Ở World Cup 2022 có nhiều lúc, dường như tồn tại một làn sóng cảm xúc, nhiệt huyết yêu nước và khao khát tột cùng đã và đang đưa Argentina đến gần trận chung kết World Cup thứ 6 trong lịch sử (5 lần trước, họ vô địch 2 lần và có 3 lần về nhì).
Nhưng nhiều lúc khác, lại có cảm tưởng như thể Messi đang gồng mình kéo họ đến đấy.
Đêm hỗn loạn ở vòng tứ kết
Đến 00h50 phút sáng tại SVĐ Lusail sáng thứ bảy tuần trước, Lionel Messi vẫn đang làm tất cả những gì có thể. Mới nhất, là đường kiến tạo không cần nhìn xuất sắc đến đáng kinh ngạc, đưa bóng qua hai chân Nathan Ake để giúp Nahuel Molina ghi bàn. Và sau đó còn là quả phạt đền lạnh lùng nâng tỷ số lên 2-0 ở phút 73.
Tiếp đến, sau khi Hà Lan nỗ lực phi thường gỡ hòa 2-2 ở phút bù giờ cuối cùng, cũng chính một cú sút chính xác khác của Messi mở màn thuận lợi cho Argentina trong loạt luân lưu.
Các CĐV Argentina trong sân cũng làm tất cả những gì có thể. Họ huýt sáo và dùng lời lẽ tác động tâm lý Hà Lan khi các cầu thủ áo cam bước lên chấm luân lưu, tạo ra một sự ồn ào ở mức mà không một nhóm CĐV nào khác ở Qatar có thể so sánh được.
Dẫu vậy, thắng thua ở loạt đấu súng luôn rất công bằng. Chiến thắng không được trao cho bên nào được cổ vũ nồng nhiệt hơn mà phải là đội giữ vững tinh thần và chính xác hơn.
Phía khung gỗ, Emiliano Martinez chắc chắn đã giữ vững tinh thần khi có hai pha cứu thua tuyệt vời để từ chối Virgil van Dijk và Steven Berghuis. Nhưng sau đó, Hà Lan thực hiện thành công ba quả tiếp theo trước khi, chứng kiến Enzo Fernandez đá chệch cột dọc, bỏ lỡ cơ hội kết liễu đầu tiên của La Albiceleste.
Lautaro Martinez bước lên với áp lực nghìn cân. Đó là quả luân lưu thứ năm và nếu anh đá hỏng, thật khó để biết Argentina có thể vực dậy được hay không khi loạt đấu súng bước vào giai đoạn “cái chết bất ngờ”.
Dù vậy, tiền đạo của Inter Milan đã cho thấy sự bình tĩnh và trưởng thành tuyệt vời. Để rồi khi tiếng còi mãn cuộc cất lên, quan sát phản ứng của các đồng đội cũng như người hâm mộ, anh có thể đã chứng kiến một chiếc van cảm xúc được bật ra. Hơn cả mãnh liệt.
Dưới sân và trên khán đài, một sự tuôn trào của không chỉ niềm vui mà dường như cả sự hả hê nữa, sau một trận đấu mà hai bên cạnh tranh và bức xúc lẫn nhau quá quyết liệt. Bằng chứng là một số cầu thủ Argentina, đặc biệt là Nicolas Otamendi, Leandro Paredes, Gonzalo Montiel và Alexis Mac Allister đã chế nhạo các cầu thủ Hà Lan trong lúc chạy đi ăn mừng.
Messi ban đầu không trả đũa, nhưng cũng bị cuốn theo dòng cảm xúc sau đó. Sau bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 vào lưới Hà Lan, anh đưa hai tay lên tai và hướng về khu kỹ thuật của tuyển Hà Lan. Không có lời giải thích chính thức nào cho hành động đó.
Nhiều người cho rằng đó là sự tôn vinh dành cho Juan Roman Riquelme vì đây là động tác ăn mừng đặc trưng của cựu danh thủ này, nhưng số khác thì lại đoán chắc, đó là sự chỉ trích nhằm vào HLV Louis van Gaal, người đã loại bỏ Riquelme ở Barcelona hai thập kỷ trước.
Khi trận đấu kết thúc, chính Messi cũng tiến đến gần Van Gaal và trợ lý Edgar Davids để thì thầm điều gì đó khiến những người Hà Lan sửng sốt.
