- Bóng Đá

Man United đang đứng trước thời khắc chuyển giao quan trọng bậc nhất lịch sử CLB. Ảnh: Reuters.

Với việc sa lầy bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những vấn đề tài chính của tập đoàn mẹ First Allied Corporation, nhà Glazer đã buộc phải bán viên kim cương trên vương miện của mình, CLB bóng đá Manchester United, trong bối cảnh lĩnh vực kinh doanh thể thao của họ chỉ vừa bắt đầu khởi sắc…

Ít ai biết Manchester United vốn bị rơi vào tay của nhà Glazer là bởi cuộc đấu đá nội bộ “long trời lở đất” giữa Sir Alex Ferguson và hai cổ đông lớn của CLB, John Magnier và J. P. McManus.

Nhằm tranh giành quyền lợi từ một con ngựa đua nổi tiếng mang tên Đá Tảng Gibraltar, Magnier và McManus đã gây áp lực sẽ đuổi Ferguson khỏi vị trí HLV trưởng. Điều này được xác nhận trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi của chính McManus với tờ Mirror Ireland nhiều năm sau này.

Để ngăn chặn hành động đó, ban quản trị của MU đã liên lạc với các nhà đầu tư tiềm năng. Ngay lập tức, nhà Glazer đang thành công với CLB bóng bầu dục Tampa Bay Buccaneers (nhà vô địch Super Bowl 2003) đã nhận ra tiềm năng của CLB số một nước Anh. Những điều khác, như chúng ta đã biết, là phần còn lại của lịch sử.

 - Bóng Đá

Xung đột xuất phát từ Sir Alex là một trong những lý do khiến MU thuộc về nhà Glazer. Ảnh: Irish Online.

Thành công về mặt kinh tế

Nhà Glazer gỡ niêm yết của MU trên sàn chứng khoán London chỉ ít lâu sau khi giành quyền sở hữu CLB. Lãi gộp phải trả của CLB này có lúc lên đến gần 80 triệu USD/mùa, với đặc biệt là khoản nợ gần 300 triệu USD phải trả bằng hiện vật.

Người hâm mộ MU lo ngại khoản nợ này sẽ khiến họ phải trả thêm tiền để được vào sân. Và mọi dịch vụ cùng khía cạnh ngoài bóng đá của CLB sẽ tăng giá phi mã. Tuy nhiên, điều đó đã không trở thành sự thật. Cho đến thời điểm rao bán CLB vừa qua, MU vẫn nằm trong top những đội bóng có giá vé rẻ nhất giải Ngoại hạng và là CLB có giá vé mùa ưu đãi trong tốp đầu giải.

Tuy nhiên sau 11 năm “gồng lỗ”, họ đã chính thức tăng giá vé vào đầu mùa giải năm sau do lạm phát khiến vật giá và chi phí cho công tác tổ chức trận đấu leo thang. Điều này xảy ra bởi những biến động bất thường của nền kinh tế vĩ mô toàn châu Âu chứ không riêng gì Man United.

Mặc dù đã phải trả tổng cộng 898 triệu USD kể từ khi được nhà Glazer mua lại, CLB hiện vẫn còn phải gánh khoản nợ cả gốc là 604 triệu USD, gần bằng chính khoản tiền mà họ đã nợ kể từ thời điểm năm 2005.

Bất chấp điều đó, sức mạnh tài chính của MU đã được thể hiện trong nhiều thời điểm, có thể kể đến như thời điểm giá cầu thủ bị đẩy lên vô tội vạ vào năm 2017 khi Neymar chuyển từ Barcelona sang Paris Saint-Germain. Bị đẩy vào tình thế buộc phải chạy đua vũ trang trong thời kỳ bão giá, nhà Glazer cũng không ngần ngại liên tục chi tiền tấn để lấy về các bản hợp đồng kỷ lục của Paul Pogba, Romelu Lukaku, Harry Maguire…

Những bản hợp đồng này có giá trị rất cao. Nhưng nó lại đều là những bản hợp đồng trả góp nhằm cân bằng quỹ tài chính, tín dụng và quỹ tiền mặt của đội bóng.

