Người hâm mộ Chelsea vui buồn lẫn lộn khi đọc thông báo khẳng định bán CLB của tỷ phú Abramovich. Họ mừng vì đến cuối cùng, người đàn ông 55 tuổi từ Nga vẫn bày tỏ tình yêu với Chelsea và sẵn sàng xóa khoản nợ 1,5 tỷ bảng của CLB.

 - Bóng Đá

 

“Tôi sẽ không yêu cầu hoàn trả bất cứ khoản nợ của CLB (đối với tôi – PV)”, Chelsea dẫn lời ông Abramovich. “Đối với tôi, việc sở hữu Chelsea chưa bao giờ là một hoạt động kinh doanh. Tình yêu của tôi dành cho Chelsea là niềm đam mê thuần túy với môn thể thao vua”.

Tuy nhiên, cổ động viên Chelsea cũng có lý do để buồn và lo lắng. Không nhiều doanh nhân bóng đá có sự hào phóng và vô tư như ông Abramovich. Từ vị thế một đội bóng tiêu tiền không thua kém Man City hay Paris Saint-Germain, “The Blues” có thể rơi vào viễn cảnh giống như Manchester United hoặc xấu hơn là Arsenal.

Khó tìm ra Abramovich thứ hai

Gần hai thập niên trôi qua kể từ ngày ông Abramovich mua lại Chelsea với giá 140 triệu bảng. Kể từ năm 2003, số tiền đầu tư của doanh nhân người Nga cho Chelsea tăng dần theo năm tháng. “Khoản nợ không cần hoàn trả” mà ông Abramovich nói trong thông điệp chính là khoản tiền nợ 1,5 tỷ bảng của Chelsea với Fordstam Ltd, công ty mẹ của Chelsea.

Fordstam Ltd thuộc sở hữu của ông Abramovich và cho “The Blues” vay tiền hoạt động từ trước đến nay. Theo thống kê từ KPMG, ông Abramovich chi hơn 2 tỷ bảng cho Chelsea kể từ khi sở hữu CLB. Trên thị trường chuyển nhượng, CLB thành London không ngại bất cứ đối thủ nào. Khoản vay mà Chelsea nhận từ ông chủ người Nga còn lớn hơn tổng số tiền chi cho chuyển nhượng trong lịch sử Arsenal.

 - Bóng Đá

Việc Chelsea đổi chủ sẽ làm thay đổi diện mạo của CLB thời gian tới. Ảnh: Sky Sports.

Ông Abramovich không chỉ đầu tư cho Chelsea trong việc mua cầu thủ. Số tiền 2 tỷ bảng kể trên còn giúp Chelsea nâng cấp cơ sở vật chất, xây học viện đào tạo trẻ. Hệ thống học viện của “The Blues” được đánh giá vào loại top đầu thế giới trong một thập niên trở lại đây.

Từ một đội bóng không có nhiều truyền thống đào tạo trẻ, học viện của Chelsea giờ ngang tầm với Barcelona, Real Madrid hay Manchester United trong việc sản sinh các cầu thủ chất lượng.

Năm 2018, ông Abramovich khước từ đề nghị mua lại Chelsea của doanh nhân Sir Jim Ratcliffe. Nếu đồng ý bán “The Blues” khi đó, ông Abramovich có thể thu về gần 2 tỷ bảng, gấp gần 8 lần so với số tiền ông bỏ ra năm 2003.

Năm 2020, những nguồn tin từ ban lãnh đạo Chelsea nói rằng ông Abramovich không coi CLB như một thú vui thời thượng hay chỉ để gây dựng tầm ảnh hưởng. Chelsea như một đứa con do chính vị tỷ phú này nuôi nấng.

Tuy nhiên, những biến cố xảy ra trên chính trường thế giới khiến doanh nhân người Nga phải đưa ra quyết định khó khăn. Ông Abramovich chưa nằm trong danh sách bị trừng phạt và đóng băng tài sản của chính phủ Anh. Nhưng giới quan sát dự đoán vị tỷ phú này khó tránh các đòn trả đũa từ giới chức phương Tây.

Thậm chí, việc ông Abramovich chạy đua với thời gian để tìm người mua lại Chelsea cũng cho thấy nỗi lo của tỷ phú người Nga. Ông Hansjorg Wyss là một trong 4 người nhận được đề nghị mua lại Chelsea từ ông Abramovich. Tỷ phú 86 tuổi nói ông và 3 người khác đã nhận được lời đề nghị mua lại Chelsea từ Abramovich hôm thứ ba.

“Bây giờ tôi sẽ phải đợi chờ 4-5 ngày. Abramovich đòi giá quá cao (cho Chelsea – PV)”, ông Wyss trả lời nhật báo Blick. Tiết lộ từ doanh nhân Thụy Sĩ có thể là chiêu trò trong đàm phán kinh doanh. Các đối tác tiềm năng biết thế khó của ông Abramovich và họ có quyền gây áp lực để mua được Chelsea với giá hợp lý.

