Tờ báo Tây Ban Nha khẳng định “Los Blancos” sẵn sàng cho việc không còn nguồn thu từ giải đấu số một châu Âu. Họ cũng cố gắng giảm các khoản nợ xuống mức 0.
Đội chủ sân Bernabeu làm vậy vì họ ý thức việc có thể bị đuổi khỏi Champions League. Real đang vướng vào vụ kiện với Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) về dự án Super League. Theo Marca, Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) sẽ có phán quyết vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Nếu thua kiện, nhà ĐKVĐ Champions League có thể bị cấm dự giải.
Tờ Vozpopuli (Tây Ban Nha) khẳng định Chủ tịch Florentino Perez đang nỗ lực tăng gấp đôi giá trị của Real, đồng thời kiên định đặt niềm tin vào dự án Super League. Hiện Real cùng Juventus và Barcelona là 3 đội bóng còn giữ ý định tạo giải đấu này.
Tờ Telegraph (Anh) cho hay các đại diện Premier League không có ý định quay lại dự án Super League. Nguyên nhân chính cho việc này đến từ làn sóng tẩy chay quyết liệt của CĐV bản địa cũng như lời cảnh báo trừng phạt của Chính phủ Anh.
Chỉ 48 giờ sau khi Super League được khởi động vào tháng 4/2021, giải đấu này nhận rất nhiều phản đối từ UEFA, ban tổ chức các giải quốc nội và đặc biệt là người hâm mộ châu Âu.
Tuy nhiên ngay cả khi dự án Super League tạm thời bị đình chỉ, Chủ tịch Aleksander Ceferin và các cộng sự vẫn hứng chịu không ít chỉ trích từ dư luận. The Times tiết lộ UEFA giữ tới 51% tiền trong gói bản quyền truyền hình mới trị giá 15 tỷ euro từ đối tác. Các CLB tham dự Champions League chỉ nhận 49% số tiền kể trên. Chênh lệch lớn ấy là lý do quan trọng khiến hàng loạt CLB máu mặt ở châu Âu ra mặt đối đầu UEFA.
UEFA đứng trước áp lực phải cải tổ giải đấu hàng đầu châu Âu cấp CLB. Ở mùa 2021/22, UEFA quyết định bỏ luật bàn thắng sân khách tại vòng knock-out Champions League. Từ mùa 2024/25, Champions League sẽ nâng số đội tham dự vòng bảng lên 36 với thể thức thi đấu có nhiều thay đổi.