“Vua bóng đá” và các đồng đội của ông thường tuyên bố rằng họ đứng sau lệnh ngừng bắn trong cuộc nội chiến tàn khốc của Nigeria vào năm 1969. Ở thời điểm đó, Pele và CLB Santos thống trị bóng đá Nam Mỹ, họ là thần tượng bóng đá của nhiều người hâm mộ khắp thế giới, tạo ra đối trọng trên toàn cầu với những thế lực từ châu Âu như Benfica hay AC Milan.
Với Pele là cái tên đầy sức hút, Santos quyết định tổ chức chuyến du đấu vòng quanh thế giới. Họ đến Mỹ (1966), châu Phi cận Sahara, Italy, Đức (1967) và Argentina (1968). Đầu năm 1969, đội bóng Brazil đến châu Phi cùng với Pele một lần nữa, trong thời điểm lục địa này đang trải qua những biến động đẫm máu.
Lệnh ngừng bắn 48 giờ
Một cuộc xung đột tàn khốc nổ ra hai năm trước đó giữa Nigeria và một quốc gia ly khai, Biafra. Đó là một cuộc nội chiến bắt nguồn từ xung đột sắc tộc, khiến nhiều người dân thiệt mạng và có tới 4,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Santos đến Nigeria du đấu ngay giữa cuộc chiến, sẵn sàng chơi một trận ở thủ đô Lagos vào ngày 26/1. Giai thoại kể lại rằng khi chiếc xe chở Pele và các đồng đội lăn bánh vào thành phố, tiếng súng bỗng dưng im bặt.
Trong vòng 48 giờ, Nigeria và Biafra ngừng bắn. Trên sân, Santos hòa 2-2 với tuyển Nigeria, nhờ hai bàn thắng của Pele. Không khí hân hoan tràn ngập thủ đô Lagos. Các đồng đội của Pele sau này kể rằng lệnh ngừng bắn không kéo dài lâu. Khi máy bay chở Santos bắt đầu cất cánh, các cầu thủ có thể nghe thấy tiếng súng nổ đánh dấu xung đột quay lại.
“Ngăn chặn một cuộc chiến là thứ có thể giúp chúng tôi thể hiện tầm ảnh hưởng của mình”, cựu danh thủ Lima kể lại với Gazeta Esportiva. “Chúng tôi có thể dễ dàng nói, ‘Chiến tranh đang ở xung quanh – tại sao lại bước vào mớ hỗn độn đó?’ Nhưng chúng tôi đã dám thi đấu”.
Trang chủ Santos sau này lại cung cấp một thông tin khác, cho thấy rằng lệnh ngừng bắn chỉ thực sự được đưa ra hai tuần sau tại thành phố Benin, giáp biên giới với Biafra. Đó là nơi diễn ra trận đấu giao hữu thứ hai giữa Santos với Nigeria.
Đội bóng Brazil khẳng định chính quyền địa phương cho phép người dân nghỉ lễ để xem Pele thi đấu. Họ thậm chí còn xây một cây cầu nối Benin với Biafra để cả hai bên có thể chứng kiến chiến thắng 2-1 của Santos trước “Đại bàng xanh”. 25.000 khán giả của cả Biafra và Nigeria đã vào sân xem trận đấu.
Câu chuyện của Pele và Santos tại Nigeria bắt đầu nổi tiếng toàn cầu vào năm 2005, khi Times viết một bài báo với bình luận: “Các nhà ngoại giao đã cố gắng vô ích trong hai năm để ngăn chặn cuộc chiến đẫm máu ở châu Phi lúc bấy giờ, phải đến khi Pele đến Nigeria năm 1969, người ta mới đưa ra lệnh ngừng bắn trong ba ngày”.
Tuy nhiên, một blogger người Nigeria, Oloajo Aiyegbayo, sau đó tung ra những bằng chứng cho thấy cuộc nội chiến không ngưng lại chỉ vì sự xuất hiện của Pele và Santos.
Đằng sau giai thoại
Aiyegbayo khẳng định không có một bài báo nào ở thời kỳ đó đề cập đến lệnh ngừng bắn trong khoảng thời gian Santos du đấu tại Nigeria. Cây cầu của thành phố Benin có thể được mở, nhưng đó chỉ là thông lệ vào những ngày diễn ra các trận đấu bóng đá. Chính quyền Nigeria không hề có hành động chính thức nào cho phép người Biafra vào sân xem bóng đá.
Bản thân Pele cũng đưa ra những hồi ức lẫn lộn về sự kiện này. Trong cuốn tự truyện đầu tiên của mình vào năm 1977, “O Rei” không đề cập gì đến câu chuyện ngừng bắn trong chuyến du đấu tại Nigeria.
Đến khi cuốn tự truyện thứ hai của Pele được xuất bản vào năm 2007, hai năm sau bài báo của Time, “Vua bóng đá” mới đưa vào chi tiết lệnh ngừng bắn. “Tôi không thể đảm bảo mọi thứ là đúng sự thật hoàn toàn”, Pele kể lại. “Nhưng người Nigeria đảm bảo rằng người Biafra sẽ không tấn công Lagos khi chúng tôi ở đó”.
Ông nhớ rằng “sự hiện diện đông đảo của quân đội trên đường phố” đã bảo vệ họ trong thời gian ở Nigeria. Kể từ đó trở về sau, trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông, Pele bắt đầu kể lại câu chuyện theo hướng ly kỳ hơn những gì ông từng viết ra trong hai cuốn tự truyện.
Nửa thế kỷ sau những sự kiện ly kỳ kể trên, chúng ta có thể không bao giờ biết chính xác sự thật. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những giai thoại mờ ảo chính là lý do giúp “Vua bóng đá” bất tử trong lòng nhiều người yêu bóng đá trên thế giới, ngay cả khi ông đã qua đời.