Thương vụ lịch sử của Đông Nam Á
“Chanathip Songkrasin tạo nên kỷ lục mới về phí chuyển nhượng”, tờ Thai Rath bình luận khi đội trưởng Thái Lan rời Hokkaido Consadole Sapporo để gia nhập Kawasaki Frontale – đội vô địch J-League 2021.
Sau khi dẫn Thái Lan đến với chức vô địch AFF Cup 2020, Chanathip trở thành nhân vật chính trong thương vụ chuyển nhượng có giá khoảng 3,9 triệu USD (130 triệu baht, tương đương hơn 88 tỷ đồng).
Đây là cột mốc chưa từng có với bóng đá Đông Nam Á.
Trước đó, theo transfermarkt, Chanathip cũng là người lập kỷ lục chuyển nhượng của Thái Lan lẫn Đông Nam Á khi đến Consadole Sapporo với chi phí 2,7 triệu USD.
“Từ Consadole Sapporo đến Kawasaki Frontale là sự thăng tiến ngoạn mục của Chanathip”, Thai Rath nhấn mạnh.
Quả thực, bản hợp đồng với Kawasaki Frontale cho thấy giá trị và đẳng cấp của “Messi Thái”, người được báo chí Nhật Bản mô tả “có khả năng tấn công sinh động, kỹ thuật và nhãn quan chiến thuật xuất sắc”.
Chanathip trải qua 115 trận thi đấu ở J-League, ghi 14 bàn và thực hiện 21 pha kiến tạo. Đây là yếu tố quan trọng để Kawasaki Frontale chiêu mộ anh nhằm tăng thêm tính đa dạng cho tấn công.
Có chiều cao khiêm tốn (1,58 m), Chanathip từ bỏ giấc mơ phiêu lưu sang châu Âu để tiếp tục chơi bóng ở J-League, giải đấu mà anh tin tưởng phù hợp với bản thân.
Thái Lan đi trước bóng đá Việt Nam
Ở AFF Cup 2020 vừa kết thúc mới đây, Thái Lan đánh bại đội tuyển Việt Nam trên hành trình giành chức vô địch.
AFF Cup 2020 là giải đấu mà người Thái trở lại sau những năm chìm trong bóng tối và phô diễn một dàn cầu thủ xuất sắc.
Cùng với thành công tại Singapore, thương vụ chuyển nhượng Chanathip cho thấy Thái Lan đi trước bóng đá Việt Nam cả một chặng đường dài.
Trong vài năm qua, bóng đá Việt Nam từng có những thương vụ “xuất khẩu” cầu thủ đến thị trường Thái Lan, châu Á và thậm chí cả châu Âu.
Thế nhưng, không thể phủ nhận phần lớn các thương vụ này liên quan đến thương mại của chủ sở hữu các CLB hơn là giá trị chuyên môn của cầu thủ, ngoại trừ Đặng Văn Lâm vốn trưởng thành ở môi trường châu Âu và có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp.
Người hâm mộ rất tiếc cho trường hợp của Đoàn Văn Hậu, một tài năng đủ sức chơi bóng cho những giải vô địch hàng đầu châu Á, như Chanathip.
Ở thời điểm này, Quang Hải và Hoàng Đức cho thấy họ vượt trội đẳng cấp khu vực ASEAN, như vừa thể hiện tại AFF Cup 2020. Hùng Dũng, người vừa bình phục chấn thương, cũng tiếp cận đẳng cấp châu lục.
Câu hỏi đặt ra: những người này có dám đi đến chân trời rộng lớn hơn? Hoặc liệu họ có được CLB chủ quản cho phép ra nước ngoài vì chuyên môn mà không phải trao đổi thương mại?
Dù theo khía cạnh nào, vấn đề ở đây vẫn là bóng đá Việt Nam chưa đủ chuyên nghiệp và thiếu tính hệ thống.
Thai League chuyên nghiệp hơn so với V-League. Từ đó, người Thái kéo được những ngôi sao quốc tế chất lượng về giải đấu của mình (trong khi với V-League chỉ là một vài cái tên đã qua đỉnh cao, chỉ đến biểu diễn kéo khán giả vào sân), đồng thời mở đường “xuất khẩu” cầu thủ.
Đội tuyển Việt Nam vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là thành công lớn. Nhưng để đấu ngang ngửa với các đội mạnh nhất châu Á, những Quang Hải, Hoàng Đức, Hùng Dũng cần được trui rèn ở môi trường đỉnh cao, thay vì kìm chân họ tại V-League đã trở nên quá chật chội.