Động thái không yêu cầu Chelsea hoàn trả khoản nợ 1,5 tỷ bảng từ ông Abramovich diễn ra chỉ chưa đầy 24 giờ đồng hồ sau bài phỏng vấn của tỷ phú Wyss với truyền thông Thụy Sĩ.

Cũng trong bài phỏng vấn đó, doanh nhân Wyss nói ông chắc chắn không mua Chelsea một mình. Không nhiều doanh nhân sẵn sàng đủ tiềm lực để sở hữu một CLB lớn như Chelsea. Số tỷ phú sẵn sàng bỏ cả tỷ bảng để nâng tầm một CLB bóng đá càng hiếm hơn.

 - Bóng Đá

Không còn sự hỗ trợ từ ông Abramovich, kế hoạch xây sân mới của Chelsea khó thành hiện thực trong tương lai gần. Ảnh: The Times.

Chelsea khó giữ vị thế

Trong cuốn sách Soccernomics, tác giả Simon Kuper cho rằng bóng đá châu Âu là ngành kinh doanh tốn kém và đa số không mang lại lợi nhuận cho người sở hữu CLB. Nếu không có các ông chủ hào phóng sẵn sàng chi tiền túi, phần lớn đội bóng hàng đầu châu Âu dễ rơi vào vòng xoáy thua lỗ khi mọi chuyện đi sai hướng.

Cuộc khủng hoảng của Barcelona hiện tại là minh chứng rõ ràng nhất trong quan điểm kể trên. Những CLB mạnh nhất châu Âu hiện tại là những đội mà các ông chủ sẵn sàng “đốt tiền” nhiều nhất. Họ là Man City, PSG và Chelsea. Trong hai thập niên qua, “The Blues” vươn mình trở thành đội bóng hàng đầu thế giới nhờ tiền túi của ông Abramovich. PSG và Man City sau đó cũng đi theo trào lưu này.

Hai CLB kể trên có sự hậu thuẫn lớn từ chính phủ hai nước Qatar và UAE. HLV Arsene Wenger từng nói rằng việc PSG mua sắm bạt mạng trên thị trường chuyển nhượng là chuyện hiển nhiên khi “một CLB được sở hữu bởi cả một đất nước”.

Trong bối cảnh PSG và Man City vươn lên mạnh mẽ trong nửa thập niên qua, Chelsea vẫn cạnh tranh sòng phẳng với hai CLB này trên sân bóng nhờ sự hào phóng của ông Abramovich trên thị trường chuyển nhượng. Kai Havertz, người ghi bàn giúp Chelsea đánh bại Man City ở chung kết Champions League mùa trước, là bản hợp đồng được đảm bảo bởi ông chủ người Nga.

The Times tiết lộ khi Chelsea chuẩn bị mua Havertz với giá hơn 70 triệu bảng từ Leverkusen, hậu thuẫn tài chính từ ông Abramovich giúp thương vụ diễn ra suôn sẻ. Cần nhớ rằng trong báo cáo tài chính được công bố vào cuối năm 2021, Chelsea lỗ hơn 146 triệu bảng.

Chỉ trước đó vài tháng, họ chi tới chi 97,5 triệu bảng chiêu mộ Romelu Lukaku về từ Inter Milan, bản hợp đồng mua có giá đắt kỷ lục trong lịch sử CLB. Khi ấy, ban lãnh đạo Chelsea cũng nhận được đảm bảo từ ông Abramovich trong vụ Lukaku.

Không còn ông Abramovich, Chelsea có thể lâm vào cảnh “thắt lưng buộc bụng”. Kieran Maguire, chuyên gia tài chính thể thao đến từ đại học Liverpool dự báo “The Blues” hoàn toàn có thể đi vào vết xe của Arsenal hay Manchester United.

“Mô hình mà các doanh nhân Mỹ áp dụng ở Arsenal hay Man United có thể khiến CĐV căm ghét, nhưng theo góc nhìn kinh tế, nó là giải pháp có lợi nhất cho ông chủ CLB”, Maguire đánh giá.

Tỷ phú Wyss được cho liên lạc với Todd Boehly, một doanh nhân người Mỹ về khả năng hợp tác mua lại Chelsea. Ông Boehly có thể không phải là người Mỹ duy nhất tham gia vào cuộc mua lại đội chủ sân Stamford Bridge. Cổ động viên Chelsea có quyền lo lắng trước thông tin trên. Những ông chủ từ phương Tây thường thực dụng hơn so với các tay chơi từ Nga hay Trung Đông trong việc kinh doanh bóng đá.