Việc một cầu thủ Việt Nam được đề cử vào danh sách Quả bóng vàng châu Á là điều không mới. Trước đây, trung vệ Vũ Như Thành hay tiền vệ Nguyễn Quang Hải từng lọt vào danh sách này. Tuy nhiên, việc một tiền đạo của đội tuyển Việt Nam, vị trí mà chúng ta ít sản sinh ra những cây săn bàn chất lượng, lại nhận được đề cử, quả là một chuyện đáng mừng cho bóng đá nước nhà.

Đây là năm thứ hai liên tiếp tiền đạo Nguyễn Tiến Linh lọt vào danh sách Cầu thủ xuất sắc nhất châu Á. Năm ngoái, tiền đạo thuộc biên chế Becamex Bình Dương cán đích ở vị trí 22, đến năm nay Tiến Linh dừng chân ở vị trí 29. Tuy thành tích còn khiêm tốn, nhưng nó cũng đủ nói lên đẳng cấp và tầm ảnh hưởng của tiền đạo này đối với bóng đá nước nhà.

Tiến Linh là hàng hiếm của bóng đá Việt Nam - Bóng Đá

 Tiến Linh có năm thứ 2 liên tiếp lọt đề cử QBV châu Á.

Nổi lên với vai trò là kép phụ cho Anh Đức, Tiến Linh dần thay thế và trở thành tiền đạo số một của “Những ngôi sao vàng” dưới thời HLV Park Hang-seo. Cầu thủ sinh năm 1997 chính là lời giải cho vị trí tiền đạo mục tiêu, vốn là vấn đề đau đầu của thầy Park trong một thời gian dài.

Sau 38 trận đấu cho ĐTQG, Tiến Linh ghi được 18 bàn, xếp thứ 3 trong danh sách những chân sút tốt nhất lịch sử đội tuyển Việt Nam (bằng với Nguyễn Hồng Sơn). Càng ngày, Tiến Linh càng hoàn thiện bộ kỹ năng của mình, từ tì đè, càn lướt đến băng cắt dứt điểm. Khả năng dùng đầu của tiền đạo này là vũ khí lợi hại khiến người ta nhớ về anh.

Tại AFF Cup 2022, Tiến Linh trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên giành danh hiệu Vua phá lưới ở giải đấu này với 6 bàn thắng ghi được. Với AFF Cup, trong lịch sử, Việt Nam có 3 Cầu thủ xuất sắc nhất giải là Nguyễn Hồng Sơn (1998), Dương Hồng Sơn (2008) và Quang Hải (2018), nhưng Vua phá lưới thì Tiến Linh là người đầu tiên.

Tiến Linh là hàng hiếm của bóng đá Việt Nam - Bóng Đá

 Tiền đạo này là cầu thủ Việt Nam đầu tiên giành danh hiệu Vua phá lưới AFF Cup.

Từ khi hội nhập với bóng đá khu vực, khách quan mà nói, đội tuyển Việt Nam không sản sinh ra được quá nhiều tiền đạo giỏi. Những cái tên có thể khiến đối thủ e sợ loanh quanh cũng chỉ có Lê Huỳnh Đức, Lê Công Vinh hay Phạm Văn Quyến. Anh Đức cũng hay, nhưng lại tỏa sáng quá muộn, cho nên đóng góp ở ĐTQG thực sự không nhiều.

Tiến Linh nổi lên như làn nước mát xua tan sự khô hạn của vị trí tiền đạo đội tuyển Việt Nam. Nếu tính các cầu thủ có số trận từ 30 trở lên, Tiến Linh sở hữu hiệu suất 0,47 bàn/trận, con số chỉ kém Công Vinh (0,61 bàn/trận), Huỳnh Đức (0,53 bàn/trận) và Hồng Sơn (0,49 bàn/trận).

Ở tuổi 25, Tiến Linh hứa hẹn sẽ tiếp tục tỏa sáng và đóng góp nhiều hơn nữa cho ĐTQG trong tương lai. Mục tiêu tiếp theo tiền đạo này có thể hướng đến là xô đổ thành tích 27 bàn của Huỳnh Đức, qua đó trở thành chân sút tốt thứ 2 trong lịch sử tuyển Việt Nam

(Bạn đọc: Vương Ngọc)

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link