Ban tổ chức Ngoại hạng Anh cáo buộc Manchester City vi phạm các quy tắc của giải đấu hơn 100 lần trong nhiều năm. Nếu các cáo buộc được chứng minh là đúng sự thật, nửa xanh thành Manchester sẽ chịu những hình phạt nặng chưa từng thấy trong lịch sử Ngoại hạng Anh.
Nghiêm trọng hơn cuộc điều tra của UEFA
Tháng 2/2020, UEFA tuyên bố cấm Man City tham dự cúp châu Âu trong 2 mùa giải vì vi phạm Luật Công Bằng Tài Chính (FFP). Đến cuối tháng 2, CAS tiếp nhận đơn kiện UEFA của Man City. Đội chủ sân Etihad sau đó thành công trong việc kháng cáo, khi CAS tuyên bố Man City không gian lận trong các hợp đồng tài trợ.
“Sau nhiều phiên điều trần, hội đồng của CAS cân nhắc và đưa kết luận Man City vi phạm điều 56 của FFP và phải nộp phạt 10 triệu euro cho UEFA, trong 30 ngày kể từ phán quyết của CAS”, thông báo của CAS có đoạn viết. Tuy nhiên, 3 năm sau, ban tổ chức Ngoại hạng Anh đưa ra những kết quả điều tra khác.
Đội bóng 6 lần vô địch nước Anh bị cáo buộc “thiếu trung thực về tình hình tài chính của câu lạc bộ”, không “cung cấp đầy đủ chi tiết” về thu nhập của cầu thủ và huấn luyện viên. Man City cũng bị cáo buộc không tuân thủ các quy tắc liên quan đến FFP và không hợp tác trong cuộc điều tra kéo dài hơn bốn năm của ban tổ chức giải đấu.
Những sai phạm của Man City kéo dài từ năm 2008, thời điểm giới chủ người UAE tiếp quản CLB, cho đến năm 2018, lúc Premier League tiến hành điều tra. Hiển nhiên, Man City đến lúc này vẫn chưa bị kết luận là có tội hay nhận án phạt. Một Ủy ban độc lập, được chỉ định bởi chủ tịch hội đồng tư pháp Ngoại hạng Anh, Murray Rosen KC, sẽ tiến hành xem xét các bằng chứng và cáo buộc với Man City.
Trong một thông báo chính thức, ban tổ chức Ngoại hạng Anh khẳng định Luật của giải đấu từ mùa giải 2009/10 đến 2017/18 (thời điểm Man City bị điều tra) yêu cầu mỗi câu lạc bộ thành viên cung cấp cho ban tổ chức thông tin chính xác và trung thực về tình hình tài chính, đặc biệt là đối với doanh thu (bao gồm cả doanh thu từ tài trợ), các bên liên quan và chi phí hoạt động.
Nguy cơ sa sút
Cuộc điều tra của ban tổ chức giải đấu độc lập với UEFA 3 năm trước, nhưng cũng dựa trên những cơ sở giống nhau, khi cho rằng Man City gian lận hợp đồng tài trợ và “phù phép” sổ sách. Theo luật của Ngoại hạng Anh, bất kỳ CLB nào tham dự giải đấu cũng không thể kháng cáo lên CAS để đảo ngược quyết định.
Chính vì thế, quyết định của Ủy ban độc lập do hội đồng tư pháp Premier League lập ra sẽ là phán quyết cuối cùng. Luật của Ngoại hạng Anh quy định nếu một CLB vi phạm các quy định tài chính từ giải đấu, họ có thể bị trục xuất khỏi giải đấu, giáng xuống hạng hoặc bị trừ điểm tùy theo mức độ vi phạm.
Trường hợp của Man City khá giống với Juventus, đội vừa bị Liên đoàn Bóng đá (FIGC) trừ 15 điểm vì vi phạm các quy định về tài chính. Mức độ vi phạm của Man City được dự đoán là nghiêm trọng và diễn ra trong thời gian dài hơn Juventus. Chính vì thế, án phạt dành cho nửa xanh thành Manchester có thể nặng hơn CLB Italy.
Nếu bị trừ điểm trong những mùa giải trước, Man City có thể bị tước các chức vô địch giành được trong một thập niên qua. Nếu bị trừ điểm ở mùa này, cơ hội để họ đua vô địch với Arsenal hay cạnh tranh suất dự Champions League sẽ khó hơn.
Trong một bài phát biểu vào tháng 5/2022, Pep Guardiola khẳng định ông đã có cuộc nói chuyện với ban lãnh đạo Man City. Ở đó, chiến lược gia người Catalonia tuyên bố với CLB thành Manchester rằng ông sẽ rời đội ngay lập tức nếu họ lừa dối ông về các cáo buộc gian lận tài chính.
“Tôi hỏi họ mọi thứ và được giải thích. Chính vì thế tôi tin họ 100% sau cuộc nói chuyện”, Pep nói khi đó. “Tôi cũng nói với họ (ban lãnh đạo Man City – PV) rằng, nếu các người nói dối tôi, tôi sẽ rời đi ngay lập tức. Tôi sẽ nghỉ việc và các người cũng không còn là bạn của tôi nữa”.
Tùy vào mức độ án phạt cuối cùng, người ta mới có thể biết Man City sẽ rơi vào tình cảnh nào. Nhưng nếu CLB phải giới hạn về mặt chi tiêu hay bị trừ điểm, điều đó có thể kéo theo sự rời đi của Pep và nhiều ngôi sao như De Bruyne hay Haaland. Nhà đương kim vô địch nước Anh sẽ bị kéo lùi về mặt vị thế.