Thưởng thức bia rượu trước, trong và sau các trận đấu bóng đá là thói quen yêu thích của nhiều cổ động viên (CĐV) trên thế giới. Thế nhưng, tại World Cup 2022, loại đồ uống có cồn này không có sẵn.
Chỉ hai ngày trước khi lễ khai mạc giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh diễn ra, FIFA xác nhận lệnh cấm bán đồ uống có cồn tại 8 sân vận động (SVĐ) tổ chức World Cup.
Trong khi một số người hâm mộ hài lòng với quyết định này, nhiều CĐV khác tỏ ra bối rối, thậm chí tức giận, bao gồm sinh viên 21 tuổi Arnov Paul-Choudhury đến từ Anh.
“Đây là World Cup, là giải đấu bóng đá, bạn phải được phép nhậu nhẹt quanh SVĐ. Tôi không nghĩ rằng nước chủ nhà đang làm điều phù hợp để thu hút người hâm mộ”, Paul-Choudhury, khi ấy đang ở thủ đô Doha (Qatar) nói với CNN vào ngày FIFA đưa ra thông báo.
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino không đồng tình với quan điểm trên. Ông nói rằng người hâm mộ vẫn sẽ “sống sót khi không được uống bia rượu 3 tiếng/ngày”.
Và đến thời điểm này, ông Infantino đã chứng minh lời nói của mình là chính xác.
Không rượu bia, không thành vấn đề
CNN đã nói chuyện với một số CĐV về lệnh cấm bia rượu và nhận thấy việc thiếu đồ uống có cồn ở các SVĐ dường như không phải vấn đề lớn với họ.
“Tôi nghĩ rằng mọi người đều đang dần quen, kể cả tôi, một người thường sẽ uống vài ly bia khi xem bóng. Ai nấy cũng thực sự vui vẻ và hạnh phúc. Mọi thứ đang diễn ra rất tốt”, Nick Cottrill, người hâm mộ đội tuyển Anh, nói với CNN tại FIFA Fan Festival.
Nick đến Qatar cùng với bố mình là Gary Cottrill. Theo kinh nghiệm cá nhân, hai cha con nhà Cottrill đồng tình rằng chỉ có một nhược điểm tiềm ẩn về việc không được tiêu thụ đồ có cồn tại SVĐ – khiến trận đấu bớt náo nhiệt hơn một chút. Thế nhưng, nó cũng không phải là điều gì tồi tệ.
Việc bán đồ uống có cồn trong giải đấu là vấn đề gây tranh cãi lớn kể từ 12 năm trước, khi Qatar được công bố là nước chủ nhà World Cup 2022. Quốc gia Hồi giáo nổi tiếng quản lý chặt chẽ việc bán, phục vụ và tiêu thụ rượu.
Ở Qatar, hành vi say xỉn ở nơi công cộng là bất hợp pháp, và những người vi phạm điều này có thể phải đối mặt với hậu quả pháp lý.
Theo hướng dẫn du lịch Qatar của chính phủ Vương quốc Anh, uống rượu nơi công cộng có thể dẫn đến “án tù lên tới 6 tháng và/hoặc phạt tiền tới 3.000 Qatar Riyal (824 USD)”.
Tháng 9, giới chức Qatar dự định cho phép bán bia tại sân vận động 3 giờ trước trận đấu và 1 giờ sau trận đấu. Cổ động viên không được phép mang bia lên khán đài.
Nhưng ngày 18/11, nước chủ nhà lật ngược quyết định về bán bia tại World Cup. Toàn bộ đồ uống có cồn bị cấm tại khu vực khuôn viên sân vận động suốt 64 trận đấu. Người hâm mộ chỉ có thể mua đồ uống không cồn.
Đồ uống có cồn vẫn được bán cho du khách tại một số khách sạn, nhà hàng được cấp phép.
Một số người hâm mộ vẫn có thể uống đồ có cồn tại các trận đấu nhưng phải chi số tiền lớn. Họ có thể mua gói Match Hospitality với giá 950-4.950 USD mỗi trận cho các dịch vụ khác nhau, trong đó có phục vụ bia rượu.
FIFA Fan Festival cũng bán bia từ 19h đến 1h hôm sau, đồng nghĩa rằng người hâm mộ được phép nhậu nhẹt.
Tận hưởng bóng đá an toàn
Tuy nhiên, đối với nhiều CĐV, chuyện được uống bia rượu hay không không phải lý do khiến họ vượt hàng nghìn km để đến Qatar.
Deya Banisakher (30 tuổi), người hâm mộ đội tuyển Mỹ, đến thủ đô Doha cùng bạn đời là Mireya Jurado. Tương tự nhiều người, cặp đôi nói rằng những hạn chế xung quanh việc uống rượu bia không ảnh hưởng mấy đến chuyến đi của họ.
“Chúng tôi ở đấy để thưởng thức các trận đấu và tiếp thu văn hóa quốc gia Trung Quốc. Kiến trúc ở đấy rất đẹp. Chúng tôi đang tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời”, họ chia sẻ.
Lệnh cấm tiêu thụ bia rượu tại SVĐ ở World Cup 2022 đồng thời làm giảm nguy cơ phát sinh vấn đề có khả năng leo thang thành ẩu đả, bạo lực.
“Hãy thử tưởng tượng bạn đưa gia đình đi xem một trận đấu. Liệu bạn có cảm thấy an toàn khi người ngồi bên cạnh say xỉn, không kiểm soát được hành vi của mình?”, Tiến sĩ Sean Mottaleb, trưởng nhóm chăm sóc sức khỏe cấp cao làm việc cho nhóm khẩn cấp, khủng hoảng và chuẩn bị ứng phó với thảm họa tại Qatar 2022, nói với CNN.
Ông nói thêm: “Sự kiện này không chỉ dành cho những CĐV bóng đá nhiệt thành, mà còn mọi người trên thế giới. Ai cũng có quyền được tận hưởng, ai cũng có quyền cảm thấy an toàn”.
Xét về các vấn đề an ninh và chăm sóc sức khỏe, ông Mottaleb hài lòng với cách mà giải đấu đã diễn ra cho đến nay. Rất ít vấn đề liên quan đến đám đông xảy ra.
World Cup 2022 sẽ kết thúc vào ngày 18/12. Nhưng hiện giải đấu này đã cho thấy bóng đá có thể được thưởng thức mà không cần uống quá nhiều đồ có cồn.
Tiến sĩ Mottaleb cho biết mùa World Cup tiếp theo, được tổ chức tại 3 quốc gia Mỹ, Mexico và Canada, có thể học hỏi kinh nghiệm từ Qatar. Nhưng trên thực tế, lệnh cấm bia rượu sẽ rất khó xảy ra ở World Cup 2026.