Người hùng Nhật Bản
Sau kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử (France 1998), với 3 trận toàn thua về xếp 31 trong số 32 đội tuyển tham dự, Nhật Bản quyết định làm mới cho tham vọng hướng về giải đấu mà họ cùng Hàn Quốc đăng cai năm 2002.
Thời điểm ấy, Nhật Bản có tham vọng trở thành thế lực lớn của bóng đá châu Á và vươn tầm thế giới.
LĐBĐ Nhật Bản (JFA) liên hệ với LĐBĐ Pháp (FFF) để được tư vấn về huấn luyện viên phù hợp. Câu trả lời được gửi đến JFA rất nhanh: Philippe Troussier đang tự do sau khi chia tay đội tuyển Nam Phi.
Ban đầu, Daini Kuniya – người đứng đầu bộ phận kỹ thuật JFA khi đó – muốn HLV Takeshi Okada tiếp tục công việc sau World Cup 1998. Tuy vậy, ông này quyết định từ chức vì thành tích kém.
Từ lời giới thiệu của FFF, ông Kuniya quyết định đàm phán hợp đồng với Troussier. Mặt khác, phía JFA cũng liên lạc với Arsene Wenger – khi ấy dẫn Arsenal và từng có thời gian làm việc tại Nhật Bản – để hỏi về Philippe.
JFA nhờ Wenger tư vấn về tính và khả năng kỹ thuật của Troussier liệu có phù hợp với văn hóa bóng đá Nhật Bản.
Đích thân Okano Shunichiro, chủ tịch JFA, viết thư cho Wenger để giải quyết những vướng mắc này. Bản hợp đồng được ký vào tháng 9/1998, biến Troussier trở thành HLV nước ngoài thứ 3 dẫn đội tuyển Nhật Bản, sau Hans Ooft (Hà Lan) và Falcao (Brazil).
Troussier dẫn đội tuyển Nhật Bản hướng về World Cup 2022, kiêm luôn vai trò quản lý U20 và đội Olympic.
Những thành công đến ngay tức thì. Với Troussier, U20 Nhật Bản vào đến trận chung kết giải thế giới năm 1999 tại Nigeria, nơi họ thua U20 Tây Ban Nha với thủ lĩnh Xavi Hernandez.
Đó là lần đầu tiên Nhật Bản vào chung kết một giải đấu do FIFA tổ chức. Ông cũng giúp U23 Nhật Bản vào tứ kết Olympic 2000 ở Sydney và chỉ thua U23 Mỹ bởi loạt đá luân lưu.
Chỉ ít tuần sau Olympic, Troussier dẫn đội tuyển Nhật Bản lần thứ hai vô địch châu Á. Chiến thắng này của “Samurai Xanh” gắn với kỷ lục 21 bàn thắng chỉ sau 6 trận đấu.
Hiệu ứng Troussier tiếp nối ở Confederations Cup 2001. Nhật Bản vượt qua vòng bảng với ngôi đầu mà không thủng lưới, trong đó có trận hòa Brazil 0-0. Họ thắng tiếp Australia 1-0 ở bán kết và chỉ thua Pháp 0-1 trong trận tranh cúp (Vieira ghi bàn duy nhất).
Troussier đưa Nhật Bản vào vòng 1/8 World Cup 2002 trước khi chia tay. Ông để lại di sản khổng lồ cho bóng đá đất nước mặt trời mọc.
Người hùng truyện tranh
Cho đến khi chia tay, Troussier là HLV dẫn Nhật Bản nhiều trận nhất trong lịch sử (chỉ tính trong một nhiệm kỳ). Trong nhiệm kỳ của mình, ông có 23 chiến thắng và chỉ thua 11.
Sau này, Zico (71), Alberto Zaccheroni (55) và Hajime Moriyasu (62; hiện vẫn tiếp tục) vượt qua về số trận cầm quân. Nhưng tầm ảnh hưởng của Troussier kéo dài rất lâu.
Chính dấu ấn và những ảnh hưởng với bóng đá Nhật Bản mà Troussier được chọn làm đại sứ thể thao du lịch của nước này vào năm 2008. Đây là một phần quan trọng để thúc đẩy du lịch kết hợp thể thao của đất nước mặt trời mọc.
Trong thời gian ở Nhật Bản, chiến lược gia người Pháp học hỏi văn hóa và thích nghi với ẩm thực đất nước. Điều này giúp ông hiểu hơn về cầu thủ để gặt hái thành công.
Từ đó, người Nhật yêu Troussier. Ông được xem như hình mẫu cho sự phát triển của bóng đá trẻ và học đường tại đây vào đầu thế kỷ này, nền móng cho thành công hiện tại.
Với tình yêu dành cho Troussier, ông được lấy hình mẫu thành một trong các nhân vật chính của truyện tranh Giant Killing khá nổi tiếng.
Giant Killing có nội dung chính về bóng đá, gồm 61 tập xuất bản từ 2007. Tác phẩm xoay quanh 3 HLV chính gồm một người Nhật Bản (Takeshi Tatsumi), một người Hà Lan (Dulfer) và một người Pháp (Blanc).
Nếu như Dulfer là nhân vật chung chung được lấy cảm hứng từ bóng đá tổng hợp của Hà Lan trong thời đỉnh cao sự nghiệp Johan Cruyff, thì Blanc như bản sao của Troussier.
Blanc mang quốc tịch Pháp, dẫn đội tuyển Nhật Bản và luôn đi kèm với hai trợ lý. Cho đến giờ, đây vẫn là một trong những nhân vật truyện tranh được yêu thích với người hâm mộ bóng đá đất nước Đông Á.
Năm 2020, khi đang làm việc với U19 Việt Nam, Troussier một lần nữa được vinh danh với vị trí trong Đại sảnh Danh vọng Bóng đá Nhật Bản.