Lúc này, 99% Barca sẽ phải đối mặt với mùa giải trắng tay khi đã bị loại khỏi Europa League và kém Real Madrid tới 15 điểm trên BXH La Liga khi giải còn 5 vòng.
Chuyện gì đã diễn ra với tập thể đã vùi dập Real Madrid tới 4-0 và trình diễn thứ bóng đá đẹp mắt kể từ khi Xavi trở lại?
Những biến cố bất ngờ
Mọi thứ bắt đầu từ trận lượt về tứ kết Europa League với Frankfurt trên sân nhà Camp Nou. Barca được đánh giá mạnh hơn đại diện nước Đức và với trận hòa 1-1 ở lượt đi, cơ hội đi tiếp của thầy trò Xavi là đặc biệt sáng sủa.
Tuy nhiên, Barca thua 0-3 sau 67 phút, và kết thúc trận đấu với tỷ số 2-3 và bị loại. Sau trận, những nhân vật đại diện cho Barca không đề cập gì tới lối chơi hay tinh thần, tóm lại là những yếu tố chuyên môn thuần túy thể thao. Tất cả đều nhắm tới vấn đề xảy ra trên khán đài.
Sân Camp Nou có sức chứa gần 100.000 chỗ, nhưng chỉ có 79.468 khán giả tới sân. Trong đó, có tới 30.468 CĐV Frankfurt, chiếm gần 39% khán giả. Tất cả mặc áo trắng và hát cổ động đội khách suốt trận. Điều này khiến cầu thủ và HLV Barca bất ngờ, vì Frankfurt ban đầu chỉ được phân bổ 5.000 vé.
Chủ tịch Barca, ông Joan Laporta, nói với Mundo Deportivo: “Điều diễn ra trên khán đài thật hổ thẹn và không bị xem nhẹ. Với tư cách một cule, tôi thấy xấu hổ. Barca sẽ có biện pháp”. HLV trưởng Xavi thì nhấn mạnh: “Tôi đã kỳ vọng có 70.000 CĐV Barca trên khán đài, nhưng điều đó đã không xảy ra”.
Khán đài chứa CĐV Barca thì bỏ về sau giờ nghỉ giải lao để phản đối việc có quá nhiều CĐV đội khách.
Biến cố ở trận thua Frankfurt khiến Barca choáng váng. Thầy trò Xavi thua tiếp Cadiz 0-1 cũng trên sân nhà Camp Nou chỉ sau đó 4 ngày. Chiến thắng 1-0 trên sân khách trước Real Sociedad hôm 21/4 không giải quyết được vấn đề khi Barca lại thua khi quay lại thánh địa Camp Nou với thất bại 0-1 trước Rayo Vallecano.
Chỉ trong 10 ngày, Barca thua liền 3 trận trên sân nhà Camp Nou, điều chưa từng diễn ra trong lịch sử.
Song đây không phải lùm xùm duy nhất diễn ra với Barca trong quãng thời gian này. Hôm 18/4, tờ El Confidencial tiết lộ đoạn ghi âm chia tiền giữa Gerard Pique và Chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha (RFEF) về việc tổ chức Siêu cúp Tây Ban Nha mùa giải 2019/20.
Đại loại, Pique là người sáng lập kiêm chủ tịch của Kosmos Holding, công ty làm thể thao, giải trí, và là bên trung gian kết nối LĐBĐ Tây Ban Nha với Saudi Arabia để tổ chức Siêu cúp Tây Ban Nha.
Trong đoạn ghi âm bị lộ, Pique tự đứng ra chia tiền thưởng cho 4 CLB tham dự. Barca và Real Madrid đều nhận được 8 triệu euro, hai đội còn lại chỉ nhận được lần lượt 1 và 2 triệu euro. Còn công ty của Pique nhận được 4 triệu euro. Chủ tịch RFEF sau đó nhắn tin cảm ơn Pique vì chia tiền hợp lý.
Bất chấp việc Pique sau đó lên tiếng việc bản thân làm không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đây được coi là hành động không đẹp khi trung vệ này vẫn còn thi đấu. Hành động tham gia chia chác tiền bạc này của Pique càng đổ thêm nghi ngờ vào những cáo buộc của trung vệ này trong việc đẩy Lionel Messi khỏi Camp Nou vào mùa giải trước.
