Người hâm mộ bóng đá thông thường có thể không biết Rob Rensenbrink. Nhưng khoảng cách để nhân vật này đi vào lịch sử các kỳ World Cup với tư cách người hùng của Hà Lan quả thực ngắn chẳng tày gang.
Duyên nợ
Vào phút cuối của trận chung kết World Cup 1978, Rensenbrink nhận đường chuyền từ sân nhà của Rud Krol. Tiền đạo trái của Hà Lan ngày ấy đối mặt với khung thành, dứt điểm qua người thủ môn Argentina trước khi nhìn bóng từ từ dội cột nảy ra ngoài.
“Milimet”, Krol vừa nói với nhà báo David Winner vừa giơ hai ngón tay để minh họa, “Không, thật ra khoảng cách tới bàn thắng chỉ là một vài micromet mà thôi”.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bóng từ chân Rensenbrink đi vào lưới thay vì dội cột? Hà Lan giờ đã là nhà vô địch của ít nhất một kỳ World Cup. Rensenbrink ẵm luôn ngôi Vua phá lưới giải đấu và có thể mới là cầu thủ Hà Lan hay nhất mọi thời chứ không phải Johan Cruyff.
Dĩ nhiên, chuyện này không xảy ra. Argentina mới là nhà vô địch. Mario Kempes, người mới 23 tuổi khi ấy, vượt mặt Rensenbrink để giành ngôi Vua phá lưới và đi vào lịch sử.
Người chiến thắng có tất cả. Kẻ thất bại đứng đó nhỏ nhoi. Hà Lan của năm 1978 trở thành đội á quân nhợt nhạt như phần lớn các đội á quân khác. Rensenbrink nhanh chóng bị lãng quên như cách phần lớn độc giả ngày nay không biết đến ông. Hà Lan đã 5 lần chạm mặt Argentina tại đấu trường World Cup. “Cơn lốc màu da cam” thắng tới 3 nhưng luôn thua ở những trận đấu quyết định. Trận thua đầu chính là ký ức đắng ngắt tại Buenos Aires năm 1978. “Trận thua” thứ hai là trên đất Brazil ở chấm luân lưu tại vòng bán kết.
Hà Lan chưa từng e ngại Argentina ở bất kỳ cuộc đấu nào hai đội tuyển này chạm mặt tại World Cup. Nhưng định mệnh chỉ cho phép Hà Lan chạm một tay tới ngưỡng cửa thiên đường.
Trên đất Tây Đức vào năm 1974, Hà Lan với niềm cảm hứng Johan Cruyff đã nghiền nát Argentina ở vòng bảng thứ hai tới 4-0. Đấy là cuộc đấu mà sự tiểu xảo, mưu mẹo của người Argentina bị triết lý tổng lực của Hà Lan đè bẹp.
Nhưng Hà Lan về nhì ở giải đấu này sau khi thất bại trước chủ nhà Tây Đức ở trận chung kết dù đã mở tỷ số khi đối thủ còn chưa kịp chạm vào bóng.
Năm 1998, 3 chạm chỉ với chân phải của Dennis Bergkamp giúp Hà Lan thắng Argentina 2-1 ở trận tứ kết có lẽ thuộc dạng kịch tính nhất lịch sử. Nhưng lốc cam sau cùng thua Brazil trên chấm luân lưu ở bán kết và thua tiếp Croatia tại trận tranh giải ba.
Đây là giải đấu mà Cruyff quả quyết Hà Lan mới là đội xứng đáng vô địch nhất (một lần hiếm hoi huyền thoại này bênh đội nhà) nhưng chừng đó vẫn là không đủ để “Lốc cam” phá dớp.
Kỳ vọng
Louis van Gaal và báo chí Hà Lan lúc này đã sớm dự đoán người hùng trước Argentina. Telegraaf tin Memphis Depay sẽ sắm vai trò của Bergkamp như trận đại chiến tại Velodrome cách đây 24 năm. Những dự đoán này là có cơ sở.
Depay đã chơi tệ hại ở giai đoạn vòng bảng khi vẫn phải chịu những hệ quả chấn thương từ Barca. Nhưng khi bước tới trận knock-out đầu tiên, số 10 đã lập tức chứng minh đẳng cấp.
Bàn mở tỷ số của Hà Lan trước Mỹ xuất phát từ chính đường giật gót vừa đủ nhịp của Depay cho Klaassen để tiếp nối sau đó là hàng loạt pha đan lát thần tốc. Và Hà Lan ghi bàn từ chính cú đá chìm của Depay.
Depay chứ không phải Cody Gakpo, trên thực tế mới là người đá hay nhất cho Hà Lan dưới thời Louis van Gaal suốt hơn một năm qua. Nếu Depay chơi tốt, khả năng triển khai bóng theo trục dọc của Hà Lan có thể phá vỡ bất kỳ hệ thống chiến thuật nào. Đây là điểm lưu ý với Argentina khi hàng phòng của “Albiceleste” từng bị công phá bằng cách này trong trận đấu với Saudi Arabia.
Báo chí Argentina và cả các nhà cái thì rất tự tin vào khả năng của “Các vũ công tango”. 8 tiếng trước cuộc thư hùng, tỷ lệ Argentina đi tiếp chỉ được đặt ở mức kèo 1,58/1 (đặt 1 ăn 1,58), khá thấp.
Còn báo chí Argentina với điểm tựa là phát biểu “quyết thắng Hà Lan trong 90 phút” của HLV Lionel Scaloni, bày tỏ sự lạc quan lớn trước trận đấu với “Lốc cam”.
Jorge Valdano, người nổi tiếng điềm đạm của bóng đá Argentina, cũng ngả về các vũ công tango này khi nhận câu hỏi khá móc mỉa về “thứ bóng đá Catenaccio của Van Gaal”: “Những gì người Hà Lan nói về Van Gaal thật tiêu cực. Nghe này, không cầm bóng là một chuyện. Nhưng chỉ trích ông ấy lại là chuyện khác”.
“Lợi thế của Argentina là trận ra quân thất bại tạo ra một vòng luẩn quẩn như có ích: nó giúp chúng tôi nhận nhiều sức ép nhưng buộc đội phải thay đổi và tiến bộ hơn”.
Hà Lan và Argentina gần như không có điểm chung nào về sự va chạm mang tính thù hằn đến mức cộc cằn trong bóng đá. Giao thoa lớn nhất của hai nền bóng đá này thuần túy là những thiên tài. Nhưng đó trên hết mới là điều khiến giới mộ điệu kỳ vọng nhiều nhất vào trận cầu này.
Từ Johan Cruyff đến Diego Maradona, từ Marco van Basten đến Gabriel Batistuta, từ Leo Messi đến Wesley Sneijder… tất cả đều là minh chứng của đỉnh cao bóng đá, cả trong tư duy lẫn kỹ thuật.
Người Hà Lan lẫn Argentina đều muốn thắng. Nhưng người thắng lớn nhất vẫn sẽ là CĐV, những người một lần nữa được chứng kiến cuộc chạm trán vốn đã có đủ hỉ, nộ, ái, ố xuyên suốt lịch sử này.