Ở Anh, bạn sẽ rất khó để có được sự công nhận nếu đến từ châu lục kém phát triển hơn.
Câu chuyện của Son Heung-min tại Premier League mùa giải vừa qua chỉ có thể gói gọn trong hai chữ “bất công”. Cầu thủ người Hàn Quốc gồng gánh Spurs từ chỗ bị rớt xuống giữa BXH tới một vị trí dự Champions League mùa tới.
23 bàn thắng vào lưới đối phương, không một pha lập công nào đến từ chấm phạt đền là thành tích vô tiền khoáng hậu của một cầu thủ Châu Á tại đấu trường cao nhất xứ sở sương mù.
Mùa giải bùng nổ
Thế nhưng thứ mà Son Heung-min nhận lại không phải là sự công nhận. Danh hiệu chiếc giày vàng chia sẻ với Salah trong ngày hạ màn Premier League là không đủ. Cầu thủ người Hàn Quốc không có mặt trong danh sách những người hay nhất mùa mà PFA (Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh) công bố.
Những cái tên sáng giá như Kevin De Bruyne, Mohamed Salah, Sadio Mane, Virgil van Dijk, Cristiano Ronaldo và Harry Kane đã được xướng lên. Duy chỉ thiếu mất Son Heung-min, cánh chim đầu đàn giúp Spurs kết thúc mùa giải với một vị trí trong top 4.
Chẳng một ai có thể khẳng định rằng những bàn thắng của Son Heung-min là không quan trọng. Tiền đạo người Hàn Quốc khai màn cho chiến dịch Premier League của Spurs với pha lập công mang về chiến thắng trước đương kim vô địch Man City. Tại trận derby Bắc London quyết định tấm vé dự Champions League ở vòng 36, Son có cho riêng mình một bàn và một kiến tạo để giúp ‘Gà trống’ tiến bước dài trong việc kết thúc mùa giải trong top 4.
Danh hiệu ‘Chiếc giày vàng’ chia sẻ cùng Mohamed Salah là thành quả xứng đáng của Son. Anh là cầu thủ đầu tiên tới từ Châu Á có được vinh dự này, xây chắc vị thế biểu tượng tại xứ sở kim chi khi mang danh hiệu đó trở về quê nhà trong đợt tập trung ĐTQG vừa qua. Thế nhưng, dường như không phải nơi nào cũng ghi nhận thành tích mà cầu thủ của Spurs đã đạt được.
Hệ thống bầu chọn còn nhiều vấn đề
Dù giải thưởng phải tới cuối mùa mới trao, thế nhưng các cầu thủ đã phải đưa ra những sự lựa chọn của mình kể từ tháng 2-3. PFA đề ra ba hạng mục mà các cầu thủ phải điền trước khi hết hạn, bao gồm Cầu thủ hay nhất mùa, Cầu thủ trẻ hay nhất mùa (dành cho những người dưới tuổi 23 trước khi mùa bóng bắt đầu), và đội hình tiêu biểu của mùa giải.
Đối với nhiều người, giải thưởng của PFA là sự công nhận rất lớn trong cả sự nghiệp. Sẽ có những cầu thủ điền nó một cách công tâm nhất có thể, nhưng đồng thời có những cái tên chỉ coi nó chẳng khác gì nghĩa vụ cho xong. Cựu cầu thủ của Liverpool và Stoke City, Charlie Adam, phát biểu:
“Như bản thân tôi, tôi sẽ cân nhắc lá phiếu của mình một cách kỹ lưỡng vì sự tôn trọng tới các đồng nghiệp trên sân. Thế nhưng không phải ai cũng có suy nghĩ như vậy. Sẽ có những người không coi trọng sự lựa chọn của mình. Họ chỉ muốn điền cho xong và đi làm việc khác mà thôi”.
“Chúng tôi được hướng dẫn rằng bạn không thể đề cử cầu thủ của đội mình nếu như họ không góp mặt trong danh sách rút gọn”, Adam nói thêm. “Ngoài ra, không phải lúc nào những lá phiếu cũng cho thấy sự công tâm.
Hãy thử tưởng tượng mà xem, liệu trong một cuộc đua giữa Kevin De Bruyne và Bruno Fernandes nơi hàng tiền vệ, liệu các cầu thủ của Man United có lựa chọn đồng nghiệp bên phía Man City hay không? Tôi nghĩ rằng đây là cuộc bầu chọn mang tính cảm quan hơn là lý trí”.
Một cầu thủ khác từng chia sẻ trên tờ The Athletic: “Thú thực, tôi chỉ quan tâm tới danh hiệu Cầu thủ và Cầu thủ trẻ hay nhất mùa giải. Còn Đội hình hay nhất ư? Không, tôi chỉ điền cho xong mà thôi. Mùa giải lúc đó mới chỉ đi qua 2/3 chặng đường, và bạn chỉ có thể lựa chọn theo cảm tính để hoàn thành nghĩa vụ của cầu thủ mà thôi”.
Son Heung-min mùa giải vừa qua đã có màn nước rút hoàn hảo tại Premier League. Kể từ trận đấu vào cuối tháng 3, cầu thủ người Hàn Quốc ghi tới 12 bàn thắng, chiếm một nửa trong thành tích anh có được mùa giải này. Thế nhưng những nỗ lực đó là quá muộn, ít nhất là trong những cuộc bầu chọn của PFA.
Cuộc sống khó khăn tại xứ sở sương mù
Từ lâu, Premier League nổi tiếng là một nơi “lành ít dữ nhiều” với các cầu thủ tới từ quốc gia hay chủng tộc khác. Sự tán dương là điều hiển nhiên đến sau một màn trình diễn tốt. Thế nhưng khi kết quả không theo ý muốn, hãy chuẩn bị viễn cảnh hứng chịu cơn mưa của sự chỉ trích, phân biệt và miệt thị.
Không khó để bắt gặp những bài báo liên quan tới cụm từ “Son Heung-min bị phân biệt chủng tộc” trên mạng xã hội. Sau trận thua 1-3 trước Man United, trận đấu mà cầu thủ người Hàn Quốc mở tỷ số cho “Gà trống”, truyền thông Anh cho biết đã có rất nhiều dòng trạng thái mang tính miệt thị và xúc phạm hướng tới Son Heung-min trên các nền tảng mạng xã hội.
Cảnh sát đã phải vào cuộc và bắt giữ nhiều đối tượng nặc danh để xử phạt. Đây không phải là lần đầu tiên mà số 7 của Spurs phải hứng chịu những sự cố như thế này. Anh từng là nạn nhân sau pha vào bóng làm gãy chân Andre Gomes năm 2019, hay tấm thẻ đỏ trong trận derby bắc London sau tình huống tiểu xảo với Rob Holding vào cuối năm đó.
Hình phạt luôn được FA cân nhắc xử lý một cách thích đáng, nhưng đằng sau đó là những màn tra tấn về mặt tinh thần trên các trang mạng xã hội mà không một ai mong muốn phải đối mặt.
Son Heung-min chỉ là một trong những nạn nhân tiêu biểu tại bóng đá Anh. Tại đây, thành tích đơn thuần thôi là chưa đủ để có được sự công nhận cuối cùng.