Dịch bệnh vẫn đang ngay bên cạnh chúng ta và bóng đá không nằm ngoài ảnh hưởng của nó. Đầu tháng 1/2022, giải giao hữu tại Ninh Bình do CLB Công An Nhân Dân tổ chức đã chứng kiến một tình huống liên quan tới dịch bệnh.
CLB Nam Định đã rút khỏi trận đấu và bị xử thua một trận sau khi Trần Liêm Điều dương tính với Covid-19 và toàn đội thành Nam cũng có mặt tại lễ báo hỉ của thủ môn trẻ này.
Đấy là một trận giao hữu nên không có vấn đề gì cả, biện pháp nói trên được xem là hình thức phòng tránh được các bên tham gia đồng thuận và dễ dàng thống nhất. Thế nhưng với các giải chính thức ở tầm quốc gia, câu chuyện sẽ rất khác.
Chủ động và tích cực
Cách đây không lâu, thông điệp chủ động và tích cực ứng phó của đã được Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) phát ra. Phó chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc, người đồng thời giữ vai trò Trưởng ban điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp, đã chia sẻ về tinh thần bình thường mới cho mùa giải quốc nội 2022.
Ông Minh Ngọc cho biết: “Nếu đội A đến sân đội B thi đấu thì trước khi đến địa điểm đóng quân, đội A phải xét nghiệm Covid-19. Và đặc biệt một ngày trước khi trận đấu diễn ra, cả đội chủ nhà lẫn đội khách đều phải xét nghiệm Covid-19 do đơn vị y tế địa phương thực hiện. Chỉ những thành viên có kết quả âm tính mới được tham gia trận đấu”.
Rõ ràng, đây là một điểm mới của mùa giải 2022. Hướng dẫn như trên thể hiện tinh thần không vì một vài ca dương tính lẻ mà các trận đấu nói riêng và giải đấu nói chung phải dừng, hoãn hoặc hủy.
Tổ chức được các trận đấu là câu chuyện tiên quyết không chỉ vì những lý do chuyên môn mà còn vì thương mại tương lai nữa. Từ mùa 2023, các giải V.League sẽ có cơ hội chào bán gói bản quyền truyền hình mới toanh, thứ mà tất cả các bên liên quan đều đang trông chờ. Nếu không tổ chức được các trận đấu, số trận sụt giảm thì lấy đâu ra giá trị mà bán?
Những rủi ro cần suy tính
Dĩ nhiên, tinh thần bình thường mới sẽ còn có khó khăn để tiến hành trên thực tế nếu như không có sự đồng nhất từ tư tưởng của các bên liên quan cho đến cơ chế, bao gồm cả cơ chế quy định và pháp luật. Lý do là bởi vẫn còn những rủi ro khác chưa nằm trong thông điệp được Trưởng BĐH Minh Ngọc đưa ra.
Về phía CLB, họ sẽ đối mặt rủi ro là ở toàn đoàn âm tính trước khi di chuyển thi đấu sân khách nhưng một ngày trước trận thì có thành viên dương tính. Khi ấy, như đã nói phía trên, người dương tính phải chấp hành quy định về cách ly và điều trị của địa phương sân khách.
Vấn đề nằm ở chỗ không tham gia trận đấu thì thôi nhưng sau trận thì sao? Cầu thủ đó có được ra về cùng đoàn hay không hay phải lưu lại để cách ly và điều trị?
Gần như chắc chắn, sẽ có các chi phí phát sinh và nhiều khả năng CLB sẽ tổn thất từ một số cho tới trọn gói để nhân sự của mình cách ly. Chưa kể hiện vẫn còn rủi ro mỗi địa phương có một quy định khác nhau, đòi hỏi CLB phải nắm bắt rất nhanh và chính xác.
Với việc nhiều khả năng lịch đấu có những giai đoạn liên tục 4-5 ngày/trận, không loại trừ khả năng một cầu thủ dương tính trong trường hợp trên sẽ phải vắng mặt tới 2-3 trận liền, chưa tính tới câu chuyện tập luyện phục hồi thể lực sau đó.
Dĩ nhiên trong trường hợp may mắn, cầu thủ chỉ cần khoảng 3 ngày đã hết dương tính cũng như không có biểu hiện bệnh lý nào. Nhưng quản lý rủi ro là tính tới các trường hợp xấu nhất để có sự chuẩn bị và sẵn sàng.
Như vậy, các CLB sẽ cần ngân sách dự phòng, quy trình xử trí rõ ràng. Các đội bóng Việt Nam thậm chí có thể học hỏi những CLB hàng đầu quốc tế cách phân công, bổ nhiệm các nhân viên chuyên trách để xử lý tình huống dịch bệnh.
Về phía giải đấu, vẫn cần có thêm hướng dẫn về việc một trận đấu như thế nào thì sẽ bị hoãn vì dịch bệnh. Tại mùa 2022, các đội giờ có thể đăng ký danh sách lên đến 35 cầu thủ, qua đó đã hạn chế rủi ro thiếu người.
Vậy nếu một đội có 10 ca dương tính thì có tiếp tục thi đấu không? Trên lý thuyết, 25 cầu thủ vẫn là con số thoải mái. Nhưng tâm lý của các bên liên quan liệu có bị ảnh hưởng, dẫn đến tranh cãi khi ra quyết định?
Đây là những chi tiết mà các bên phải cùng nhau thiết lập thành một luật chơi và cùng tuân thủ.
Cần nhớ rằng, đến Premier League của Anh còn gặp cảnh không rõ ràng và dẫn đến tranh luận dai dẳng. Ta nên lấy họ làm bài học, bởi chắc chắn mỗi đội bóng, mỗi nhà lãnh đạo đội bóng lại có cách suy nghĩ khác nhau trong các tình huống cần ra quyết định. Và tình huống kể trên thì hoàn toàn có thể xảy ra.
Sau cùng, đừng quên rằng mọi thứ đều có thể bị ảnh hưởng bởi quy định, chỉ đạo của chính quyền các địa phương. Năm ngoái khi dịch bệnh bùng phát, nhiều ý kiến chỉ trích đã xuất hiện và cho rằng các cơ chế thi đấu theo dạng bong bóng nên được áp dụng. Dù vậy, việc này phải được cơ quan chức năng cho phép, ban điều hành giải hay các đội không tự quyết định được.
Trong hoàn cảnh phức tạp và phức hợp, các bên tham gia phải có sự chủ động suy tính trước về tương lai. Không thể áp dụng tư duy “việc đến đâu xử lý đến đó”.
Chúng ta phải nhìn thấy trước những thứ vô hình. Vì “đối thủ” Covid-19 cũng vô hình.