến nền bóng đá Nhật Bản và sự nghiệp của chính anh”. Điều đó cho thấy, Nhật Bản khao khát vào tứ kết như thế nào.
Trung vệ 36 tuổi tuyên bố: “Thời điểm để phá bỏ bức tường hành hạ, khiến chúng tôi điên đảo đã đến. Mỗi cầu thủ sẽ ra sân và trình diễn thứ tinh thần cao nhất”.
Bất kể HLV Bento và Moriyasu chọn cách tiếp cận nào, chiến thuật hay ý đồ có thay đổi ra sao, chắc chắn cả châu Á sẽ dõi theo bước chạy của họ. Giấc mơ ở ngay phía trước và một đêm lịch sử đang đợi Hàn Quốc và Nhật Bản.