“Từ thời điểm tôi bước vào sân vận động (khi các cầu thủ đang khởi động), mọi thứ diễn ra an toàn và đảm bảo trật tự cho đến khi bóng lăn. Khi hiệp một kết thúc, có khoảng một chút náo động nhỏ giữa 2-3 đám đông cổ động viên trên khán đài, nhân viên an ninh sân vận động đã có thể bắt giữ một số phần tử quá khích ngay lập tức nhưng họ không làm vậy”, Rezqi Wahyu kể lại câu chuyện trên Twitter cá nhân.
Rezqi cho biết thảm kịch Kanjuruhan bắt đầu sau khi tiếng còi mãn cuộc của trọng tài vang lên, khi CLB Arema thất thủ 2-3 trước Persebaya tại vòng 11 Liga 1.
“Sau tiếng còi, các cầu thủ Arema cúi gằm mặt và thất vọng. Huấn luyện viên Arema và ban huấn luyện đội bóng tiến lại khán đài phía Đông và tỏ ra có lỗi với các CĐV. Một số CĐV từ khán đài phía Nam đã tỏ ra tuyệt vọng”.
“Sau đó, một số phần tử quá khích đã xuống sân để bày tỏ sự thất vọng với các cầu thủ Arema. Các CĐV từ nhiều phía sân vận động thấy thế cũng nhảy xuống để trút giận tới các cầu thủ. Tình hình trở nên xấu đi khi các CĐV mất kiểm soát và bắt đầu ném những vật thể lạ xuống sân”, Rezqi tiếp tục.
Theo Rezqi, khi cầu thủ hai CLB an toàn trở vào phòng thay đồ, tình hình sân vận động lúc này đã thực sự căng thẳng khiến nhà chức trách phải sử dụng biện pháp mạnh.
“Lực lượng an ninh từ nhà chức trách, những người theo tôi thấy là rất tàn nhẫn, đã đánh CĐV bằng gậy dài trong nỗ lực đẩy lùi sự quá khích của đám đông. Có những CĐV bị cảnh sát đánh bằng gậy, bị khiên đập vào người và nhiều hành động khác”.
“Khi các chiến sĩ cảnh sát đẩy lùi những CĐV ở phía Nam, họ bị đám đông CĐV từ phía Bắc tiến đến tấn công. Căng thẳng gia tăng liên tục khi các CĐV từ khán đài tràn xuống ngày một đông”, Rezqi viết.
Lực lượng cảnh sát đã dùng hơi cay để trấn áp CĐV quá khích. Hành động này càng khiến tình hình trên sân Kajuruhan trở nên tồi tệ hơn.
“Hàng chục quả lựu đạn hơi cay đã được ném vào các CĐV ở mọi ngóc ngách của SVĐ. Một số được ném thẳng vào khán đài, cụ thể là khán đài số 10. Nhiều CĐV rơi vào hoảng loạn vì hơi cay. Nhiều bà mẹ, người già và trẻ nhỏ bị ngột ngạt và bất lực. Họ không thể chịu đựng nổi đám đông, nhưng không thể tìm đường thoát khỏi. Tất cả lối ra đều chật cứng và bên ngoài sân bị tắc đường”, theo Rezqi.
Theo Bola, tình trạng hỗn loạn tại sân vận động Kanjuruhan khiến đội khách Persebaya bị mắc kẹt suốt 2 tiếng đồng hồ. Các cầu thủ phải nhờ đến sự hộ tống của xe bọc thép mới có thể đến khu vực an toàn.
Xung đột giữa cảnh sát và CĐV khiến ít nhất hai xe cảnh sát bị đốt cháy và hư hỏng nặng. Nhân viên y tế ở sân không thể lường trước được vụ việc nên nhiều nạn nhân không được cấp cứu kịp thời.
CNN Indonesia ước tính khoảng hơn 174 người đã ngừng thở. Trong đó có ít nhất 17 trẻ em thiệt mạng và 7 trẻ em bị thương. Đây chưa phải con số cuối cùng và có thể tăng lên. Hầu hết trẻ em thiệt mạng đang ở độ tuổi 12 đến 17.
Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) quyết định tạm dừng giải đấu một tuần. CLB Arema cũng không được tổ chức bất kỳ trận đấu nào trong phần còn lại của mùa giải. Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, cũng vừa mới quyết định dừng toàn bộ hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Indoneisa.