Ở lần thứ hai đặt chân đến Nhật Bản, Công Phượng được dự đoán có cơ hội ra sân ở giải đấu cao nhất xứ sở mặt trời mọc. Nhưng để làm được điều đó, anh cần cạnh tranh được vị trí với các cầu thủ khác. Đây là thử thách thực sự đối với tiền đạo quê Nghệ An.
HLV trưởng của CLB Yokohama, Shuhei Yamoda, ưa thích sử dụng sơ đồ chiến thuật 3-4-2-1. Trong sơ đồ này, Công Phượng có thể chơi được ở 3 vị trí trên hàng công.
Giá trị trên thị trường chuyển nhượng không thể hiện hoàn toàn năng lực của cầu thủ. Tuy nhiên, khi Công Phượng chưa có màn trình diễn nào ở đội bóng mới, giá trị có thể là thước đo tương đối để đánh giá cơ hội của tiền đạo tuyển Việt Nam.
Hiện tại, trên Transfermarkt, chuyên trang định giá cầu thủ, giá trị của Công Phượng là 275.000 euro, đứng thứ 8 trong số những nhân tố chơi tấn công của CLB Yokohama.
Tiền đạo cắm có lẽ là vị trí Công Phượng khó chiếm nhất. Chân sút số một của Yokohama là Koki Ogawa có phong độ quá ấn tượng trong mùa giải 2022. Ở J2 League, Ogawa là Vua phá lưới với 26 pha lập công, bỏ xa người thứ 2 là Tiago Alves đến 10 bàn.
Những sự lựa chọn tiếp theo của HLV Yamoda là Kleber, Saulo Mineiro, 2 chân sút người Brazil. Trong đó, Kleber từng có 2 lần khoác áo “Selecao”, chơi cho Porto trong giai đoạn 2011-2015 và ghi được 9 bàn thắng cho đội bóng Bồ Đào Nha. Ở mùa 2022, Kleber có 3 pha lập công.
Mineiro cũng là đối thủ đáng gờm với Công Phượng. Anh có 4 bàn thắng sau 19 lần ra sân ở J2 League 2022, chơi được ở cả 3 vị trí trên hàng công. Mineiro cũng còn trẻ, sinh năm 1997 và sở hữu tốc độ, kỹ thuật tốt.
Điểm chung của Ogawa, Kleber và Mineiro là thể hình ấn tượng. Họ lần lượt cao 1,86 m, 1,87 m và 1,84 m. Bên cạnh đó, hồi tháng 8, Yokohama cũng chiêu mộ thêm tiền đạo người Brazil Marcelo Ryan, cao 1,88 m. Có thể thấy rõ rằng HKLV Yamoda ưa thích sử dụng trung phong có thể hình tốt. Vì thế, Công Phượng gần như “không có cửa” ở vị trí này.
Ở 2 vị trí chơi phía sau trung phong cắm, Công Phượng cũng sẽ gặp nhiều thử thách. Tatsuya Hasegawa, Kazuma Watanabe là những nhân tố được tin dùng. Bộ đôi này lần lượt có 37, 23 lần đá chính.
Trong đó, người được tin tưởng hơn cả là Hasegawa. Anh đứng thú 2 trong danh sách kiến tạo của J2 League với 11 đường chuyền thành bàn, chỉ kém Vua kiến tạo của giải là So Kawahara một lần. Ngoài ra, HLV Yamoda cũng thích kéo Ogawa về đá hộ công, nhường vị trí tiền đạo cắm cho các ngoại binh Brazil.
Vì thế, Công Phượng cần nỗ lực nhiều để được ra sân trong lần xuất ngoại thứ 4. Một yếu tố có thể khiến Công Phượng cũng như người hâm mộ lạc quan là anh ký hợp đồng 3 năm với Yokohama. Điều đó nghĩa là anh sẽ có nhiều thời gian, cơ hội để thích nghi hơn với đội bóng mới.
Trước đây, Công Phượng chỉ chơi cho các đội nước ngoài theo dạng cho mượn có thời hạn một năm và chừng đó là quá ít để anh thể hiện được giá trị.