Kurumi Mochizuki có thể dễ dàng trườn quả bóng qua vai, đẩy nó lên đầu trước khi tâng bóng bằng chân và lặp đi lặp lại chuỗi hành động này. Bất chấp vậy, khi Mochizuki tập cùng đội bóng đá nam tại phía Nam Tokyo, HLV thỉnh thoảng khuyên cô nên nghỉ ngơi lâu hơn đồng nghiệp khác giới và cảnh báo cô không nên xách túi bóng quá nặng khi rời sân.
Tất cả bởi Mochizuki là con gái. Chưa tròn 15 tuổi, Mochizuki là nữ sinh duy nhất tại đội bóng địa phương, bởi không có CLB bóng đá nữ nào ở khu vực cô sống lẫn trường cấp 2. Tìm kiếm đội bóng đá nữ ở trường trung học phổ thông cũng không đơn giản. Chỉ 14 trường ở khu vực này có đội bóng đá nữ.
Anh trai của cô không gặp bất cứ vấn đề nào khi theo đuổi sự nghiệp. Gần như trường trung học phổ thông nào cũng có đội bóng đá.
“Là con trai thật dễ”, Mochizuki nói.
“Định nghĩa về nữ tính không bao gồm việc chơi thể thao giỏi”
Đó là thực trạng thể thao dành cho nữ giới ở Nhật Bản, nơi các vận động viên phải nỗ lực rất nhiều để theo đuổi ước mơ. Cơ hội của họ bị hạn chế bởi các chuẩn mực giới tính cứng nhắc của xã hội Nhật Bản, vốn định hình cuộc sống của phụ nữ không chỉ trên sân chơi mà còn ở gia đình và nơi làm việc.
Nhật Bản không có luật nào như Điều 9, đạo luật của Mỹ yêu cầu các trường nhận tài trợ công phải tạo cơ hội bình đẳng cho nam và nữ sinh. Nhật Bản cũng không có dữ liệu công khai về số tiền các trường chi tiêu cho hoạt động ngoại khóa phân chia theo giới tính.
“Thành công của nam giới trong thể thao tạo ra tiêu chuẩn”, Tetsuhiro Kidokoro, Phó giáo sư tại Đại học thể thao công nghệ Nippon chia sẻ. “Nhưng định nghĩa về nữ tính không bao gồm việc chơi thể thao giỏi”.
Bất chấp kỳ vọng của gia đình và xã hội, Mochizuki ước mơ được chơi bóng như thần tượng Homare Sawa, thủ quân của tuyển nữ Nhật Bản vô địch World Cup 2011 và giành huy chương bạc Olympic 2012.
Cô theo chân anh trai tới sân bóng khi lên 6. “Lúc còn nhỏ, tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện ấy”, Mochizuki nói khi là cầu thủ nữ duy nhất của đội. “Nhưng càng lớn lên, giấc mơ càng cháy bỏng”.
Koko Tsujii, 17 tuổi, sống ở Tây Tokyo muốn chơi bóng từ lúc còn là học sinh tiểu học bất chấp việc mẹ cô coi đây là môn thể thao cho con trai. Giờ Tsujii đang chơi bóng ở CLB với số lượng cầu thủ nam gấp 5 lần đồng nghiệp khác giới.
Thay vì các bài tập sút bóng và chuyền bóng, cầu thủ nữ trong đội thường nhận được các bài tập để nữ tính hơn. Trong buổi tập cắm trại qua đêm khi còn là học sinh cấp 2, một trong những HLV đã dạy các cầu thủ nữ cách cầm đũa ăn cơm, điều ông ấy coi là chuẩn mực với con gái.
“Ông ấy nhấn mạnh bản thân sẽ có thành kiến nếu biết cô gái mình đang hẹn hò chơi bóng đá”, Koko nhớ lại sau bài tập tăng tốc kết thúc vào buổi tập gần đây.
“Ban đầu tôi không thích”, Koko thừa nhận. “Nhưng giờ tôi đang học trung học phổ thông và tự hào vì chơi bóng. Nhiều chàng trai thực sự quan tâm đến điều đó”.