Trong cuộc phỏng vấn sau trận đấu, Messi chê trách: “Van Gaal luôn tự hào về bóng đá đẹp để rồi ông ta đẩy các tiền đạo cao kều vào vòng cấm nhằm bắt đầu chơi bóng dài và trực diện”.
Đó là phản ánh chính xác về lối chơi của Hà Lan trong hiệp hai trận đấu này, nhưng cũng là một sự đào sâu không cần thiết vào đêm hành nghề có thể là cuối cùng mà chiến lược gia 71 tuổi (ông bị ung thư và có thể sẽ giải nghệ để tập trung điều trị).
Vài phút sau đó, khi Messi đang thực hiện một cuộc phỏng vấn truyền hình khác, điều gì đó khó chịu đã quét qua mắt anh.
“Que miras, bobo? Anda para alla”, anh nói với ai đó ngoài màn hình, được cho là cầu thủ dự bị đã vào sân ghi hai bàn gỡ hòa cho Hà Lan Wout Weghorst. Câu tiếng Tây Ban Nha đó mang ý nghĩa rất nặng nề, có thể dịch đại loại là: “Mày nhìn cái gì vậy, thằng ngu? Cút”.
Khoảnh khắc ấy là minh chứng sống động nhất cho việc một kỳ World Cup có thể mang lại cảm xúc mãnh liệt đến mức nào. Vì rõ ràng, nó vừa khơi dậy một khía cạnh quá hiếm thấy của Messi.
Thời điểm ấy đã là nửa đêm ở Qatar. Còn trước đó, cả buổi tối thứ sáu cũng rất khó khăn cho công tác điều hành của trọng tài Antonio MateuLahoz. Vị “vua áo đen” người Tây Ban Nha đã phải rút thẻ vàng cho 15 cầu thủ khác nhau và cả hai HLV trưởng, trước khi hậu vệ cánh Denzel Dumfries của Hà Lan nhận thẻ vàng thứ hai và bị đuổi khi loạt luân lưu kết thúc.
Cảnh giác trước cảm xúc tiêu cực
Điều đáng nói là lẽ ra, Argentina có thể tránh hầu hết cảm xúc tiêu cực đang hơi quá đà đó. Mà đây cũng không phải lần đầu chuyện này xảy ra.
La Albiceleste thường cảm thấy hỗn loạn tại World Cup này. Cảnh tượng thường thấy là những khoảnh khắc thiên tài của Messi xen kẽ với những giai đoạn căng thẳng quá mức của Argentina. Họ căng thẳng đến mức rủi ro thất bại hiện hữu rõ nét dù đang dẫn trước với tỷ số an toàn.
Như ở tứ kết chẳng hạn, Argentina đã dẫn Hà Lan 2-0 một cách thuyết phục và ngỡ như sẽ thuận buồm xuôi gió để vào bán kết. Thế nhưng từ vị thế không có vẻ gì dễ bị tổn thương, dẫn sâu khi trận đấu chỉ còn 20 phút, Argentina bỗng chốc mất kiểm soát.
Ở các tình huống đòi hỏi những cái đầu lạnh lùng và kinh nghiệm, họ đã bị cuốn theo lối chơi của đối thủ và tệ hơn, bị cuốn vào cả những màn tranh cãi, cà khịa lẫn nhau. Tình huống xấu đó lẽ ra đã phải tránh được.
Sau trận đấu, HLV Lionel Scaloni đã khen ngợi các học trò như thế này: “Argentina có tinh thần đồng đội tốt và biết cách đối mặt với mọi tình huống xảy ra trong trận đấu. Chúng tôi đã thể hiện cá tính, đã đối mặt với nhiều khoảnh khắc khó khăn.
Tinh thần của đội và việc biết mình muốn gì và cần gì trong mọi thời điểm của cuộc chơi, là điều tối quan trọng với chúng tôi. Đó là điểm mạnh của Argentina, chúng tôi luôn biết mình phải làm gì. Đội ngũ này tràn đầy kinh nghiệm và phẩm chất ấy chính là chìa khóa”.
Những lời khen đó nghe giống mô tả về Croatia, đội mà Argentina sẽ đối mặt ở bán kết hơn là chính họ. Hãy nhìn sang “đội quân bàn cờ”: Họ cũng sở hữu những cầu thủ máu lửa, giàu cảm xúc trong hàng ngũ và chắc chắn cũng có tinh thần chiến đấu cao.
