Tuyển Australia mạnh hơn Việt Nam. Đây là điều không thể bàn cãi. Thế nhưng, thầy trò Park Hang-seo vẫn có quyền hy vọng vào kết quả khả quan.
Áp đặt trước các đối thủ cửa dưới
Tại bảng B của vòng loại thứ 3 World Cup 2022, Australia là đội bóng có khả năng áp đặt thế trận tốt nhất trong những cuộc đối đầu với các đối thủ được đánh giá thấp hơn. Trong sơ đồ 4-2-3-1 được sử dụng một cách ổn định, hai hậu vệ biên của Australia được yêu cầu dâng cao khi đội kiểm soát bóng ở 1/3 giữa sân, cùng ba tiền vệ tấn công và tiền đạo tạo ra 6 điểm nhận bóng theo chiều ngang sân. Ở tuyến dưới, hai trung vệ và hai tiền vệ trung tâm đảm nhiệm vai trò luân chuyển bóng.
Cụ thể hơn, một trong hai tiền vệ của Australia thường có xu hướng lùi lại vị trí của hậu vệ biên để chiếm lĩnh khoảng trống và có không gian nhận bóng tốt hơn. Hai hậu vệ biên đẩy cao và kéo giãn cự ly đội hình theo chiều ngang sân, trong khi hai tiền vệ cánh bó vào trung lộ.
Với việc tiền vệ mang áo số 10 Ajdin Hrustic bị treo giò, Aaron Mooy nhiều khả năng sẽ là người thay thế vai trò của cầu thủ đang chơi cho Eintracht Frankfurt. Ở tuyến trên, tuyển Australia vẫn có những lựa chọn quen thuộc và chất lượng như Mathew Leckie, Tom Rogic và Martin Boyle.
Lợi thế đầu tiên trong việc sử dụng tới 6 cầu thủ ở ngay phía trước hàng hậu vệ đối phương của Australia chính là khả năng áp đảo quân số của đội bóng này ở các khu vực tấn công có thể ghi bàn. Pha kiến tạo của Hrustic cho hậu vệ biên phải Rhyan Grant trong trận đấu tại Mỹ Đình chính là một trong những ví dụ điển hình nhất cho hệ quả kể trên.
Sau đường chuyền từ tình huống hai của Hrustic, có đến 3 cầu thủ Australia sẵn sàng xâm nhập vòng cấm địa của Việt Nam là trung phong Adam Taggart, tiền vệ phải Riley McGree và hậu vệ Grant mang áo số 4.
Một đặc điểm khác trong cách chơi của Australia cũng được xây dựng trên nền tảng cấu trúc đội hình của họ là xu hướng sử dụng nhiều đường chuyền xuyên tuyến ở phạm vi trung lộ.
Với việc 2 hậu vệ biên sẵn sàng dâng cao, các tiền vệ cánh của đội bóng này thường có xu hướng di chuyển vào các khoảng trống ở hành lang trong, cùng với tiền vệ tấn công tạo ra các điểm nhận bóng.
Kiên định với những cầu nối tấn công như Boyle, Rogic, triển khai bóng qua khu vực trung lộ rồi tăng tốc ở hành lang cánh là một phương án chiến thuật quen thuộc được HLV Graham Arnold sử dụng với Australia.
Cộng với việc Australia luôn có xu hướng sử dụng một trung phong mục tiêu điển hình như Taggart hoặc Mitchell Duke, các pha triển khai tấn công ra hai hành lang cánh của đội bóng này là đáng gờm, với tốc độ, sức mạnh và khả năng áp đảo trong khu vực cấm địa.
Dù đang phải nhận rất nhiều chỉ trích sau chuỗi 3 trận đấu không thắng tại vòng loại thứ ba World Cup 2022, với hai trận đấu tương đối cân bằng về thế trận trước Nhật Bản và Saudi Arabia, cùng trận hoà đáng tiếc trước Trung Quốc, những gì Australia có thể tạo ra trong một thế trận họ chủ động tạo ra sự áp đặt là rất đáng gờm.
