Hàng nghìn lao động nhập cư đã tập trung tại một sân vận động cricket ở vùng sa mạc ngoại ô thủ đô Doha, vào tối 23/11.

Nơi đây cũng có một màn hình lớn, âm nhạc sôi động và tràn ngập logo của FIFA World Cup, song điểm khác biệt lớn nhất nằm ở khán giả. Đám đông không có phụ nữ và những người hỗ trợ, thiếu màu sắc của các đội tuyển và chắc chắn không có bia – thứ đồ uống ưa thích nhất trong mỗi giải đấu.

Hàng nghìn lao động có mức lương thấp, chủ yếu là người Nam Á, ngồi trên khán đài hoặc trên sân cỏ hướng về màn hình lớn. Đó là một thế giới khác với hình ảnh bóng bẩy của Doha mà hầu hết người hâm mộ bóng đá được thấy trong kỳ World Cup 2022, theo Guardian.

Lòng biết ơn có giới hạn

Sân vận động này nằm trong thị trấn châu Á – một khu phức hợp mua sắm và giải trí được xây dựng cho lao động nhập cư ở Qatar, cách trung tâm thành phố khoảng 30 phút đi xe.

Thị trấn có một nhà kho lớn, một nhà xưởng và dãy nhà trọ trải dài hàng km – nơi ở của hàng trăm nghìn công nhân. Họ thường phải chen chúc trong các ký túc xá đông đúc và tồi tàn.

Trên một bức tường gần lối vào sân vận động cricket, một biểu ngữ bằng tiếng Arab, tiếng Anh và tiếng Hindi mang thông điệp: “Cảm ơn những đóng góp của bạn cho kỳ World Cup tuyệt vời nhất từ trước đến nay”.

Tuy nhiên, rõ ràng lòng biết ơn cũng có giới hạn.

 - Bóng Đá

 Lối vào khu vực xem World Cup của lao động nhập cư ở ngoại ô Qatar. Ảnh: Pete Pattisson/Guardian.

Dù ban tổ chức thông báo người dân Qatar có thể mua vé vào sân trực tiếp xem các trận đấu với giá chỉ 40 rials (tương đương 10 USD), trong số những người trò chuyện với Guardian, không ai có thể mua được với mức giá đó. Những tấm vé quá đắt đỏ đối với lao động nhập cư – những người chỉ kiếm được khoảng 272 USD/tháng.

Nếu không có vé xem trận đấu, họ cũng không thể đăng ký thẻ Hayya – vé thông hành tại các khu vực chính dành cho người hâm mộ ở Doha. Ngay cả khi có thẻ, họ cũng không thể sử dụng hệ thống tàu điện ngầm giá rẻ để đến khu vực này, thay vào đó, họ phải sử dụng các phương tiện khác tốn kém hơn.

Theo Guardian, sân vân động cricket và thị trấn châu Á nói chung làm nổi bật “thế giới song song” của nhiều lao động nhập cư, khác biệt hoàn toàn so với một Qatar hiện đại và bóng bẩy.

Các nhà phê bình cho rằng điều này càng hằn sâu sự chia rẽ, thông qua một thông điệp bất thành văn: Các lao động nhập cư có thể có nhà hàng, cửa hàng và khu vực dành cho người hâm mộ, miễn là họ không bước chân vào thế giới của chúng tôi.

Khi trận đấu giữa Tây Ban Nha và Costa Rica bắt đầu, Dilip Kumar Mandal, lao động nhập cư đến từ Nepal, trông rất hồi hộp.

“Tối nào tôi cũng đến. Tôi thích không khí ở đây”, anh hào hứng chia sẻ. Khi được hỏi đang ủng hộ đội nào, anh nói: “Đội màu đỏ”.

“Tôi muốn đến sân vận động (xem trực tiếp), nhưng không có tiền. Kiếm được bao nhiêu tôi đều gửi về nhà cho các con đi học”, anh nói thêm.

Mandal là một thợ xây, anh rất “may mắn” khi được ở lại đây. Trước khi World Cup bắt đầu, 350 đồng nghiệp của anh được yêu cầu trở về quê nhà, vì công ty của họ đã hoàn thành công việc theo hướng dẫn của chính phủ.

Khi Tây Ban Nha ghi bàn thắng đầu tiên, Mandal mừng rỡ vung nắm đấm về phía trước. “Đúng! Tôi biết họ sẽ ghi bàn”, anh nói, khuôn mặt đỏ bừng dưới ánh sáng của màn hình khổng lồ.