 - Bóng Đá

Anh em nhà Glazer luôn bị xem là tội đồ tại MU. Ảnh: Reuters.

Song song với cách điều hành khéo léo, doanh thu về bản quyền truyền hình, doanh thu thương mại về bản quyền hình ảnh, các bản hợp đồng tài trợ với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đều tăng vọt, trong đó phải kể tới bản hợp đồng kỷ lục 750 có giá triệu bảng với adidas, mang về kỳ vọng 1,5 tỷ bảng doanh số toàn cầu riêng cho mảng áo đấu và các dụng cụ thể thao.

Nhà Glazer cũng đã đặc biệt xuất sắc trong công tác dự phòng tài chính giữa mùa dịch Covid-19. Các sân cỏ nước Anh đã phải trở lại mà không có khán giả, khiến doanh thu từ bán vé bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong thời gian này, MU đã thành công rực rỡ trong việc tìm đến các nhà tài trợ có doanh số cao trong mùa dịch như TeamViewer, nhà kinh doanh công nghệ blockchain Tezos và hàng loạt hợp đồng bản quyền truyền hình, giúp cho họ thậm chí còn đủ lợi nhuận để chia đều cổ tức (dù với tỷ lệ khá khiêm tốn).

Theo những thông tin không chính thống, nhà Glazer thậm chí còn hi sinh cả phần lợi nhuận từ cổ tức của mình và thu nhập của họ ở CLB này chưa đến 20 triệu USD/năm. Ngay cả sau khi đội bóng này IPO lần đầu thành công ở New York, phải đến tận gần 3 năm sau, họ mới bắt đầu trích lợi nhuận để chia cổ tức lần đầu.

Như vậy về bản chất, Man United không dành lợi nhuận để “nuôi” hay để các ông chủ “hút máu” như lời đồn, mà tiền lời họ kiếm được đều dùng để trả lãi ngân hàng, trả cho các quỹ đầu cơ những khoản nợ đòn bẩy khổng lồ.

 - Bóng Đá

Việc đưa Cristiano Ronaldo trở lại là thất bại về chuyên môn lớn nhất của nhà Glazer. Ảnh: Reuters.

Thất bại về chuyên môn

Có thể chia MU thời Glazer thành hai giai đoạn, một là khi còn sự dẫn dắt của Sir Alex Ferguson, phần còn lại là của các HLV khác. Từ 2005 đến khi giải nghệ vào năm 2013, Sir Alex đã mang về cho MU 5 chiếc cúp Premier League, một chiếc cúp FA, một chiếc cúp Champions League và một chiếc cúp Club World Cup.

Từ 2013 trở đi, dưới sự dẫn dắt của một loạt HLV như David Moyes, Louis van Gaal, Jose Mourinho hay Ole Gunnar Solskjaer, “Quỷ đỏ” chỉ mang về được một chiếc cúp FA và một lần lên ngôi Europa League.

Không chỉ thất bại về mặt danh hiệu, Man United cũng thất bại trong việc tìm kiếm bản sắc của mình. Loay hoay với lối đá giàu thể lực của Moyes, MU chuyển sang lối đá “ru ngủ” của Van Gaal trước khi bước vào HAI năm “đá tới đâu hay tới đó” của Mourinho.

Dù có khởi đầu đầy ấn tượng, Solskjaer cũng đã phải rời khỏi Old Trafford mà không tài nào dạy được thứ bóng đá “Oleball” cho các học trò, trong một nỗ lực đào sâu phong cách chuyển đổi nhanh trạng thái.

Điều gì chờ MU?

Hơn nửa mùa giải đầu tiên của Erik ten Hag đã trôi qua, và thật tiếc thay cho nhà Glazer, đây lại là mùa giải cuối cùng của họ với CLB.