Lợi thế sân nhà và quyết tâm giành ba điểm sẽ khiến tuyển Việt Nam phải đối mặt với những áp lực lớn từ đối thủ.
Nhạc trưởng Tom Rogic
Trong bối cảnh Hrustic bị treo giò và không thể ra sân trong trận đấu với Việt Nam, trọng trách dẫn dắt lối chơi của Australia có thể nói sẽ được đặt trọn vào Tom Rogic, tiền vệ tấn công đang có phong độ ấn tượng tại Celtic.
Nếu như Hrustic có khả năng điều phối bóng từ tuyến dưới với các đường chuyền mang tính đột biến vào vòng cấm địa đối phương, thì Rogic có tầm hoạt động cao hơn, chơi khôn ngoan trong cách chọn vị trí, đơn giản nhưng hiệu quả với các lựa chọn chuyền bóng của mình.
Không có Hrustic, Australia có thể mất đi nguồn cung cấp bóng từ tuyến dưới, nhưng hạt nhân trong lối chơi của đội bóng này ở phạm vi tấn công phải là Rogic, tiền vệ sở hữu số pha kiến tạo nhiều nhất trong đội hình Celtic tại giải VĐQG Scotland.
Đây sẽ là nhân tố mà tuyển Việt Nam cần đặc biệt chú ý đến. Người không chạm bóng quá nhiều, nhưng luôn di chuyển khôn ngoan và nhạy cảm với khoảng trống tấn công ở những thời điểm quyết định.
Cơ hội cho tuyển Việt Nam
Sự kiên định ở cách triển khai tấn công qua những cầu nối ở trung lộ có phần bảo thủ của Australia có thể chính là cơ hội cho tuyển Việt Nam trong cuộc đối đầu trên sân khách. Những thành tích không mấy ấn tượng trong thời gian gần đây, cùng việc không tạo nhiều cơ hội thể hiện cho những nhân tố mới của ông Arnold thậm chí còn khiến chiến lược gia này phải nhận nhiều chỉ trích từ người hâm mộ.
Trên thực tế, ở trận lượt đi, tuyển Việt Nam kiểm soát tốt các đường chuyền xuyên tuyến của đối phương, bằng sự chủ động trong việc dâng cao bọc lót của hệ thống 3 trung vệ. Đó vẫn sẽ là điểm mấu chốt chúng ta cần phát huy trong cuộc tái đấu.
Một khi thành công trong việc phán đoán và cắt các đường bóng như thế, cơ hội cho những tình huống chuyển trạng thái sẽ mở ra một cách thuận lợi hơn. Bởi lẽ, cấu trúc đội hình khi triển khai bóng của Australia có tới 6 cầu thủ thường trực ở phía trước bóng, dẫn tới việc họ sẽ chỉ chống phản công với hai trung vệ và hai tiền vệ trung tâm.
Với khả năng dẫn bóng lên phía trước của Hoàng Đức, hay các đường chuyền có sự đột biến cao của Quang Hải ra sau lưng hàng phòng ngự đối phương, tuyển Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tạo ra các tình huống nguy hiểm.
Sức mạnh và thói quen triển khai bóng của Australia có thể xem là cơ hội cho tuyển Việt Nam, nếu chúng ta làm chuẩn chỉnh từ khâu phòng ngự, đến các tình huống chuyển trạng thái từ không bóng sang có bóng.
Áp lực trên sân khách, trước một đối thủ đang cần điểm số là rất lớn, nhưng HLV Park Hang-seo và các học trò vẫn có phương án tiếp cận trận đấu có thể tạo ra sự hiệu quả.
Nhìn từ những gì diễn ra tại Mỹ Đình, người hâm mộ hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một thế trận kiên trì, chính xác trong phòng ngự, cùng sự tốc độ ở các tình huống phản công của các cầu thủ áo đỏ.