Nhưng, một sở trường đáng chú ý khác của Croatia là giữ bình tĩnh trước áp lực và dường như chưa bao giờ để bản thân rơi vào trạng thái dễ tổn thương.
Argentina thì sao? Từ khi bước vào giai đoạn knock-out, ngay cả khi dẫn trước Australia và Hà Lan hai bàn cách biệt, họ chưa bao giờ đủ lạnh lùng để dìu trận đấu về đích. Ngược lại, trong hầu hết trận đấu từ đầu giải, La Albiceleste luôn đặt mình và các CĐV cuồng nhiệt của mình vào tình thế căng thẳng. Như thể một người đi trên dây, cả khi đã dẫn trước 2-0!
Dùng thật khéo con dao hai lưỡi
Không thể phủ nhận, làn sóng cảm xúc khổng lồ chính là tài sản lớn thứ hai của đội tuyển này (tất nhiên là sau chàng trai nhỏ bé mang áo số 10). Nhưng đôi khi, nó có thể kéo toàn đội của họ đi chệch hướng nếu không cẩn thận.
Thật may là họ có một trường hợp tương tự trong quá khứ để tham khảo: Chính là kỳ phùng địch thủ Brazil ở World Cup 2014. Khi ấy, những cuộc chạm trán với mức độ (đa phần là tự) căng thẳng đến kịch khung chịu đựng, đã khiến các cầu thủ và CĐV Selecao ăn mừng với sự xúc động và phấn khích nghẹn ngào sau hai trận knock-out đầu tiên.
Để rồi, sự cường điệu cảm xúc chưa đúng lúc ấy đã khiến đến một trung vệ như David Luiz cũng lao lên tấn công điên cuồng khi bị Đức dẫn bàn ở bán kết. Kết quả sau đó là lịch sử, khi Brazil vỡ vụn trước tuyển Đức trưởng thành hơn, điềm đạm hơn.
Đó chính là thảm họa mà Argentina cần tránh. Họ có thể cưỡi trên con sóng cảm xúc khi cần thiết, đó là vũ khí tuyệt luân và là điều họ làm giỏi bậc nhất. Nhưng ngược lại, Messi và các đồng đội cũng cần biết khi nào là thời điểm phải rút hết cảm xúc ra khỏi trò chơi.
Như khi bảo toàn lợi dẫn ở cuối trận, vì chẳng phải Brazil lại vừa trả giá vì điều đó sao? Và vừa hay, đội trừng phạt Selecao hôm ấy lại chính là Croatia mà Argentina sắp đối mặt.
Không hề là chuyện đùa vui, Argentina cần đặc biệt lưu ý đến điều này vì khát khao vô địch của họ thậm chí còn lớn hơn so với Brazil 8 năm về trước.
Bởi tính đến nay, đã gần 40 năm kể từ lần cuối cùng Diego Maradona nâng cao chiếc cúp vàng thế giới thứ hai trong lịch sử La Albiceleste. Từ đó, họ từng thêm hai lần vào chung kết vào các năm 1990 và 2014, nhưng đều gục ngã trước cửa thiên đường.
Ở Argentina, bóng đá không khác gì một tôn giáo với sự sùng bái mà không môn thể thao nào khác sánh được. Bối cảnh này thường xuyên truyền cảm hứng và động lực giúp các tuyển thủ của họ vươn đến đẳng cấp không tưởng trong các trận đấu tại World Cup. Nhưng ngược lại, có thể gây căng thẳng thần kinh đến mức độ cũng không tưởng trong những thời khắc quyết định, đặc biệt là những phút cuối cùng.
Trong bối cảnh đó, người cần bình tĩnh nhất chắc chắn là Messi. Với tư cách đội trưởng, thủ lĩnh chuyên môn, tinh thần, người truyền cảm hứng và nhiều hơn thế nữa, chính anh cần dẫn lối các đồng đội ở những thời khắc tranh tối tranh sáng ấy.
Thậm chí, đó có thể còn là nhiệm vụ quan trọng nhất của anh trên con đường chinh phục danh hiệu quan trọng sự nhất trong sự nghiệp, thay vì một phút giây kinh điển đội đá vá trời nào khác.
Còn ngược lại, nếu ngay cả chính Messi cũng bị cảm xúc tiêu cực lấn át trên sân như những gì anh thể hiện sau hồi còi tan cuộc trước Hà Lan, như đã nói, hậu quả sẽ khôn lường.