Tuyển Anh, Mỹ, và Xứ Wales sẽ tạo ra một bảng đấu của những người anh em cùng nguồn cội. Trong khi đó, tuyển Iran lại là đội kém danh tiếng hơn và đến từ một vùng đất có nhiều sự khác biệt so với 3 đối thủ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa đội bóng của HLV Carlos Queiroz là đối thủ dễ chơi với Anh, Mỹ, hay Xứ Wales.

Thế hệ vàng

Khi nói đến truyền thống và thành tích trong quá khứ, ít đội bóng châu Á nào có thể tự hào về bề dày lịch sử hơn Iran. Họ từng vô địch ba kỳ AFC Asian Cup liên tiếp từ năm 1968 đến 1976.

Người Iran cũng sản sinh ra những ngôi sao mang tính biểu tượng của châu lục, mà ngay cả bóng đá châu Âu cũng có thể nhận ra như Ali Daei và Ali Karimi, hai cái tên từng chơi cho Bayern Munich. Mehdi Mahdavikia, người được xem như huyền thoại tại Hamburg, cũng là một cái tên lừng lẫy khác trong lịch sử bóng đá Iran.

 - Bóng Đá

 Tuyển Iran có thể gây bất ngờ ở World Cup 2022.

Đội bóng biệt danh “Team Melli” dự World Cup lần đầu năm 1978. Kể từ đó, họ liên tục nằm trong số những đội hay nhất châu Á và tham dự 3 kỳ World Cup gần nhất. Tuy nhiên, điều tiếc nuối lớn với bóng đá Iran đó là họ chưa từng vượt qua vòng bảng World Cup. Trong khi những nền bóng đá khác ở châu Á như Saudi Arabia, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều từng làm nên lịch sử bằng việc góp mặt ở vòng 16 đội.

Đến World Cup 2022, tuyển Iran đặt nhiều niềm tin vào một thế hệ cầu thủ đồng đều cũng như đạt độ chín. Đẳng cấp của các ngôi sao đang thi đấu ở châu Âu cùng kinh nghiệm sau kỳ World Cup thứ 3 liên tiếp tham dự có thể giúp Iran tạo ra bất ngờ.

4 năm trước, trong một bảng đấu còn khó khăn hơn, với sự xuất hiện của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, “Team Melli” đã tiến rất gần đến tấm vé lịch sử vào vòng loại trực tiếp World Cup.

Sau chiến thắng mở màn 1-0 trước Morocco, Iran có trận thua 0-1 đáng tiếc trước Tây Ban Nha. Diego Costa ghi bàn thắng đầy may mắn cho “La Roja” ở trận đấu đó, trong khi tuyển Iran bị tước một bàn thắng vì lỗi việt vị. Đến trận đấu cuối cùng với Bồ Đào Nha, họ bị đội đương kim vô địch châu Âu khi đó cầm hòa với tỷ số 1-1. Iran chơi hay trong những phút cuối trận và nếu Mehdi Taremi không bỏ lỡ cơ hội đối mặt thủ môn, đội bóng châu Á đã có thể làm nên lịch sử.

4 năm sau, tuyển Iran đã mạnh hơn. 13 cái tên trong danh sách 25 cầu thủ dự World Cup 2018 có mặt ở giải đấu tại Qatar. Taremi, người tự dằn vặt bản thân vì bỏ lỡ những cơ hội ngon ăn trước Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha 4 năm trước, trở thành một trong những chân sút hay nhất châu Âu mùa này.

Taremi ghi tới 5 bàn ở Champions League mùa này, chỉ kém Kylian Mbappe và Mohamed Salah (cả hai cùng có 7 bàn) trong danh sách vua phá lưới giải đấu. Đối tác của Taremi trên hàng công, Sardar Azmoun, cũng là cái tên từng được kỳ vọng tỏa sáng ở châu Âu sau khi gây ấn tượng tại Zenit St. Petersburg. Mùa 2020/21, anh được bầu là cầu thủ hay nhất giải VĐQG Nga.

