Chuyên nghiệp, siêng năng và cái nhìn xa
Xuất phát điểm của Philippe Troussier là huấn luyện bóng đá trẻ Pháp, nền móng của học viện danh tiếng thế giới Clairefontaine ngày nay. Vì thế, trong công việc ông luôn hướng đến tương lai lâu dài chứ không chỉ hòa toàn nhìn vào thành tích hiện tại.
Hướng đi của Troussier tạo bước ngoặt cho bóng đá Nhật Bản, khi ông xây dựng được tính kế thừa cho “Samurai Xanh” từ giải vô địch U20 thế giới 1998 đến World Cup 2002 trên sân nhà (đồng tổ chức với Hàn Quốc).
Không chỉ vậy, ông đề xuất Nhật Bản thay đổi hệ thống độ tuổi đào tạo trẻ. Yếu tố này tác động không nhỏ đến thành tích của bóng đá xứ mặt trời mọc ngày nay, từ dấu ấn khi đá World Cup, trở thành thế lực số 1 châu Á cho đến việc xuất khẩu cầu thủ sang châu Âu (đặc biệt là Đức).
Những người từng cộng tác với Troussier đều mô tả ông rất chuyên nghiệp và cần mẫn mỗi khi bắt tay vào công việc.
Không phải người Nhật Bản nào cũng thích Philippe về khía cạnh cuộc sống. Nhưng về công việc và bóng đá, hầu như tất cả đều tôn trọng những gì ông làm.
Kozo Kinomoto, cựu giám đốc Japan Football League, khen ngợi: “Thực sự, Troussier lúc nào cũng chỉ nghĩ đến bóng đá.
Tôi có một số nghi ngờ về sự trung thực của Philippe bên ngoài sân cỏ. Tuy vậy, xét về thái độ của Troussier với tư cách một nhà quản lý bóng đá, ông ấy là lựa chọn lý tưởng“.
Là bạn của Arsene Wenger, mKozo Kinomoto đánh giá cao trách nhiệm của Troussier trong 4 năm dẫn Nhật Bản: “Philippe luôn nghiêm túc trong công việc. Ông ấy không làm gì giữa chừng. Ông rất cần mẫn, nghiêm túc và cũng là người nghiêm khắc“.
Nghiêm túc trong công việc và cũng quyết liệt với thứ bóng đá mình theo đuổi, Troussier đôi khi bộc lộ mặt trẻ con. Ví dụ, ông hay tỏ ra khó chịu và la hét lớn vì những chuyện vặt vãnh ảnh hưởng đến đội.
Nhà cầm quân sinh năm 1955 nhiều lần nói “Nhật Bản không cần đội trưởng“. Chuyện này lặp lại liên tục, khiến ông có xung đột với không ít quan chức và cầu thủ Nhật bản, cũng như một số lãnh đạo CLB tham dự J.League 1.
Hài hước và nóng tính!
Đồng thời, trong và ngoài bóng đá, ông luôn cho thấy mình là một người có khiếu hài hước, với những câu chuyện cười thú vị để giảm căng thẳng cho đội.
Sự hài hước trong lời nói của HLV Troussier giúp cho phòng thay đồ cảm thấy dễ chịu hơn và xua tan những ngột ngạt.
“Trong quá trình thi đấu hay luyện tập, bầu không khí luôn căng thẳng và ông ấy biết cách để mọi chuyện nhẹ nhàng hơn“, Shinji Ono nhớ lại. Những quyết định của Troussier luôn bí mật để đảm bảo đội hình duy trì sự cạnh tranh. “Chúng tôi không biết ai đá chính cho đến khi đội hình được công bố ngay trước lúc bóng lăn“.
Shinji Ono là một trong những cầu thủ hiểu rõ và chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ Troussier. Anh là thành viên U20 Nhật Bản vào chung kết giải thế giới 1999, cũng như khoác áo ĐTQG dự World Cup 2002.
Theo Ono, chiến lược gia người Pháp rất nóng tính khi cả đội không đáp ứng yêu cầu. “Philippe dường như có năng khiếu về điều này, lúc nào ông cũng có thể nổi giận. Nhưng chính điều đó giúp chúng tôi đoàn kết hơn“.
Nhiều lúc “Sorcier blanc” (phù thủy trắng – theo cách gọi trong tiếng Pháp) trở nên thô tục với những lời lẽ không kiềm chế.
Okano Shunichiro – cựu chủ tịch LĐBĐ Nhật Bản (JFA), người từng viết thư cho Arsene Wenger để lấy ý kiến trước khi thuê Troussier – kể rằng “phù thủy trắng”, đôi khi có những bình luận rất… gấu.
Khi Troussier dẫn Nhật Bản, ông chọn trợ lý là Florent Dabadie – phát thanh viên, nhà báo và bình luận thể thao người Paris; ngoài tiếng Pháp mẹ đẻ, ông thông thạo tiếng Nhật, tiếng Anh, cũng như giao tiếp được tiếng Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và tiếng Hàn.
Dabadie luôn dịch đúng nghĩa mà Troussier muốn truyền tải đến cầu thủ, các thành viên JFA hay giới truyền thông Nhật Bản.
“Đừng bao giờ dịch những lời của Troussier theo đúng nghĩa đen!“, Okano Shunichiro phải nhắc Dabadie sau khi nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Chạm vào trái tim cầu thủ
Tháng Hai 1999, hai tháng trước khi tranh tài giải U20 World Cup tại Nigeria, đội tuyển Nhật Bản chọn đóng quân tại Burkina Faso. Cuộc hành trình không chỉ có bóng đá.
Đây là khoảng thời gian rất quan trọng với các chiến binh Samurai trẻ. Họ được cải thiện thể lực, làm quen với những thay đổi về thời tiết châu Phi, đồng thời có cơ hội trưởng thành hơn trong suy nghĩ về cuộc sống.
Sau khi tập luyện mệt mỏi vì chưa quen điều kiện khí hậu, Troussier đưa đội đến thăm trại trẻ mồ côi địa phương.
“Chúng tôi quyên góp sữa bột, thuốc men, cùng với khoản tiền địa phương trị giá khoảng 250.000 yên“, Ono nhớ lại đóng góp của anh và các đồng đội cho những đứa trẻ mồ côi.
Thông qua hành động này, Troussier giúp các cầu thủ hòa mình vào nền văn hóa địa phương. Điều quan trọng khác là ông giúp họ cảm thấy bản thân thực sự may mắn, khi thế giới còn những cuộc sống vất vả khác.
Troussier chạm vào trái tim các cầu thủ. Sau đó, U20 Nhật Bản tiến một mạch đến chung kết, nơi đội thua U20 Tây Ban Nha.
Nhiều cầu thủ trong lứa này đưa Nhật Bản vào chung kết Confederations Cup 2001 (thua Pháp 0-1), rồi làm nên kỳ tích lần đầu tiên vào vòng 1/8 tại World Cup 2002.
Troussier cũng nổi bật ở khía cạnh tìm hiểu văn hóa và ẩm thực tại những vùng đất ông làm việc. Tại Nhật, ông thích ăn mì soba, theo dõi sumo và có quan hệ tốt với một số võ sĩ. Nhờ vậy, sự hiểu biết và tính kết nối với cầu thủ được cải thiện tốt hơn.
Philippe Troussier đã có thời gian tìm hiểu văn hóa lẫn ẩm thực Việt Nam. Giờ là lúc ông chuẩn bị cho cuộc chinh phục mới.