“Mọi người chạy tán loạn xung quanh để cố gắng thoát ra ngoài”, Reihan Zailani, người có mặt tại sân vận động Kanjuruhan tối 1/10 kể lại với Al Jazeera. “Lối ra đã bị khóa và mọi người giẫm đạp nhau ở đó”. Zailani cuối cùng cố gắng thoát ra ngoài thành công nhưng nói rằng cảnh sát vẫn tiếp tục bắn hơi cay ngay cả khi người hâm mộ đã thoát khỏi sân vận động.
Zailani không phải người duy nhất cho rằng nếu cảnh sát Indonesia không sử dụng hơi cay và khí gas chuyên dùng để trấn áp bạo động, thảm kịch sẽ không xảy ra. Ba nhân chứng nói với Guardian rằng cảnh sát không chỉ bắn hơi cay vào các phần tử quá khích tràn xuống sân, những người còn đứng trên khán đài vẫn bị tấn công và không có cảnh báo nào được đưa ra từ trước.
Bài học từ quá khứ
Quy chuẩn an toàn của FIFA nêu rõ rằng “khí kiểm soát đám đông” không được mang hoặc sử dụng bên trong sân vận động bởi đội ngũ quản lý hoặc cảnh sát. Trong quá khứ, nhiều thảm kịch chết người đã xảy ra khi các nhà chức trách dùng hơi cay trấn áp bạo loạn trong sân vận động.
Vào ngày 9/5/2001 tại sân vận động Accra Sport (Ghana), 126 cổ động viên đã chết trong một vụ việc tương tự. Hai đội bóng thành công nhất của Ghana lúc bấy giờ, Accra Hearts of Oak và Asante Kotoko đối đầu nhau. Sau khi Accra ghi bàn phút cuối để thắng đối thủ đầy kịch tính, người hâm mộ Asante bắt đầu ném ghế và chai nước xuống sân. Cảnh sát sau đó phản ứng bằng việc bắn hơi cay vào đám đông, gây ra sự hoảng loạn.
Các cổng sân vận động được cho là đã bị khóa, dẫn đến sự giẫm đạp lẫn nhau giữa người hâm mộ. Một người hâm mộ tên Abdul Mohammed, bất tỉnh vì hơi cay và được cho là đã chết. Anh thậm chí đã được chuyển đến nhà xác và chuẩn bị đem đi chôn. Abdul sau đó bất ngờ tỉnh lại khi bị người khác giẫm lên chân.
Ngày 24/5/1964 tại sân Estadio Nacional (Peru), trong trận đấu giữa Peru và Argentina ở vòng loại Olympic 1964, hơn 300 cổ động viên thiệt mạng cũng ở tình cảnh gần tương tự. Cổ động viên Peru tràn xuống sân để phản đối quyết định của trọng tài, cảnh sát phản ứng bằng cách bắn hơi cay vào đám đông, gây ra sự hỗn loạn. Các trường hợp tử vong chủ yếu xảy ra do hiện tượng xuất huyết nội tạng vì bị giẫm đạp, hoặc ngạt thở.
Cảnh sát Indonesia phải chịu trách nhiệm?
Ở thảm kịch khiến 125 người chết tại Indonesia vừa qua, cảnh sát trưởng Đông Java, Nico Afinta, cho biết hơi cay chỉ được sử dụng khi người hâm mộ bắt đầu tấn công cảnh sát, hành động bạo lực và đốt xe. Tuy nhiên, lời thanh minh từ người lãnh đạo lực lượng cảnh sát không thể làm xoa dịu công chúng.
“Trong 20 năm làm người hâm mộ Arema, tôi chưa bao giờ cảm thấy kinh hãi như đêm đó”, anh Surayoto nói. “Khí ga bóp nghẹt cổ họng khi tôi đứng trên khán đài”. Cảnh sát đã bắn hơi cay để đối phó với việc người hâm mộ tràn xuống sân sau trận thua 2-3 của Arema FC trước đại kình địch Persebaya Surabaya.
Song, theo chuyên gia pháp lý Daniel Alexander Siagian, các nhà chức trách đã không tuân theo quy trình rõ ràng được khuyến cáo từ trước. “Trận derby Đông Java luôn rất nóng và họ (chính quyền) phải có biện pháp từ trước”, Siagian phân tích. “FIFA từ lâu đã khuyến cáo cảnh sát không được sử dụng hơi cay trong sân vận động nhưng rốt cuộc họ vẫn làm”.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Indonesia, Zainudin Amali cho biết ông đã được Tổng thống Joko Widodo yêu cầu đến nơi xảy ra vụ việc để tiến hành đánh giá. Chính phủ Indonesia dự kiến lập ra một ủy ban độc lập để điều tra vụ việc.
HLV trưởng Arema, Javier Roca, nghĩ rằng cảnh sát đã vượt quá giới hạn. Truyền thông Indonesia khẳng định chỉ những người hâm mộ Arema mới được phép vào sân xem trận derby Đông Java cuối tuần qua. Cổ động viên của đội đối lập Persebaya Surabaya bị cấm vào sân như một biện pháp phòng ngừa bạo lực giữa hai bên. Đến cuối cùng, thảm kịch vẫn xảy ra.
Sự cố tại Indonesia cũng sẽ là bài học với bất kỳ nền bóng đá nào trên thế giới. Hơi cay và khí gas không bao giờ nên được sử dụng trong sân vận động vì hệ lụy nguy hiểm nó mang lại.