Sút luân lưu ở World Cup không dành cho kẻ yếu tim - Bóng Đá

 Các cầu thủ Argentina ăn mừng trong khoảnh khắc đánh bại Hà Lan.

Không nhiều cầu thủ được trải nghiệm cảm giác sút luân lưu ở một kỳ World Cup. Sau hơn hai giờ quần quật trên sân, cơ thể mệt nhoài và tinh thần sắp kiệt quệ, niềm hy vọng của một quốc gia và đôi khi là lịch sử, tiếp tục đặt trên vai các cầu thủ. Họ chỉ cần thực hiện cú đá từ cự ly 11 m. Tuy nhiên, nó không dành cho những người yếu tim.

Tuyển Brazil và Hà Lan là hai đội gần nhất thấu hiểu nỗi đau khi thất bại ở loạt sút luân lưu tại một vòng chung kết World Cup. Họ lần lượt gục ngã trước Croatia và Argentina bản lĩnh, may mắn hơn ở tứ kết.

Nỗi ám ảnh

Chắc chắn không nhiều đội bóng muốn giải quyết trận đấu bằng loạt luân lưu cân não. Hai trận đầu tiên của vòng tứ kết đều phải phân định thắng thua bằng cách sút phạt đền. Không ai dám khẳng định hai cặp đấu còn lại (Anh – Pháp và Bồ Đào Nha – Morocco) sẽ không diễn ra theo kịch bản này.

“Tôi từng thực hiện các quả phạt đền trong các trận đấu, nhưng trong loạt đá luân lưu ở World Cup, với áp lực đó? Mọi thứ rất khác biệt”, cựu tiền đạo Uruguay, Diego Forlan nói với ESPN.

Sút luân lưu ở World Cup không dành cho kẻ yếu tim - Bóng Đá

 Brazil thua Croatia sau loạt luân lưu cân não.

Trong các buổi họp báo trước trận sau vòng bảng, hầu hết huấn luyện viên đều được đặt câu hỏi về khả năng xảy ra loạt sút luân lưu. Ai cũng thể hiện sự tự tin, có sự chuẩn bị nhất định nhưng thành công còn dựa trên nhiều yếu tố.

Forlan bước lên và sút thành công vào lưới Ghana năm 2010 để giúp Uruguay lần đầu vào bán kết World Cup sau 40 năm. Giờ nhìn lại, cựu sao MU có thể mỉm cười, nhưng đối với mọi cầu thủ được giao nhiệm vụ, đó là khoảnh khắc được và mất: Ghi bàn và bạn là anh hùng. Sút hỏng, cầu thủ đó có thể bị cả đất nước quay lưng.

“Nếu bỏ lỡ, tôi sẽ cảm thấy tội lỗi”, Forlan nói. “Tôi cảm nhận được trách nhiệm khi sút 11 m. Nhưng khi bạn nhìn thấy bóng đi vào lưới, bạn chỉ nghĩ mình đã hoàn thành nhiệm vụ”.

Không phải ai cũng may mắn như Forlan. Tiền đạo huyền thoại Roberto Baggio chơi gần 650 trận trong sự nghiệp kéo dài hơn 20 năm. Ông giành chức vô địch Serie A và là cầu thủ hay nhất thế giới năm 1993. Tuy nhiên, sau tất cả những điều đó, người ta chỉ nhắc đến Baggio vì sút hỏng quả phạt đền quyết định trong trận chung kết World Cup 1994 với Brazil.

“Tôi sẽ không bao giờ quên nó”, ông nói sau nhiều năm. “Đó là giấc mơ thời thơ ấu sắp trở thành sự thật. Và rồi nó kết thúc theo cách ngớ ngẩn nhất mà tôi không bao giờ vượt qua được. Tôi có hàng nghìn cơ hội để sút hỏng quả phạt đền trong sự nghiệp, nhưng đó là cơ hội mà tôi thật sự không được bỏ lỡ”.

Bên kia chiến tuyến, hậu vệ Branco sút thành công trong loạt đá luân lưu ở thất bại của Brazil trước Pháp tại Mexico năm 1986. Ông một lần nữa hoàn thành nhiệm vụ trong trận chung kết 8 năm sau đó.