Cách đó không xa là Stephen, đến từ Ghana, anh làm công việc vận chuyển đồ ăn lên máy bay. Trận đấu giữa Tây Ban Nha và Costa Rica diễn ra vào đúng ngày nghỉ của Stephen, trong tuần anh không có thời gian để thư giãn như vậy.

“Tất cả cuộc sống là làm việc, ngủ, rồi lại làm việc”, anh nói.

Giống như Mandal, Stephen không thể mua vé xem trận đấu trực tiếp, nhưng anh rất hiểu biết về bóng đá. Stephen say mê kể về cơ hội của đội tuyển Ghana: “Tôi chỉ hy vọng có thể nghỉ làm để xem (trận đấu)”, anh chia sẻ với Guardian.

Một tấm vé bằng nửa tháng lương

Đến thời gian nghỉ giữa hiệp, hàng trăm người lao về phía sân khấu trước sự xuất hiện của một người dẫn chương trình và 4 vũ công. Cô gửi lời cảm ơn đến đám đông khán giả, gọi họ là “những người bạn châu Phi của tôi”, sau đó chỉ lướt qua những cái tên khác như Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Pakistan, Sri Lanka và Philippines, dù họ chiếm phần lớn lực lượng lao động ở đây.

Không màu cờ của quốc gia nào trong số những nước kể trên được hiển thị trên màn hình. Ngoại trừ Ghana, không quốc gia nào trong số này đủ điều kiện tham dự World Cup. Do đó, những người hâm mộ tại sân vận động này quyết định cổ vũ theo màu áo hoặc một cầu thủ yêu thích.

Trên khán đài, Mohammed Malik – thợ mộc 42 tuổi đến từ Bangladesh – cho biết anh đến xem các trận đấu hàng ngày vì không thể làm gì tốt hơn.

“Công ty đã yêu cầu chúng tôi tạm nghỉ việc, vì chúng tôi không thể đến địa điểm làm việc trong thời gian diễn ra World Cup”, Malik nói. “Họ cũng đã ngừng trả lương cho chúng tôi”.

 - Bóng Đá

 Người hâm mộ tập trung tại sân vận động cricket ở ngoại ô thành phố Doha. Ảnh: Reuters.

Qatar là nơi sinh sống của 2,9 triệu người, phần lớn là công dân nước ngoài. Nhiều nhóm nhân quyền cáo buộc chính quyền không bảo vệ nhóm lao động thu nhập thấp, gồm cả công nhân xây sân vận động và khách sạn cho World Cup 2022.

Nhiều người đã làm việc quá sức, không được trả lương và có điều kiện sống tồi tàn. Trong khi đó, chính phủ Qatar cho biết họ đã ban hành cải cách lao động, nâng mức lương tối thiểu hàng tháng lên 275 USD, theo Reuters.

Yam Kumar Rajbanshi, một người lái xe nâng đến từ Nepal, cũng thường xuyên đến sân vân động dành cho lao động nhập cư.

“Tối nào tôi cũng đến. Tôi yêu bóng đá hơn cricket. Brazil sẽ giành chiến thắng”, anh nói một cách tự tin.

Rajbanshi cho biết vé xem World Cup có giá quá cao, bằng một nửa tiền lương hàng tháng của anh, nhưng dường như anh cũng không quan tâm đến điều đó. “Xem ở đây tốt hơn!”, anh nói.

Đối với một số người, việc trở thành một phần của World Cup cũng cũng là một “sự kiện lớn”, Muhammad Hossein, 45 tuổi, đến từ Bangladesh, nói với Al Jazeera. Anh chia sẻ chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ “đóng góp điều gì đó vào (một sự kiện) quan trọng như thế này”.

Mặc dù quê hương anh là một trong những quốc gia chơi cricket vĩ đại trên thế giới, Hossein cho biết anh không nghĩ Bangladesh sẽ sớm đạt được thành công tương tự trong bóng đá.

“Bangladesh sẽ không đủ điều kiện tham dự World Cup hay đăng cai tổ chức. Hoặc ít nhất điều đó sẽ không xảy ra trong đời tôi”, anh nói.

Trở lại trận đấu giữa Tây Ban Nha và Costa Rica, sau khi đội bóng màu đỏ giành chiến thắng 7-0, những công nhân từng góp sức giúp điều đó thành hiện thực dần trở về ký túc xá tồi tàn của họ, trong tiếng nhạc của những tay trống từ miền Nam Ấn Độ.

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link