Mùa này, chân sút của Bayer Leverkusen gặp nhiều vấn đề về sức khỏe nên mất suất đá chính ở ĐTQG. Tuy nhiên khi cần, Azmoun vẫn là cái tên có thể tạo ra sự khác biệt. Alireza Jahanbakhsh và Saman Ghoddos cũng được đánh giá cao nhờ kinh nghiệm thi đấu ở Premier League và bóng đá châu Âu.

Sau khi rời Brighton, Jahanbakhsh khoác áo Feyenoord. Anh có 2 bàn cùng 3 kiến tạo sau 15 trận cho đại diện Hà Lan kể từ đầu mùa. Về phần Ghoddos, anh chưa thể có suất đá chính tại Brentford. Nhưng kinh nghiệm nhiều năm chơi ở giải VĐQG Thụy Điển hay Ligue 1 giúp tiền vệ 29 tuổi vẫn được đánh giá cao.

Majid Hosseini (Kayserispor, Thổ Nhĩ Kỳ), Ali Gholizadeh (Charleroi, Bỉ), Karim Ansarifard (Omonia, Síp) và Saeid Ezatolahi (Vejle, Đan Mạch) là những cái tên khác đang khẳng định chỗ đứng của mình tại các giải VĐQG châu Âu. So với Nhật Bản hay Hàn Quốc, bóng đá Iran rõ ràng đang sở hữu một thế hệ cầu thủ tài năng không hề thua kém.

Tinh thần đoàn kết

Những bất ổn trên băng ghế HLV hai năm qua từng là rào cản với tuyển Iran, nhưng sự trở lại của HLV kỳ cựu Carlos Queiroz mang đến nhiều hứa hẹn. Trợ lý cũ của Sir Alex Ferguson rời tuyển Iran sau Asian Cup 2019, nhưng trở lại vào tháng 9 để thay thế Dragan Skocic.

 - Bóng Đá

 Iran rơi vào bảng đấu có sự xuất hiện của Anh, Mỹ và Xứ Wales.

Queiroz từng có 8 năm dẫn dắt tuyển Iran, là HLV ngoại lâu nhất lịch sử ĐTQG nước này. Dưới sự dẫn dắt của chiến lược gia người Bồ Đào Nha, “Team Melli” gây ấn tượng mạnh bởi hàng phòng ngự chặt chẽ, lối chơi kỷ luật và tinh thần đoàn kết. Hồi tháng 9, tuyển Iran đánh bại Uruguay 1-0 và cầm hòa Senegal 1-1 trong hai trận giao hữu.

Trong buổi họp báo trước thềm trận gặp Anh ở vòng bảng, thủ quân Jahanbakhsh nói rằng anh không bất ngờ trước cách truyền thông xứ sương mù “chơi trò tâm lý”, bằng việc đặt những câu hỏi nhạy cảm cho tuyển Iran. Song, ngôi sao của Feyenoord tin rằng khoác áo ĐTQG luôn là “giấc mơ lớn với anh và các đồng đội”.

Jahanbakhsh tuyên bố: “Chúng tôi luôn tôn trọng màu áo và ĐTQG, bất kể điều gì xảy ra. Cả đội đã trải qua rất nhiều khó khăn, và trong suốt những năm qua, có rất nhiều thăng trầm xảy đến, nhưng sự đoàn kết luôn là điểm mạnh nhất của chúng tôi”.

Ngoại trừ tuyển Anh, cả Mỹ và Xứ Wales đều không có trình độ quá chênh lệch với đại diện từ Tây Á. Bầu không khí nóng ẩm ở Qatar cũng có thể là lợi thế với Iran, quốc gia tương đồng về khí hậu và điều kiện tự nhiên. Chưa bao giờ người Iran kỳ vọng đội tuyển quốc gia của họ có thể làm nên chuyện ở World Cup như lúc này.

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link