Ten Hag đã mang đến một lối đá lột xác cho đội chủ sân Old Trafford với sự kỷ luật được đặt lên hàng đầu và một lòng nhiệt huyết đam mê thực thụ với môn thể thao vua. Ông chuyển mọi lợi thế bên ngoài sân đấu thành điểm tựa chuyên môn cho đội bóng, cùng với một công tác tuyển trạch tương đối xuất sắc khi các tân binh ông đưa về đều có một thời lượng thi đấu áp đảo các cựu binh cùng vị trí.

Các quyết định cho Harry Maguire dự bị, kéo Luke Shaw vào vị trí trung vệ, đảo Bruno Fernandes thành một “nhà kiến tạo” bám biên hay hồi sinh Marcus Rashford ở vị trí tiền đạo mũi nhọn, đã thực sự là những quyết định mà không phải một HLV nào cũng có thể làm được.

Trước mùa giải, HLV người Hà Lan tâm sự “các HLV không phải là những nhà phù thủy, chúng tôi không tạo ra được phép màu”. Nhưng thực sự, theo lời của Patrice Evra chỉ mới cuối tuần vừa rồi thôi, ông đã mang lại một phép màu đến cho các CĐV của United.

 - Bóng Đá

MU đang trở lại. Ảnh: Reuters.

Cả hai lời đề nghị mua lại “Quỷ đỏ” của Sir Jim Ratcliffe và Ngân hàng Quốc gia Qatar đều đặt nặng vấn đề giảm và xóa hoàn toàn nợ của MU khỏi các tay chơi tài chính Mỹ. Tức là từ nay, việc sở hữu CLB dưới đòn bẩy tài chính sẽ không còn khả dụng nữa. Và đến 99% Quỷ đỏ sẽ được những ông chủ mới gỡ niêm yết khỏi sàn chứng khoán New York (NYSE).

Sau khi gỡ niêm yết, nhà Glazer sẽ nhận được 100% tiền và chỉ trả lại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong vòng sáu tháng sau. Đối với những người “đam mê” tài chính, họ sẽ hiểu ngay rằng trong sáu tháng đó, phần tiền ít nhất là 6 tỷ USD kia sẽ được gửi ngân hàng ngắn hạn để sinh ra tiền lời. Và đó cũng sẽ là những đồng tiền lời cuối cùng mà nhà Glazer kiếm được sau gần 20 năm đầu tư vào đội chủ sân Old Trafford.

Đối với Sir Ratcliffe, MU đơn thuần sẽ chỉ là một thú vui của “niềm tự hào thành Manchester”. Nhưng đối với các nhà đầu tư từ Qatar, họ sẽ là thành viên chủ chốt của công cuộc “dầu mỏ hóa” nền thể thao châu Âu sau những pha thôn tính thành công các CLB hàng đầu của lục địa già như là Manchester City hay PSG, Newcastle United.

Nhà Al-Thani, vốn có mối liên hệ mật thiết tới cựu Thủ tướng Hamad bin Jassim bin Jaber Al Thani, chắc chắn sẽ đổ tiền tỷ vào để cải tạo SVĐ Old Trafford, cải tạo hạ tầng và khu phức hợp tập luyện ở làng Carrington, những thứ mà cách đây vài chục năm, MU là những người đi đầu trong công tác đào tạo và phát triển.

Dù điều gì có xảy ra đi chăng nữa, việc chia tay nhà Glazer thực sự đang được diễn ra một cách êm xuôi, tốt đẹp. Nó là sự chấm dứt của một kỷ nguyên đầy những sự kiện và cũng có những nốt thăng, những nốt trầm, những vinh quang và những sai lầm. Không thể thực sự đánh giá nhà Glazer đã điều hành Man Utd một cách quá tệ bạc nếu nhìn vào những gì họ làm được bên ngoài sân cỏ. Nhưng cũng chẳng thể hài lòng, khi nhìn thấy sự sụp đổ về mặt chuyên môn của một biểu tượng sân cỏ.

Và nhà Glazer cũng sẽ để lại cho Manchester United một di sản cuối cùng. Đó là danh hiệu CLB thể thao được giá nhất mọi thời đại, bỏ xa gần gấp đôi CLB đứng thứ hai Denver Broncos.

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link