Branco nói với ESPN: “Thật không dễ dàng để sút một quả phạt đền tại World Cup. Có nhiều thứ lướt qua đầu bạn. Năm 1994, tôi ghi bàn vào lưới Hà Lan ở tứ kết, nhưng trong đầu tôi đã nghĩ, ‘Nếu mình sút hỏng quả 11 m trong trận chung kết thì sao?’. Sút phạt đền là một khoảnh khắc rất riêng tư đối với cầu thủ. Mỗi người cảm nhận theo cách khác nhau. Tôi nghĩ dù khó khăn đến đâu, điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh trong thời điểm đó”.

Những bước di chuyển dài cả thế kỷ

Tuy nhiên, nói thì luôn dễ hơn làm, đặc biệt trong thời gian cầu thủ phải đi bộ từ vòng tròn trung tâm đến chấm phạt đền. Khoảnh khắc này có thể ám ảnh bất kỳ cầu thủ nào.

“Đó là những bước đi cô đơn nhất trong bóng đá”, Andy Townsend, người thực hiện cú sút thành công cho CH Ireland vào lưới Romania ở loạt đá luân lưu tại World Cup 1990, chia sẻ với ESPN.

Sút luân lưu ở World Cup không dành cho kẻ yếu tim - Bóng Đá

 Argentina vượt qua Hà Lan sau 120 phút và loạt sút luân lưu căng thẳng.

Bóng đá là trò chơi tập thể. Khi đứng ở vạch giữa sân, các cầu thủ sẽ cùng nắm tay nhau. Nhưng khi di chuyển đến chấm đá phạt, họ chỉ có một mình. Các cầu thủ biết rằng nếu bỏ lỡ, họ sẽ phải tự lo cho phần còn lại của cuộc đời mình. Khoảng cách chỉ là 11 m, nhưng áp lực là rất khủng khiếp.

“Khi bạn phải đi bộ từ giữa sân đến chấm phạt đền, điều đó thật khó khăn,” Forlan nói. “Khi đang di chuyển, có nhiều thứ xuất hiện trong đầu. Bạn phải cố gắng thư giãn và tập trung. Sau các buổi tập, chúng tôi đều thử mọi thứ có thể xảy ra, kể cả việc đi bộ tới chấm 11 m. Cảm giác không giống nhưng thật tốt khi làm vậy. Nó giúp bạn nhận ra một chút về điều gì có thể đến”.

Một cú đá thành công có thể đến từ lợi thế nhỏ nhất. “Trong trận chung kết 1994, tôi biết thủ môn Gianluca Pagliuca vì anh ấy là đối thủ của tôi ở Italy”, ông Branco nhớ lại. “Tôi chơi cho Genoa, anh ấy chơi cho Sampdoria. Tôi từng đánh bại anh ấy với cú sút 11 m. Nhưng tôi thay đổi cách thức thực hiện. Thường thì tôi sẽ dùng nhiều lực hơn, nhưng anh ấy cũng nắm bắt được điều này. Chính vì thế, tôi muốn đánh lừa anh ấy với cú sút hiểm vào góc xa”.

Những cầu thủ sút hỏng, nỗi ám ảnh sẽ theo họ suốt cuộc đời. Ngược lại, việc nhìn thấy bóng bay vào lưới có thể tạo ra một cảm giác kỳ lạ. Cựu tiền vệ Liverpool, Ray Houghton, khẳng định: “Không có niềm vui nào cả, chỉ là sự nhẹ nhõm đơn thuần”. Forlan nói thêm: “Khi bạn ghi bàn, thật nhẹ nhõm, không có gì khác. Sau đó, đến lượt người khác”.

HLV Luis Enrique tiết lộ tuyển Tây Ban Nha tập 1.000 quả phạt đền trước World Cup. HLV Louis van Gaal cho rằng nếu trận đấu bước vào loạt sút luân lưu, Hà Lan sẽ có lợi thế giành chiến thắng trước Argentina. Tuy nhiên, sự tự tin trước trận chẳng giúp ích gì. Kết quả đã rõ, “La Roja” bị Morocco quật ngã, còn Hà Lan về nước sau thất bại trước Argentina.

Không nhiều cầu thủ trải qua cảm giác sút 11 m tại kỳ World Cup này. Ngay cả với Neymar, anh chưa kịp thực hiện quả đá của mình thì Brazil đã bị loại. Đối với những cầu thủ còn lại ở Qatar, chắc chắn họ không muốn phải bước vào loạt sút penalty để định đoạt số phận của đội tuyển mình. 

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link