Kể từ khi HLV Ralf Rangnick đến với sân Old Trafford, rất nhiều trợ lý trước đây của Man Utd đã lần lượt ra đi. Có thể kể đến những trường hợp như Michael Carrick, Kieran McKenna hay Martyn Pert.
Không lâu sau đó, chiến lược gia người Đức đã thiết lập bộ sậu của mình bằng việc bổ nhiệm trợ lý Chris Armas và Sascha Lense, trong tư cách một Chuyên gia tâm lý, chức danh không còn tồn tại ở sân Old Trafford từ năm 1999. Tuy nhiên, sau tất cả, Rangnick vẫn giữ lại trợ lý Mike Phelan, người đàn ông được xem là cánh tay phải của Sir Alex Ferguson trước đây.
Rõ ràng, Rangnick có những cái nhìn đầy tôn trọng đối với Phelan. Và hiện tại, chiến lược gia này đã trao nhiệm vụ làm yên phòng thay đồ Quỷ đỏ cho Phelan.
Theo truyền thông Anh, tinh thần của Man Utd đang xuống rất thấp sau những trận đấu không như ý thời gian qua. Họ cũng bất mãn với cung cách huấn luyện của vị HLV mới. Thậm chí, nội bộ của Quỷ đỏ cũng đang chia bè phái, giữa những người nói tiếng Bồ như Ronaldo, Fernandes, Dalot, Fred hay Alex Telles với phần còn lại đội bóng, theo tiết lộ từ nhà báo Alex Crook.
Câu hỏi đặt ra là Phelan có đủ khả năng khiến những ngôi sao tại Man Utd lúc này nhún mình? Lật lại lịch sử, Phelan chính là người có công đầu trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa Ronaldo và Rooney trong quá khứ. Cụ thể, sau World Cup 2006, Ronaldo gần như không còn muốn quay về Man Utd bởi truyền thông Anh cho rằng anh là tác nhân khiến Rooney nhận thẻ đỏ trong trận gặp Bồ Đào Nha.
Sau đó, Sir Alex, Phelan và Rooney đã tính đến giải pháp mở một cuộc họp báo công khai để cùng Ronaldo chia sẻ mọi thứ. Phần còn lại là lịch sử khi Ronaldo và Rooney bắt tay làm lành và đã chơi cực kỳ ăn ý để mang về cho Man Utd một chức vô địch Champions League năm 2008. Không có Phelan, Ronaldo có thể đã bị bán ngay trong Hè năm 2006 và giờ thì Rangnick lại cậy đến tài “thương thuyết” của Phelan một lần nữa.
Nhìn rộng ra, đây là một nước cờ rất siêu độc của Rangnick. Báo giới Anh cách đây không lâu tiết lộ rằng Phelan không còn đứng ra “thiết lập bài vở”. Nói cách khác, ông chỉ đóng vai trò tượng trưng ở sân Old Trafford. Quyền điều hành ở trên sân tập thực chất thuộc về bộ sậu mới đến của Rangnick.
Sau đợt binh biến này, nếu Phelan “vỗ về” được các ngôi sao của Man Utd thì Rangnick an tâm tiếp tục chỉ đạo. Còn nếu kết quả không như ý, Rangnick sẽ có cớ để đẩy đi “tàn tích” cuối cùng của triều đại Sir Alex. 17 cầu thủ bất mãn với Rangnick có thể ra đi từ đây đến cuối mùa. Phelan cũng có thể chịu chung số phận. Suy cho cùng, có cuộc cách mạng nào là không mất mát!
Rangnick nói về công việc khó khăn ở Man Utd: