“Việc Barcelona bán tài sản có công bằng không? Tất nhiên là không. Tôi thậm chí còn không chắc hành động này là hợp pháp. Nếu Barca làm được, các CLB khác cũng sẽ làm theo. UEFA (Liên đoàn Bóng đá Châu Âu) có quy định riêng về tài chính. Tôi chắc chắn họ sẽ xem xét việc làm của Barcelona”, Goal dẫn lại phát biểu của ông Nasser Al-Khelaifi.
“Việc tuân theo các quy định bền vững về tài chính mới là một sự phát triển tích cực. Các khoản nợ và giao dịch cổ phần chắc chắn không phải con đường bền vững”, chủ tịch PSG nói thêm.
Trong kỳ chuyển nhượng hè 2022, Barca gánh trên vai khoản nợ lớn nhưng vẫn đưa về hàng loạt tân binh đắt giá như Robert Lewandowski, Jules Kounde, Raphinha… Để làm được điều này, đội chủ sân Camp Nou đã phải kích hoạt tổng cộng 4 đòn bẩy tài chính.
Hôm 12/8, Barca bán 24,5% cổ phần của Barca Studios cho công ty Orpheus Media. Thỏa thuận ấy giúp đội chủ sân Camp Nou thu về 100 triệu euro.
Trước đó, Barca thực hiện 3 đòn bẩy tài chính khác, thu về gần 700 triệu euro để tăng cường lực lượng và trả các khoản nợ. Hai đòn bẩy đầu là khi Barca bán 25% tiền bản quyền truyền hình cho quỹ đầu tư Sixth Street cùng 49,9% quyền sở hữu BLM, công ty chính quản lý việc marketing và quyền sở hữu trí tuệ của CLB. Hai đòn bẩy này giúp họ có gần 600 triệu euro.
Hồi đầu tháng 9, UEFA công bố danh sách 8 CLB vi phạm luật công bằng tài chính. Trong đó, PSG là đội bị phạt nặng nhất với số tiền 65 triệu euro, xếp sau là hai đại diện Serie A, Roma cùng Inter, với số tiền phạt lần lượt là 35 triệu euro và 26 triệu euro. Điểm đáng chú ý là danh sách của UEFA không có Barcelona.
Đây là án phạt dựa trên phân tích tài chính của các CLB từ năm 2018 đến 2021. Số tiền phạt sẽ được khấu trừ vào doanh thu của các CLB khi tham dự các giải trực thuộc UEFA. PSG cùng 7 đội bóng phải trả trước 15% tiền phạt. Phần còn lại tùy thuộc vào thỏa thuận với UEFA.