Tờ ABC thậm chí còn đưa tin về chuyện cách đây diễn ra 2 năm trong phòng thay đồ Barca khi Joseph Bartomeu vẫn là chủ tịch CLB. Pique khi ấy vừa gia hạn hợp đồng với mức lương cao. Khi các cầu thủ Barca phát hiện ra điều này, dòng chữ “Traitor” (kẻ phản bội) được viết lên tường trong phòng thay đồ, nhằm ám chỉ trung vệ người Tây Ban Nha.
Chưa hết, Marca tiết lộ nhiều năm trước Sergio Ramos chỉ trích Chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha qua tin nhắn thoại với Pique. Nhưng ngay sau đó, trung vệ Barca chuyển tiếp tin nhắn này cho chính Chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha cùng dòng tin nhắn: “Rubi, đây là tin nhắn Ramos gửi tôi. Tôi nghĩ ông nên xem”.
Cuối cùng, vấn đề thuần túy thể thao khiến Barca sa sút nằm ở chấn thương của Pedri. Tiền vệ sinh năm 2002 bị rách gân khoeo chân trái và nghỉ đến hết mùa giải. Thiếu Pedri, Barca lập tức sa sút.
Thống kê của ESPN cho thấy Barca bất bại trong 12 trận (10 thắng, 2 hòa) khi Pedri ra sân tại La Liga mùa này. Nếu Pedri vắng mặt, Barca mất điểm tới 13 lần trong 21 trận.
Sự phụ thuộc thái quá vào tiền vệ mới 20 tuổi như Pedri không phải điều đáng ghi nhận với một CLB lớn như Barca. Tiền vệ người Tây Ban Nha còn quá trẻ, và việc thi đấu liên tục cả trong màu áo CLB lẫn ĐTQG không phải lúc nào cũng là trợ lực trong quá trình phát triển sự nghiệp.
Pedri cần nghỉ ngơi. Barca không thể đáp ứng điều này. Và kết quả giờ thật đáng ngại. Barca sẽ trắng tay, còn Pedri dính chấn thương nặng.
Cẩn thận vết xe đổ Ole Solskjaer và MU
Sự trở lại của Xavi mang tới nhiều kỳ vọng cho Barca. Hình ảnh nhà cầm quân sinh năm 1981 gào thét trong phòng thay đồ sân Bernabeu khi Barca đè bẹp Real Madrid 4-0 để lại nhiều dư vị của quá khứ, thời điểm Barca vẫn là đội bóng số một thế giới với Xavi là trái tim hàng tiền vệ.
Tuy nhiên, thống kê trên sân cỏ cho thấy tỷ lệ thắng của Barca thời Xavi chỉ là 53%, thấp hơn cả thời Ronald Koeman (60%). Xavi thua tới 7 trận chỉ sau 32 trận dẫn dắt Barca. Khi Zinedine Zidane chạm tới mốc 7 trận thua cùng Real Madrid, nhà cầm quân người Pháp đã cùng Real giành tới 3 danh hiệu.
Sự hứng khởi trong chốc lát mà Xavi mang lại đang che mờ đi nhiều vấn đề tồn tại ở Barca lúc này. Họ có quá nhiều cầu thủ đóng góp ít (Samuel Umtiti, Martin Braitwaith, Luuk de Jong, Memphis Depay), chưa đủ mạnh đều ba tuyến, và quá phụ thuộc vào một vài cá nhân.
Những CĐV Barca nên nhìn vào vết xe đổ của Ole Solskjaer với MU đề chuẩn bị tinh thần cho những gì sắp diễn ra. Solskjaer khi mới tới MU cũng tạo ra nhiều trận cầu mãn nhãn và bùng nổ, nhưng sau khi hứng khởi qua đi, những vấn đề lộ rõ, MU hiện nguyên hình là đội bóng không đủ sắc bén để chinh phục các danh hiệu.
3 trận thua liên tiếp tại Camp Nou là hồi chuông cảnh tỉnh cho những niềm tin đặt vào Xavi tại Barca. Chiến thắng 4-0 trước Real Madrid không đảm bảo bất kỳ điều gì ngoài sự sung sướng trong chốc lát. Barca vẫn còn nhiều việc phải làm, và Xavi không phải Pep Guardiola để lập tức biến Barca thành đội bóng số một thế giới.
Tuần trăng mật của Xavi với Barca, đã kết thúc.