Chức vô địch World Cup không thể thay đổi định kiến về nữ giới
11 năm trước, chức vô địch World Cup của tuyển nữ Nhật Bản được cho là sẽ thay đổi định kiến về các VĐV nữ tại xứ sở mặt trời mọc.
Năm 1999, các cầu thủ nữ ở Mỹ có nhiều cơ hội hơn sau khi đội tuyển nước này vô địch World Cup. Tuy nhiên, điều tương tự không diễn ra tại Nhật Bản. Sự phân tầng rõ rệt về giới tính vẫn diễn ra.
Theo báo cáo vào năm 2019 của Sasakawa, 1.89 triệu nam giới Nhật Bản ở tuổi 10-19, chiếm 1/3 dân số nam giới ở tuổi này, chơi bóng đá ít nhất 2 lần/tháng. Con số với nữ là 230.000, chiếm 4%.
48 trong 10.324 trường trung học tại Nhật Bản có đội bóng nữ. Chênh lệch này kéo lên cấp độ chuyên nghiệp: 5% số cầu thủ đăng ký với LĐBĐ Nhật Bản là phụ nữ.
Ở Mỹ, chênh lệch thu nhập giữa cầu thủ nam và nữ cực lớn. Báo cáo cho biết cầu thủ chuyên nghiệp nam kiếm gấp 10 lần đồng nghiệp nữ.
Không chỉ bóng đá, nhiều môn thể thao khác cũng ghi nhận chênh lệch kiểu này. Nhật Bản là quốc gia coi trọng bóng chày. Giải bóng chày cấp độ trung học phổ thông, Koshien, có tuổi đời lên tới hơn 100 năm, và không dành cho phụ nữ.
Ngay sau dịp năm mới, người dân Nhật Bản đổ xô đi xem Hakone Ekiden, giải chạy marathon tiếp sức chỉ được giới hạn cho nam giới tham dự.
Có rất ít người lên tiếng bênh vực các VĐV nữ. Phần lớn HLV là nam giới và không hỗ trợ đồng nghiệp/học trò nữ khi họ trải qua thay đổi về tâm sinh lý.
Hanae Ito, VĐV bơi lội của Nhật Bản tại Olympic Bắc Kinh 2008, thừa nhận HLV chỉ trích cô “yếu đuối về tâm lý” sau khi Ito tăng cân hoặc tính khí trở nên thất thường ở tuổi vị thành niên.
“Tôi cứ nghĩ đó là lỗi của mình”, Ito nói. “Nhưng sau cùng tôi nhận thấy tất cả điều này đều liên quan đến việc Nhật Bản là xã hội gia trưởng. Ngay cả các môn thể thao của phụ nữ cũng được nhìn từ cái nhìn của nam giới”.
Sau khi Hideko Maehata giành huy chương vàng Olympic môn bơi tại Thế vận hội Berlin 1946, tờ Asahi Shimbun, một trong những ấn phẩm báo in lớn nhất cả nước đăng dòng tít ngắn gọn: “Bước kế tiếp là kết hôn”.
Thái độ ấy vẫn tồn tại đến ngày nay. Yuki Suzuki, cựu cầu thủ nữ tại giải VĐQG Nhật Bản và giảng dạy bóng đá cho tới trước khi sinh con, thất vọng vì định nghĩa giới tính cứng nhắc tại Nhật Bản.
“Con gái thường xuyên bị khuyên phải nữ tính hơn”, Suzuki nói. “Tôi nghĩ phải thay đổi văn hóa cơ bản của Nhật Bản khi nói tới phụ nữ”.
Ngay cả khi nữ giới được phép chơi thể thao, lợi thế vẫn thuộc về nam giới theo nhiều cách. Ở trường trung họp Mochizuki, đội bóng chuyền và bóng rổ nam được tập 3 buổi/tuần ở phòng gym. Đội nữ được tập 2 buổi/tuần.
Mochizuki thừa nhận bản thân cố gắng không lo lắng về sự phân biệt đối xử này. Cô không giận HLV, người ngăn cản mình cầm đồ nặng khi tập luyện.
“Tôi chắc chắn đấy là sự quan tâm của HLV, nhưng tôi biết mình đủ sức làm điều ấy”, Mochizuki nói.